Việc đất Cần Giờ tăng giá chóng mặt thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về một quả bóng bất động sản đang được bơm căng và có thể xì hơi bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sốt đất nền ở Cần Giờ và một số nơi hiện nay không phải là bong bóng bất động sản quay trở lại mà chỉ là hiện tượng sốt ảo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, nguyên nhân sốt đất tại một số khu vực như thời gian vừa qua là do thông tin về hạ tầng tại các khu vực này được cải thiện, những dự án cầu, đường mới được quy hoạch.
Tuy nhiên, việc tăng giá chóng mặt thời gian qua còn là do nhóm đầu cơ đang tạo ra những cơn sốt đất ảo rất phi lý. Ví như đất vườn ở Long An, Củ chi đã lên đến gần 12 triệu/m2".
"Chính những thông tin trên đang làm cho khu vực này môi giới nhà đất hoạt động nhộn nhịp hơn cả khách du lịch, đâu đâu cũng thấy người ta chào mời mua bán đất. Ngoài nguyên nhân hạ tầng thì giới cò đất cũng góp phần không hề nhỏ trong việc tạo ra sốt ảo đất nền", ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, mặc dù các chuyên gia đã cảnh báo nhưng nhiều thông tin "trúng lớn" từ đất nền dẫn đến người người, nhà nhà đầu tư theo đám đông. Giới đầu cơ hoành hành, thổi giá còn có nguyên nhân buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. "Nếu không có cảnh báo mạnh mẽ việc sốt đất nền dễ dẫn đến bong bóng, vỡ bong bóng phân khúc đất nền, phân lô, tách thửa", ông Châu cho biết.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, thời gian gần đây nhiều người đang lo ngại bong bóng bất động sản, nhưng để xảy ra bong bóng thị trường phải có 5 yếu tố để hình thành. Yếu tố đầu tiên để bong bóng bất động sản xảy ra là khi nền kinh tế phát triển nóng, như trường hợp năm 2007 mọi người đều dễ dàng có thể kiếm tiền rồi đem đổ vào bất động sản.
Thứ hai là yếu tố buông lỏng tín dụng quản lý tiền tệ. Thứ ba là lệch pha giữa các phân khúc nhà ở (thừa cao cấp, thiếu trung bình). Yếu tố thứ tư là gia tăng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, đầu cơ. Thứ năm là thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Ông Châu cũng cho hay, thời gian gần đây một số dự án có tới 70% nhà đầu tư vào mua bán. Nhưng thực sự chưa thấy xuất hiện nhà đầu cơ chuyên nghiệp như năm 2007, khi mà họ tạo sóng, lướt sóng một cách nhanh chóng làm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường bất động sản, mà phải sau nhiều năm mới hồi phục.
Ông Châu cũng nhắc lại bài học về mua đất theo quy hoạch ở ở Nhơn Trạch cách đây hơn 10 năm. Khi đó, mặc dù tỉnh chưa công bố cụ thể thông tin quy hoạch một phần Nhơn Trạch thành khu đô thị mới với nhiều dự án cầu đường kết nối trực tiếp với quận 9, TP.HCM.
Nhưng lập tức, hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư và khách hàng đã đổ vào đây để đầu tư hàng lọt dự án lớn nhỏ. Đến nay, Nhơn Trạch vẫn chưa mang dáng dấp là một khu đô thị hiện đại như quy hoạch, ngược lại khách hàng "chết như rạ" vì ôm đất bán không được.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM trả lời tại buổi tọa đàm về "Hạn chế rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai", hiện cơ chế chính sách của ngành ngân hàng đang góp phần hạn chế rủi ro, không để bong bóng bất động sản xảy ra.
Cụ thể, Thông tư 06/2016 của ngân hàng nhà nước về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, các tỷ lệ an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, từ năm 2017 các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, và đến năm 2018 chỉ còn được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, trong khi chỉ số này từ năm 2016 trở về trước là 60%.
Do đó, hiện nay việc rót vốn vào lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng thương mại tiến hành rất chặt chẽ và thận trọng, đảm bảo nguồn vốn an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở đó, có thể nói cơ chế chính sách tín dụng của ngành ngân hàng đã và đang góp phần hạn chế rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, từ đó góp phần hạn chế tình trạng bong bóng xảy ra như những năm trước đây.
Video: Điểm lại những dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của PVN
Bình luận