Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2010 Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực. “Thương trường” gọi là “Giờ G” đã điểm. Theo đó, khoảng 1.500 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải hoàn thành việc chuyển đổi hình thức pháp lý thành Công ty Cổ phần hoặc Công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Và ngày 17 tháng 1 năm 2012, vấn đề “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị mang số 03 nhằm tạo ra trong khu vực doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu quả và sức cạnh tranh cao, phù hợp với xu thế thị trường nhiều thành phần kinh tế và hội nhập quốc tế. Các chuyên gia kinh tế đã dùng những cụm từ “mạnh” để mô tả tái cấu trúc, là “Lột xác” để hội nhập, là “Biện pháp sống còn”, là “Khâu đột phá”…
Tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc hiện tại kém hiệu quả và đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra trong những điều kiện hoàn cảnh luôn thay đổi.
Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng” tốt hơn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của doanh nghiệp.
Theo TS. Hoàng Văn Hoan - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì tái cấu trúc doanh nghiệp phải được xem xét thường xuyên để đối phó lại tình trạng mất cân bằng thậm chí bất ổn của hệ thống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi vậy, tái cấu trúc doanh nghiệp là một tất yếu khách quan.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có cuộc hội thảo mang tính tham vấn trao đổi ý kiến với các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và đại diện các Tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty lớn. Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới Phát triển Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Muôn cho hay: Có 21 Tập đoàn và Tổng Công ty lớn phải trình Chính phủ ngay trong quý I đề án tái cấu trúc để trong quý II, 21 đề án này được phê duyệt và sau đó triển khai ngay năm 2012 cho đến năm 2015.
Điều đó thật khó với hai yêu cầu: Kịp thời hạn và chất lượng cao - Ông Muôn chia sẻ. Bởi khi bàn chuyện này đã là giữa tháng 2. Cứ tính hai ngày một chiếc (đề án) đã thấy tính khả thi là hạn chế. “Dục tốc bất đạt”! Mỗi khâu định giá, kiểm toán, giải bài toán lao động dôi dư… đều có thể mất tới… cả năm. Có thể nhìn thấy trước nếu chưa tìm được cách thức tái cấu trúc đúng đắn, khoa học, thì kết quả khó đạt yêu cầu.
Bởi vậy Chính phủ yêu cầu tập trung tái cấu trúc vào ba điểm:
- Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường.
- Thứ hai, là thúc đẩy xây dựng cơ chế để thực hiện tốt quá trình tái cấu trúc các Tập đoàn, Tổng Công ty.
- Thứ ba, là xác định rõ chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động đầu tư của tái cấu trúc đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, hoàn thiện cơ chế cho Tổng Công ty năng hoạt động.
Sẽ không phân biệt các cấp quản lý, cơ quan quản lý. Sẽ mở rộng tái cấu trúc cả các đơn vị thành viên các Tập đoàn, Tổng Công ty và nguồn lực của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Chính phủ yêu cầu phân ra các nhóm tái cấu trúc khác nhau, có nhóm thực hiện tái cấu trúc trước cổ phần hóa, có nhóm sau cổ phần hoá, phân biệt hiệu quả kinh doanh và dịch vụ công ích.
Theo ông Mishra, Kinh tế trưởng WB, thì có tới mười lý do để tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước. Cơ bản có thể nêu: Doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nước ngoài; Việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách công nghiệp không nhất thiết phải sử dụng công cụ Tập đoàn kinh tế nhà nước; Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế đang thay đổi; “Sân chơi” (môi trường kinh doanh) vẫn chưa bình đẳng; Có thể coi việc tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước là đòn bẩy để phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nhìn vào động thái về quản lý khối doanh nghiệp nhà nước có thể thấy Chính phủ đang tỏ ra sốt sắng với việc tái cấu trúc các Tập đoàn, Tổng Công ty với việc đặt ra các thời hạn khá ngắn cho việc nộp đề án, phê duyệt đề án từng đơn vị. Và qua các thông tin phát đi từ Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, cho thấy đặt mục tiêu tái cấu trúc khiến các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn của nhà nước phải đóng vai trò “nòng cốt”, “trụ cột” trong nền kinh tế, có khả năng can thiệp, điều tiết thị trường – vai tuồng của các “Anh cả đỏ”. Để có được điều này, thì ý kiến của ông Kinh tế trưởng WB có thể cần được tham khảo. Các Tập đoàn, Tổng Công ty cần phải được chia nhỏ, đặt chúng vào một môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Và đó có nên là một việc cần thiết của quá trình tái cơ cấu này.
Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC (Tổng Công ty VTC) không thuộc nhóm 21 “Anh cả đỏ”. Nhưng cũng là một trong những doanh nghiệp lớn mang tính đặc thù sản phẩm. Sản phẩm của nó đa phần vô hình (Truyền hình - Truyền thông - Nội dung số), phần nữa hữu hình (Thiết bị truyền hình và Dịch vụ truyền hình). Lại cũng có sản phẩm hữu hình chứa đựng đầy trí tuệ sáng tạo. Nhưng với mong muốn khát khao tái cấu trúc doanh nghiệp để phát triển bền vững, “Đề án Tái cấu trúc” tổng thể cho giai đoạn 2012 – 2015 cũng đã được VTC dự thảo xây dựng, mà theo dấu ấn ghi ngoài bìa, thì dự thảo lần hai đã được hoàn thành vào ngày 22-3-2012.
Trong đề án tái cấu trúc này, Tổng Công ty VTC đã dựa vào những định đề căn bản như: Yêu cầu thực tiễn; Cơ sở để xây dựng đề án; Mục tiêu của đề án. Tất nhiên có căn cứ vào quá trình hình thành và phát triển, sự ra đời và phát triển của Truyền hình số Việt Nam, cùng Chuỗi Giá trị Công nghệ Truyền thông Hội tụ số VTC. Qua đó cho thấy một doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả, có tiềm năng phát triển và tự tin tái cấu trúc để phát triển bền vững hơn trong giai đoạn mới của đất nước.
Tổng Công ty VTC là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa công nghệ kỹ thuật số áp dụng thành công ở Việt Nam, làm căn cứ để Chính phủ hoạch định “Chiến lược phát triển ngành Truyền hình Việt Nam số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Mà đầu năm 2001, Việt Nam đã chính thức có tên trên bản đồ các nước triển khai truyền hình số mặt đất với 16 kênh truyền hình được phát sóng tại Hà Nội, chỉ chậm hơn nước Anh có 3 năm.
Tổng Công ty VTC cũng là một đơn vị đi đầu và đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nền Công nghiệp Nội dung số Việt Nam. Và sự phát triển của nó đã tạo ra bước phát triển mới trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, góp phần hiện thực hóa đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ Thông tin và Truyền thông” của Chính phủ.
Cũng cần nhấn mạnh điều này, năm 2010, mạng Việt Nam (Go.vn) ra đời kết nối hàng triệu khách hàng của VTC, đặc biệt là giới trẻ. Và nay mạng Việt này đã có trên 10 triệu thành viên có sức lan tỏa cao trong xã hội. Một sự kiện nữa, VTC Online vừa ký kết xuất khẩu game với đối tác là Công ty Nvia để Công ty này độc quyền phát hành 2 games Squad và Generation 3 (G3) tại 10 quốc gia châu Âu và Mỹ La tinh. Đây là 2 trong số những dự án game đầu tiên của Trung tâm Sản xuất game VTC Studio. Nếu như từ trước tới nay Việt Nam chỉ nhập game, thì nay ta có thể tự hào về triển vọng mới cho Ngành Nội dung số Việt Nam, với bước đi tiên phong của VTC Online.
Trong quá trình phát triển, Tổng Công ty VTC đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 3 danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” cho 2 tập thể và 1 cá nhân; 1 Huân chương Độc Lập hạng Nhì, 20 Huân chương Lao Động các hạng 1, 2, 3.
Tổng Công ty VTC được tổ chức theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm Công ty mẹ, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và ba đơn vị báo chí khác, các đơn vị kinh doanh hạch tóan phụ thuộc, các Công ty con là các Công ty TNHH một thành viên vốn của Tổng Công ty, các Công ty cổ phần do Tổng Công ty đầu tư vốn chi phối trên 50% vốn điều lệ, các Công ty liên kết là Công ty cổ phần Tổng Công ty đầu tư dưới 50% vốn điều lệ.
Từ kết quả khảo sát về cơ cấu tổ chức và nhân sự, cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2009 – 2011 của các nhóm ngành: Công nghiệp Nội dung số, Thiết bị Truyền hình và Dịch vụ Truyền hình, Dịch vụ Viễn thông, từ đó, Tổng Công ty VTC đã xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là năm 2011. Đó là VTC đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi môi trường kinh doanh mà thị trường thay đổi nhanh; Xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh; Thị trường viễn thông đã bão hòa; Khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn và yêu cầu cao; Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; Hiệu quả kinh doanh tổng thể thấp; Lợi nhuận sụt giảm và tốc độ phát triển chậm lại.
Về cơ cấu mô hình, Tổng Công ty VTC cũng nhận ra chiến lược phát triển tổng thể dài hạn chưa rõ ràng trong đó chưa xác định rõ ngành nghề kinh doanh mũi nhọn, nguồn lực bị phân tán, bộ máy quản lý cồng kềnh, và chưa có những thay đổi kịp thời phù hợp về mô hình và chiến lược thích ứng với môi trường kinh doanh đang luôn thay đổi.
Với định hướng tái cấu trúc và chiến lược phát triển mới, về mô hình, Tổng Công ty VTC sẽ chỉ còn 11 đầu mối do Công ty mẹ chỉ đạo, quản lý trực tiếp so với 57 đầu mối ban đầu. Trong mô hình này, Đài Truyền hình KTS VTC được xác định là cốt lõi và nền tảng phát triển. Các công ty mũi nhọn và nòng cốt được gắn kết với nhau theo chiến lược từng nhóm ngành và theo chiến lược tổng thể trong “Chuỗi Gía trị Công nghệ Truyền thông Hội tụ số VTC” với hạt nhân là Đài Truyền hình KTS VTC. Lộ trình triển khai thực hiện sẽ là: Qúy I sắp xếp nơi Công ty Mẹ. Qúy II sắp xếp các đơn vị trực thuộc và các Công ty Con. Qúy III thoái vốn các Công ty cổ phần mà Công ty Mẹ đầu tư vốn dưới 30%. Và quý IV, hoàn thiện cơ bản tổ chức bộ máy hoạt động theo mô hình mới. Tất cả trong năm 2012 này.
Nhìn vào bản vẽ mô hình tổng thể, người ta dễ nhận ra một “thế cấu trúc” gọn, rõ ràng và mạnh mẽ.
Bên cạnh Công ty Mẹ VTC, là Đài Truyền hình KTS VTC và tổ hợp Báo - Chí “làm cốt lõi và nền tảng phát triển”.
Ba Công ty TNHH MTV và Công ty CP VTC, là VTC Intecom, VTC Online, VTC Mobile “Tập trung Công nghiệp Nội dung số”
Bốn Công ty TNHH MTV và Công ty CP VTC, là VTC Digital, VTC Comtech, VTC Cable, Công ty VTCI “ Đẩy mạnh Dịch vụ Truyền hình”
“Tối ưu và nâng cấp viễn thông” cho VTC Digicom.
“Phát triển phía Nam” cho VTC Tp HCM.
Chân dung mới của Tổng Công ty VTC được khắc họa trong cộng đồng các doanh nghiệp và xã hội với những tiêu chí đặc trưng vì khách hàng và xã hội như sau:
Tầm nhìn 2020 “Trở thành doanh nghiệp hàng đầu về Nội dung Đa phương tiện trong trái tim 50 triệu khách hàng”.
Sứ mệnh: Sẽ làm thỏa mãn khách hàng bằng chất lượng dịch vụ, công nghệ ưu việt, giá cả cạnh tranh. Xây dựng lực lượng giỏi chuyên môn, giàu kinh tế, có trách nhiệm với xã hội. Cam kết đồng hành đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông.
Gía trị cốt lõi: Tiên phong công nghệ, kiến tạo thị trường. Nghĩ lớn làm nhanh, sức mạnh trí thức. Hội tụ công nghệ, kết nối cộng đồng. Chia sẻ bản quyền, tôn trọng đối tác, thỏa mãn khách hàng. Hợp tác đồng đội, phát triển cá nhân, gia đình hạnh phúc.
Tất cả đang ở phía trước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết rằng, trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, thì tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước được xác định là khó khăn nhất. Trên “sân chơi” mà môi trường kinh doanh đòi hỏi cạnh tranh bình đẳng công bằng giữa các thành phần kinh tế, thì các doanh nghiệp nhà nước không thể trông chờ vòng tay bảo hộ của nhà nước như từng có và quen có. Luật chơi sẽ “tuýt” còi. Các chuyên gia kinh tế thì khuyến cáo rằng: Tái cấu trúc doanh nghiệp quan trọng nhất là “chẩn” đúng bệnh. Nó là thay đổi vai trò để thích ứng thời cuộc. Là đi cùng xu thế của thời cuộc. Nó là cơ hội lớn nhưng thách thức cũng nhiều. Phải có “la bàn” chỉ rõ hướng đi, nếu thiếu cẩn trọng sẽ, hoặc đổ vỡ hoặc tồn tại nhưng thiếu sức sống. Vậy là “sống” và “chết” chỉ cách nhau “một tầm nhìn”. Mà mục đích của tái cấu trúc là để doanh nghiệp “sống khỏe” chứ đâu phải “sống thực vật”! Tất cả đang ở trước mặt.
Giang Lân
Bình luận