Trong 13 ngày liên tục, Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh) dành phần lớn thời gian chỉ để đốt sức, nạp năng lượng rồi lại tiếp tục thử thách sức chịu đựng của bản thân. Cô chỉ ngủ từ 1-4 tiếng mỗi ngày, có hôm chỉ chợp mắt chừng 20 phút. Cô gái sinh năm 1990 đổ cả máu và nước mắt trên cuộc hành trình được gọi là môn thể thao khắc nghiệt nhất hành tinh - ultra triathlon.
Thanh Vũ hào hứng kể lại hơn 328 giờ gian khổ dưới thời tiết thất thường của vùng núi Buchs (St. Gallen, Thụy Sĩ). Trải nghiệm lần này dường như khắc sâu vào ký ức của "nữ siêu nhân" - cách cộng đồng mạng gọi Thanh Vũ - từng giây, từng phút. Lời kể của cô gái 32 tuổi như một cuốn nhật ký mô tả sự khốc liệt của cuộc hành trình.
Thử thách số 1: Bơi 38 km
Nhiệt độ nước: 23 độ C, ổn định.
Nhiệt độ môi trường: 18 độ C vào buổi tối và sáng sớm, nóng nhất là 32 độ C.
Tôi từng bơi trong cái lạnh 8 độ C ở miền Bắc, chẳng cần wetsuit (đồ bơi chuyên dụng có tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể) thì nhiệt độ như vậy chắc là không vấn đề gì cả. Nhưng, đúng là có những thứ phải đến lúc nếm trải mới biết được! Khi cơ thể vận động trong nước liên tục như vậy, cảm giác cái lạnh thấm sâu hơn nhiều. Trời lại còn mưa nữa.
Ultra triathlon cũng bao gồm 3 nội dung như triathlon (3 môn phối hợp thông thường) là bơi, đạp xe và chạy bộ, nhưng quãng đường các vận động viên phải hoàn thành dài gấp... 10 lần! (Ảnh: Swiss Ultra)
Tôi xuống bể lúc 18h. Chưa bao giờ tôi bơi từ chiều tối xuyên đêm kiểu này. Làm gì có bể bơi nào ở Việt Nam mở cửa ở khung giờ như thế!
Giới hạn thời gian là 27 tiếng - một thách thức lớn. Càng về đêm, nhiệt độ càng thấp.
Một giờ sáng, cơ thể bắt đầu mệt, có cảm giác buồn ngủ. Tôi vận động lâu rồi, thân nhiệt dần hạ xuống.
Bốn giờ sáng, mặt trời sắp lên, không khí lạnh đanh. Tôi đã bơi gần 12 tiếng, cứ mỗi giờ lại ngóc đầu lên nạp năng lượng một lần, nhưng sức chịu đựng cũng đến giới hạn.
Tôi buồn ngủ khi vẫn còn trong bể và chỉ bơi theo quán tính, có lúc như quên cả quạt tay, may mà tỉnh đúng nhịp lấy hơi.
Tôi muốn bơi liền mạch, không muốn thời gian trên bờ lâu. Nhưng đến lúc này, tôi quyết định là phải ra khỏi bể, xối nước ấm, dùng máy sấy làm ấm cơ thể rồi chợp mắt chừng 15-20 phút để hồi phục thân nhiệt rồi mới tiếp tục bơi.
Có những người như anh Robert Karas bơi rất giỏi, cứ đều đặn 100 mét bơi đi bơi về mỗi chiều mất chừng một phút rưỡi. Bơi khoảng 9 tiếng rưỡi là xong thì chẳng phải lo chuyện bị hạ thân nhiệt.
Nhưng, tôi biết cơ thể mình phản ứng thế nào. Ai mà ngờ cái lạnh của nước thấm sâu đến vậy. Dự báo thời tiết buổi chiều có mưa. Tôi phải cố thêm một chút để ra khỏi bể càng sớm càng tốt.
Bốn giờ chiều, thử thách hoàn thành. Chị Marion Rita Dang bơi nhanh hơn, nhưng nghỉ trên bờ nhiều hơn nên tôi là người đầu tiên trong nhóm nữ hoàn thành phần bơi.
Chị Shanda Hill về thứ hai. Chị có rất nhiều kinh nghiệm, đang săn kỷ lục thế giới. Không may là lượng clo trong bể hơi cao, ảnh hưởng tới phổi nên chị quyết định rút lui. Tôi hoang mang, vì một người kỳ cựu như chị Shanda cũng phải bỏ cuộc ngay từ bước đầu.
Thử thách số 2: Đạp xe 1.800 km
Tôi yếu nhất môn này. Chị Rita lại giỏi nhất. Chị ấy đạp vượt cả các đối thủ nam.
Thời tiết xấu. Cung đường đạp xe cũng không dễ. Đường hẹp, 2 bên đều dốc. Một bên là sông Rhine, bên kia cũng là vực sâu. Gió bên bờ sông rất lớn. Địa hình xung quanh là núi nên thời tiết thay đổi rất nhanh. Mưa thì lạnh như nước đá tạt vào người. Nắng lên thì nóng khủng khiếp. Bôi kem chống nắng mà cảm giác da mặt như nứt toác ra.
Đạp xe 1.800 km dưới thời tiết mưa nắng thất thường là thử thách khiến Thanh Vũ khổ sở nhất. (Ảnh: Swiss Ultra)
Kế hoạch ban đầu của tôi là sau khi bơi xong sẽ nghỉ ít nhất 3-4 tiếng, để người khô ráo mới bắt đầu đạp xe. Dẫu vậy, khi tôi bơi xong thì hầu hết các vận động viên khác đã bắt đầu đạp xe rồi. Tôi quyết định cứ làm một, hai vòng đạp xe cho quen đường, quen thời tiết rồi mới nghỉ - một quyết định thật buồn cười.
Trời mưa! Tôi vừa đạp xong vòng một để thử tốc độ, thấy ổn nên thêm một vòng nữa. Trời mưa lớn hơn, đường rất trơn. Tôi ngã xe!
Khúc cua ấy rất "sắc", lại có mấy tảng đá ngay đó. Trời lại mưa to. Tôi bóp phanh không đủ lực, hoặc không đúng lúc và đâm thẳng vào tảng đá. Vẫn may là tôi biết cách đâm để không bị thương nặng.
Tôi hoảng hốt, bắt đầu mất đi niềm tin vào bản thân, không tin mình có thể làm được. Tôi không muốn bỏ cuộc, nhưng vẫn tự hỏi liệu mình có phải đang ở một sân chơi quá lớn so với bản thân. Tôi khóc, vì tủi thân.
Lếch thếch đứng dậy, tôi hoài nghi chính tôi. Tôi là ai mà dám bước vào cuộc chơi thế này, dám chạy xe ở đoạn đường này?
Đạp xe trong bóng tối, cũng có lúc tôi hơi sợ và cả buồn ngủ nữa, nhưng đó chỉ là những vấn đề nhỏ thôi. Khát khao của tôi rất lớn, nên đối với những tiểu tiết đó, tôi tự thuyết phục bản thân để vượt qua được. Thứ khiến tôi hoang mang là cảm giác thất bại.
Mục tiêu của tôi là đạp khoảng 270 cây số mỗi ngày. Ngày hôm đó chỉ đạp được 91 km, thiếu gần 180 km. Những ngày tiếp theo phải bù lại cho được số đó. Nhưng thời tiết xấu quá, khả năng không hoàn thành được rất cao. Tôi hoang mang.
Video: Thanh Vũ òa khóc khi nói chuyện với bạn bè trên Facebook
Tôi không lúc nào muốn bỏ cuộc, mà đó là cảm giác gục ngã vì bế tắc. Mọi người hay hỏi tôi có khoảnh khắc nào có muốn bỏ cuộc không, và câu trả lời luôn là "không".
Có những lúc tôi nhìn thời gian trôi qua, tôi thấy bất lực, hoài nghi vào khả năng của mình. Tôi hoang mang, vì phải đạt trung bình 270 km mỗi ngày thì mới đủ kế hoạch mà hôm đấy chỉ đạp được 91 km. Còn 180 km nữa dồn vào những ngày sau, mà lại mưa tiếp thì dễ lại càng phải bù nhiều hơn.
Tôi đâm hoảng, mà khi hoảng thì tôi mất đi sự điềm tĩnh để phân tích tìm giải pháp. Tôi nghĩ đến tình huống xấu, là thất bại. Nhưng, có những lúc chúng ta phải cho phép bản thân được hoảng loạn, dành thời gian xử lý tâm trạng. Tôi khóc để giải tỏa, chứ không phải vì yếu đuối hay bỏ cuộc.
Tôi sẽ cố tới cùng. Đi xa tới mức này rồi không phải để dừng chân ở đây.
Bàn tay phải của Thanh Vũ phải quấn băng sau cú ngã ở vòng đạp xe thứ hai. (Ảnh: Swiss Ultra)
Cú ngã hôm trước không có gì quá nghiêm trọng nhưng nó làm tay tôi xước. Chân thì bầm dập. Một bài học lớn cho tôi. Lần sau không được để tâm lý bị dao động, vì nhìn theo những người khác mà làm khác đi kế hoạch!
Tay phải bị trầy, không nặng nhưng đủ để tôi không đặt được tay lên aerobar (thanh kê tay nghỉ gắn trên ghi đông của các tay đua xe đạp đường trường). Tôi phải đạp xe theo kiểu nghiêng người sang một bên, khá là bất tiện trong một chặng đường dài.
Thời tiết thay đổi liên tục. Vừa hôm trước mưa tầm tã, hôm nay trời lại nóng cực kỳ, cả cung đường không có lấy một bóng râm! Nắng xối từ trên cao. Gió quật thẳng vào mặt, đau rát.
Sau ngày đầu tiên, tôi rút ra bài học là phải xem dự báo thời tiết để biết mây mưa đi qua khu vực đó vào giờ nào để điều chỉnh kế hoạch. Những ngày nắng nóng thế này, tôi sẽ tránh thời gian nóng nhất và tránh những lúc gió đổi chiều. Khi đó, tôi sẽ nghỉ ngơi. Tôi có thể chờ đến khi mặt trời lặn để đạp xe xuyên đêm.
Hôm sau trời lại mưa 24/24. Mọi người nói chưa bao giờ thấy ở Buchs có mưa tầm tã như vậy. Có những người đem theo nhiều quần áo mà không kịp sấy khô. Tôi chỉ có 2 bộ để dùng cho phần đạp xe vì nghĩ có thể thay luận phiên.
Thế rồi, tôi phải làm một việc rất kỳ quặc theo tư vấn của chị Shanda là mặc wetsuit để giữ ấm cơ thể khi đạp xe trong trời mưa. Bộ đó không được thiết kế cho việc đạp xe nên rất khó chịu, nhưng để giữ thân nhiệt, có thể đạp xe được thì phải làm như vậy.
Tôi tiếp tục điều chỉnh lịch trình theo thời tiết. Lúc nào xấu trời, mưa to gió lớn thì nghỉ ngơi, chợp mắt một chút. Đêm, trời lạnh hơn nhiều nhưng gió không lớn thì tôi dậy lúc 1h sáng để tiếp tục đạp xe.
Cũng có lúc tôi căn thời gian sai. Sương dày quá. Tầm nhìn trước mắt chỉ một mét thôi nên tôi phải đạp thật chậm để dò đường. Những lúc như thế, tôi cũng chút lo sợ, nhưng một lần nữa, đó chỉ là nỗi sợ nho nhỏ thôi. Tôi tự trấn an bản thân được. Nỗi sợ lớn hơn đến từ sự tự ti, từ cảm giác thương hại bản thân.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày của Thanh Vũ.
Thử thách số 3: Chạy bộ 422 km
Chạy bộ là thế mạnh của mình. Tôi an tâm hơn. Thoát được cái xe đạp rồi, tôi sẽ cố hết sức.
Chị Rita đạp xe xong từ Chủ nhật, trước hẳn một ngày rưỡi. Tôi phải cố gắng bắt kịp chị, nhưng rất khó.
Tuy nhiên, được nửa ngày, chị Rita đưa ra một quyết định rất bất ngờ là rút lui. Có lẽ chị bị đau chân. Tôi lại hoang mang. Chị Rita có sức khỏe tốt nhất trong 3 người còn lại ở nhóm nữ. Tôi không được chủ quan.
Tôi biết điểm mạnh của bản thân nên không lo lắm, nhưng vẫn phải cẩn trọng với thời tiết. Nhiệt độ 31-32 độ C không cao bằng ở Việt Nam, nhưng vận động 16-20 tiếng mỗi ngày ngoài trời thì rất mệt.
Tôi phải tận dụng không khí mát mẻ vào buổi tối. Cũng chính vì vậy mà lịch sinh hoạt, lịch chạy của tôi cũng rất khác so với những người còn lại.
Đến phần chạy thì tôi rất tự tin vào khả năng điều chỉnh theo thời tiết rồi. Có những người không thức đêm, ngủ ngày được thì họ phải cố gắng duy trì hoạt động trong lúc nắng nóng. Nhưng tôi thì linh hoạt được nên cố gắng làm sao tận dụng được yếu tố thời tiết tốt nhất có thể.
Tôi cũng biết khi nào phải nạp năng lượng, từng vòng một bằng dạng lỏng và sau 60 km thì nghỉ dài hơn để mát xa chân, tranh thủ ăn nhiều hơn. Tôi không có vấn đề gì với việc ăn nhiều ngày liên tục một món.
Tôi rất bất ngờ về sức khỏe của cô Nadine Zacharias. Cô năm nay 60 tuổi rồi. Nhìn cô Nadine, thực sự tôi thấy rằng tuổi tác hay giới hạn chỉ là thứ nằm trong đầu mỗi người thôi. Tôi chưa thấy có ai bền bỉ và quyết tâm như cô Nadine.
Nhìn lịch sử thành tích của cô, tôi biết cô rất giỏi ở phần chạy. Chiến thuật của cô là kết hợp giữa đi bộ nhanh và chạy. Tôi không giỏi đi bộ nhanh nên khi tập luyện, tôi đã chuẩn bị để chạy được đủ 422 km.
Tôi quyết định là sẽ cố gắng chạy trên khoảng 80-90% chặng đường. Phần còn lại là khi mệt quá hay có dấu hiệu bị đau thì sẽ giảm tốc, nhưng hạn chế tối đa đi bộ.
Có một đêm, tôi thấy tốc độ của mình duy trì rất tốt nên quyết định sẽ ngủ nhiều hơn một chút, từ khoảng 12 giờ đêm đến 5 rưỡi sáng hôm sau. Nhưng, khi thức dậy, tôi thấy khoảng cách bị thu hẹp lại quá nhanh. Tôi hốt hoảng và phải điều chỉnh lại chiến lược.
Bà Nadine Zacharias là vận động viên có tuổi đời cao thứ hai trong số những người tranh tài tại Swiss Ultra. Bà là người phụ nữ trên 60 tuổi đầu tiên chinh phục được cả 3 nội dung ultra triathlon. (Ảnh: Swiss Ultra)
Những ngày sau đó, tôi hiểu rằng không thể đánh giá thấp cô Nadine được. Tôi đã điều chỉnh để những ngày hôm sau chỉ ngủ 2-4 tiếng một ngày để đảm bảo giữ được vị trí tốt nhất.
Tôi cán đích và trở thành quán quân, rất tự hào. Nhưng, bản thân tôi cũng được truyền cảm hứng sâu sắc từ những người dự giải như cô Nadine. Hi vọng rằng khi 60-70 tuổi, tôi cũng khiến những đối thủ trẻ hơn mình lo lắng đến mức tối không dám ngủ.
Bình luận