Sau đảo chính thất bại, Venezuela còn lại gì?
Khi lãnh đạo đối lập Venezuela, Juan Guaidó xuất hiện bên ngoài một trong những cơ sở quân sự quan trọng nhất ở thủ đô Caracas ngày 30/4, cùng với một số binh sĩ vũ trang hạng nặng và nhà hoạt động López, nhiều người ủng hộ ông ta đã nghĩ tới dấu chấm hết cho chính quyền của Tổng thống Nicolás Maduro.
Tuy nhiên, sau một ngày đầy biến động với các cuộc đụng độ, có tiếng bom nổ, đạn rơi và hàng chục người bị thương, Tổng thống Maduro vẫn nắm giữ quyền và có được sự hậu thuẫn của hầu hết các quan chức hàng đầu quân đội.
"Rõ ràng đây là một thất bại bởi nó cho thấy phe đối lập đã yếu hơn so với trước đây", David Smilde, chuyên gia Venezuela từ Văn phòng Washington về nhóm vận động Mỹ Latinh nói.
Ông Benjamin Gedan, cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về Venezuela trong chính quyền cựu Tổng thống Obama, cho rằng ông Guaidó đã mong muốn những vụ đào tẩu hàng loạt từ các cơ quan tình báo và quân đội Venezuela. Nhưng "không có gì xảy ra", Gedan nói. Song khuyến cáo rằng vẫn chưa thể loại bỏ phong trào của lãnh đạo đối lập ra khỏi phép tính quyền lực ở Venezuela.
Các cuộc biểu tình chống Tổng thống Maduro sau khi ông tuyên bố đã đánh bại nỗ lực đảo chính ngày 30/4 vẫn tiếp tục, với hàng nghìn người xuống đường một lần nữa vào ngày 1/5. Ông Maduro đã không cố gắng để "diệt tận gốc" phe đối lập bằng sự đàn áp. Các cuộc biểu tình vẫn trong tình trạng kiểm soát được nhưng phe đối lập vẫn duy trì được sự hỗ trợ từ các lực lượng quốc tế.
"Tôi không nghĩ ngày mai chế độ sẽ sụp đổ. Nhưng tôi không nhìn thấy tín hiệu nào chứng ông Maduro đặc biệt tin tưởng vào quyền lực của mình", ông Gedan bình luận.
Ông Vanessa Neumann, đặc phái viên của nhà lãnh đạo đối lập Guaidó tại Anh, phủ nhận việc phe đối lập đã dự đoán sự sụp đổ của ông Maduro diễn ra ngay lập tức. "Đây là một hành động siết chặt từ từ. Chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ được thực hiện và kết thúc nhanh gọn chỉ trong vài giờ."
Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng đó chính xác là những gì ông Guaidó kỳ vọng - và đã không đạt được - khi ông xuống đường lúc 4 giờ sáng ngày 30/4 (giờ địa phương) cùng cố vấn chính trị Leopoldo López, người đã trốn thoát khỏi quản thúc tại gia.
Tương lai nào cho Venezuela?
Nỗ lực “đảo chính” bất thành, lãnh đạo đối lập kêu gọi một cuộc tuần hành “lớn nhất lịch sử” nhưng cũng dần tàn lụi. Cơ quan tư pháp Venezuela dự kiến điều tra những người có liên quan đến sự việc, cáo buộc tội phản quốc, chống lại hiến pháp, luật pháp và hòa bình.
Tổng thống Nicolas Maduro cho biết, ông sẽ thực hiện một cuộc “đối thoại sửa đổi” để lắng nghe ý kiến người dân, sẵn sàng đưa ra các biện pháp thay đổi tình hình đất nước và sửa chữa những sai lầm.
Tại Cuba và Mỹ, nhiều người dân xuống đường trong ngày Quốc tế Lao động (1/5), kêu gọi Mỹ đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Người dân Cuba lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này, bác bỏ các cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Cuba đang triển khai quân đội tại Venezuela để ủng hộ chính quyền của ông Maduro.
Hiện tại, Guaidó đối mặt với khả năng bị bắt giữ, trong khi López đã đến đại sứ quán Tây Ban Nha. Đó có lẽ là cú đánh lớn nhất vào phong trào vì López là một trong những nhân vật chủ chốt và bây giờ có vẻ như ông đã từ bỏ cuộc chiến từ bên trong Venezuela, chuyên gia Smilde nhận định.
Tuy nhiên, ông Eric Farnsworth, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và là Phó Chủ tịch Hội đồng châu Mỹ, cho biết ông tin rằng các cuộc thảo luận giận dữ đang được thực hiện với các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao trong nỗ lực thuyết phục họ "đổi phe". Đây là một nguy cơ với chính phủ hiện tại.
Theo LA Times, vẫn có dấu hiệu cho thấy ông Maduro có sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt là từ những người nghèo và tầng lớp lao động được hưởng lợi từ đầu tư công vào giáo dục, y tế và nhà ở.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ tham gia cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5) ở Thủ đô Caracas, Tổng thống Venezuela Maduro nhấn mạnh: "Nếu một ngày nào đó, chúng ta thức dậy và nghe thấy tin tức một nhóm nhỏ muốn sử dụng vũ khí, thì mọi người cần xuống đường và bảo vệ nền dân chủ tự do. Không được ngần ngại dù chỉ một giây".
Dấu hỏi về vai trò của Nga, Mỹ
Ông Maduro bác bỏ thông tin của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc định rời khỏi Venezuela trốn tới Cuba nhưng được Nga thuyết phục ở lại, cáo buộc Mỹ đứng đằng sau âm mưu nổi dậy với sự chỉ đạo của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Ông cũng chỉ trích một số lãnh đạo đối lập âm mưu đảo chính.
Nga cũng lên tiếng nói thông tin của Mỹ là “tin giả” sử dụng trong cuộc chiến truyền thông nhằm làm suy yếu Venezuela. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba rằng việc Washington can thiệp vào vấn đề Venezuela có thể làm phức tạp tình hình.
Nga, Mỹ cáo buộc lẫn nhau can thiệp vào khủng hoảng Venezuela, trong khi quốc tế có những phản ứng trái chiều.
Khi các sự kiện diễn ra, một số chính phủ bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Guaidó, trong đó có hầu hết các thành viên Liên minh châu Âu. Nhưng chính phủ các nước cũng không quên nhắc lại các lời kêu gọi tránh đối đầu bạo lực. Cố vấn an ninh Mỹ Bolton từ chối thảo luận về các hành động có thể xảy ra, như lựa chọn quân sự, nhưng nhắc lại rằng tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc khi Tổng thống Trump theo dõi diễn tiến tình hình.
Ở những nơi khác, chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi kiềm chế, trong khi chính phủ Cuba và Bolivia nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với ông Maduro. Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, El Salvador, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ Tổng thống Maduro.
Bình luận