Ngày 22/1, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết sau 5 ngày thực hiện cao điểm đo nồng độ cồn và kiểm tra chất ma túy với cánh tài xế xe tải, container, xe khách…, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng ma túy khi lái xe.
Theo đó, PC08 đã phối hợp với công an các quận, huyện thực hiện dừng 3.416 phương tiện kiểm tra, lập biên bản xử lý 317 trường hợp (trong đó 34 ô tô, 283 xe máy).
Trong đó, đã xử lý 291 trường hợp vi phạm nồng độ, 36 trường hợp vi phạm khác, tạm giữ 33 ô tô, 266 xe máy. Đáng chú ý, không phát hiện tài xế sử dụng chất ma túy khi lái xe.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 diễn ra ngày 15/1, trả lời báo chí, Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng PC08 cho biết, trong năm 2018, tại TP.HCM xảy ra 3.643 vụ tai nạn giao thông, làm 702 người chết, 2.517 người bị thương. Giảm 245 vụ (giảm 6,3%), giảm 3 người chết, giảm 440 người bị thương so với năm 2017.
Trong năm 2018, lực lượng CSGT đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với 562.575 trường hợp. So với cùng kỳ 2017 tăng 33.303 trường hợp. Nộp kho bạc nhà nước hơn 231 tỉ đồng. Phạt nguội đối với 5.634 trường hợp vi phạm.
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết, lực lượng CSGT các quận huyện sẽ tổ chức các tổ công tác tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với tài xế trên địa bàn, đặc biệt, tại các khu vực như bến xe Miền Đông, Miền Tây, các cảng vận tải hàng hoá có lượng xe khách, container, xe tải nặng thường xuyên hoạt động.
Thời gian kiểm tra chủ yếu sẽ từ 18h -2h sáng hàng ngày.
Đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích sẽ diễn ra một tháng, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Đợt ra quân xử lý cũng được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, CSGT phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động, công an phường kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích. Đặc biệt tại các tuyến cửa ngõ, bến xe, cảng vận tải hàng hoá…
Giai đoạn 2, khi phát hiện tài xế có chất kích thích như ma tuý…, CSGT sẽ phối hợp với lực lượng y tế dự phòng, kiểm tra xác định chất kích thích trong máu và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Đồng thời, lực lượng CSGT cũng sẽ làm việc với các đơn vị vận tải, chủ bến xe, doanh nghiệp… để tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với tất cả tài xế định kỳ.
Bình luận