Phóng sự - Khám phá

Săn cá 'khủng' dưới đáy hồ thủy điện Na Hang

Thứ Hai, 11/07/2022 10:08:00 +07:00

(VTC News) - Lặn hơi thứ ba, anh Thức bỗng thấy có thứ gì đen xì, to như quả bom, lừ lừ tiến đến. Anh ngồi im, từ từ nâng súng lên. Hóa ra là một con cá lăng chấm tầm 15-16kg.

Tay thợ săn cá, sinh năm 1977, bảo: “Nếu bắn thì có nguy cơ trượt hoặc tên chỉ sượt qua mình cá vì tiết diện hẹp khi con cá đang bơi thẳng về phía mình. Tôi cố đợi cho con lăng chấm xoay ngang, trong khi súng vẫn hướng theo nhất cử nhất động của nó”.

Bỗng con vật dường như nhận ra có kẻ thù. Nó giật mình, xoay người định vùng chạy. Anh Thức lập tức bóp cò. Mũi tên xuyên qua thân cá. Cá vùng vẫy dữ dội, còn người gồng mình lên giữ lại. Trong hơn 10 phút vật lộn, tay thợ săn chỉ lo sợi dây, có thể do bị cọ vào thứ gì sắc mà đứt phăng và con cá sẽ biến mất cùng mũi tên xuyên người. Khi ấy, người mất cả cá lẫn tên còn cá thì trước sau cũng mất mạng.

Nhưng may quá, sợi dây không hề hấn gì, ngạnh tên vẫn chịu đựng được sức vùng vẫy của con cá lăng chấm, trong khi nó yếu dẫn vì vừa mất sức, vừa bị trọng thương.

Cứ như thế, nổi lên rồi lặn xuống tầm 15 phút, anh Thức mới dìu được con cá lăng đuôi chấm vào bờ. Nắm lấy đôi vây ngực cá, anh Thức mắm môi nâng nó lên ngang mặt dù đã thấm mệt sau cuộc vật lộn với con cá. Đuôi con cá lăng dài quết xuống đất.

Săn cá 'khủng' dưới đáy hồ thủy điện Na Hang - 1

 

Khi về nhà, mọi người mang cá ra cân: gần 17kg. Anh Thức xẻ cá, chia cho hàng xóm mỗi nhà một phần.

Anh Thức là chủ một cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, từ lưu trú, ăn uống đến phương tiện xe cộ, tàu thuyền thăm vùng lòng hồ Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. (Một số người nói viết là Nà Hang mới chính xác, với nghĩa theo tiếng dân tộc thiểu số là “ruộng dưới thung lũng”). Những khi rảnh rỗi, anh Thức tham gia một nhóm chuyên săn cá bằng súng bắn tên ở khu vực thị trấn Na Hang.

Săn cá 'khủng' dưới đáy hồ thủy điện Na Hang - 2

 

Nhóm săn cá,với trên dưới 10 thành viên, ra đời từ hơn chục năm trước. “Khi đó, bọn tôi thấy một nhóm du khách vốn là những người thi công công trình thủy điện Hòa Bình lên tham quan thủy điện Tuyên Quang. Họ bắt được rất nhiều cá bằng cách bắn tên”.

Anh Trần Văn Thảo, chủ một cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Na Hang, mày mò học theo. Anh Thảo, một vận động viên nghiệp dư, từng thắng nhiều giải thể thao trong huyện, có thể lặn sâu cả chục mét, nín thở trong 2 phút, nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể trở thành một tay săn cá chuyên nghiệp. Anh lên mạng, học theo các video săn cá của nước ngoài.

Săn cá 'khủng' dưới đáy hồ thủy điện Na Hang - 3

 

Vốn khéo tay, chế tác giỏi, anh Thảo dựa vào các mẫu súng bắn cá của những tay lặn biển nước ngoài mà chế ra khẩu súng cho riêng mình, có sửa đổi để phù hợp với điều kiện của vùng lòng hồ Na Hang (hình thành khi thủy điện Na Hang, sau này được đổi tên thành thủy điện Tuyên Quang, ra đời). Súng có dây cao su tròn đặc cỡ lớn, loại chuyên làm dây bắn tên của dân lặn biển. Mũi tên dài tầm 1 mét, có mấu để khóa và mắc dây. Tên được bắn đi nhờ sức đàn hồi của dây cao su đặc.

Sự khác biệt của cây súng này với súng lặn biển của nước ngoài thể hiện sự sáng tạo của phường săn cá hồ Na Hang.

Ví dụ, mũi tên thép trên khẩu súng của mấy tay lặn biển nước ngoài được nối dây vào một cái lô cuốn. Khi con cá trúng tên vùng chạy, chiếc lô này nhả dây có thể dài đến vài chục mét. “Nhưng trong điều kiện vùng lòng hồ thủy điện, cá, cây, củi gỗ nhiều, dây dài như thế sẽ dễ bị vướng”, thợ săn Trần Tuân giải thích. Vì thế, súng của “phường săn cá” Na Hang chỉ trang bị dây nối tên dài 4-5m. Cá trúng tên vùng chạy nhưng bị ngạnh tên bằng thép cùng sợi dây dù lớn bằng chiếc nan hoa xe đạp níu lại. Thợ săn nắm chắc súng, kéo co với con cá đang khủng hoảng tinh thần cực độ cho đến khi nó kiệt sức.

Săn cá 'khủng' dưới đáy hồ thủy điện Na Hang - 4

 

Ở vùng hồ Na Hang, đâu đâu người ta cũng nói chuyện cá. Rằng hôm qua chép lên vật đẻ, thằng Hoàng bên xóm 8 bắt được mấy con to, mỗi con cả chục cân. Rằng ông Lan xóm chài vừa xuất đi cả lồng cá bỗng đặc sản, vừa lên bến đã có xe “đặc chủng” chở cá về cho mấy nhà hàng ở Hà Nội chờ sẵn.

Còn “phường săn cá” thị trấn Na Hang thì thường nói với nhau về “chiến tích” của ai đó, kỷ lục nào đó vừa bị phá đổ. “Thằng em cùng công ty, cũng tham gia đội săn cá bằng súng bắn tên, vừa chiều qua bắn được con cá trắm đen nặng 22kg”, thợ săn Trần Tuân kể.

Trong lúc đó, báo chí đưa tin ngư dân Yên Bái vừa đánh lưới được con trắm đen 57kg ở hồ thủy điện Thác Bà, bán được gần chục triệu đồng. Đối với dân câu, đam mê săn cá, các hồ thủy điện luôn là một sự hấp dẫn rất khó cưỡng, vừa hoang sơ, vừa bí ẩn, và không bao giờ đoán trước được thời điểm ta sẽ diện kiến “hàng khủng”.

“Hôm đó chúng tôi lên Đén. Khu vực đó có nhiều thác và ghềnh đá. Vừa lặn hơi thứ ba, tôi bống thấy có thứ gì đen xì, to như quả bom, lừ lừ tiến đến. Tôi ngồi im, từ từ nâng súng lên. Hóa ra là một con cá lăng chấm rất lớn”, anh Nguyễn Văn Thức, sinh năm 1977, chủ một cơ sở dịch vụ du lịch, kể. “Nếu bắn thì có nguy cơ trượt hoặc tên chỉ sượt qua mình cá vì tiết diện hẹp khi con cá đang bơi thẳng về phía mình. Tôi cố đợi cho con cá lăng chấm xoay ngang, trong khi súng vẫn hướng theo nhất cử nhất động của con cá”.

 “Nhưng đừng tưởng bắn xuyên người cá là nó yếu đi ngay lập tức. Có con vùng vẫy cả giờ chưa hề hấn gì vì tên chỉ xuyên vào cơ, không trúng xương lưng hay các cơ quan nội tạng như tim, phổi, ruột…”, Tuân nói. “Tên bắn trúng bóng cá khiến nó chết nhanh hơn cả”.

 

Anh Thảo, người được nói là nếu tính số cá bắn được đến nay có lẽ phải tính đến con số hàng tấn, cũng từng mất cá trong trường hợp tương tự, khi con cá lớn còn quá khỏe.

Săn cá 'khủng' dưới đáy hồ thủy điện Na Hang - 5

 

Anh Thảo kể, gặp phải những con cá nhỏ cỡ 5- 6 kg thì việc giữ cá đưa lên mặt nước là chuyện thường. Nhưng gặp những con cá từ 20 kg trở lên thì việc đó chẳng hề đơn giản chút nào. Có những lần anh bị cá kéo, phải ngoi lên ngụp xuống mất cả giờ mới chinh phục được nó.

Nhưng thói đời, con cá mất thường là những con cá to, và một trong những con cá to bị sẩy dưới tay thợ săn Thảo khiến anh nhớ mãi.

Lần đó, nhóm anh Thảo đi săn ở khu vực lòng hồ thuộc xã Trùng Khánh cũ. Anh Thảo lặn xuống núp dưới vách đá. Sau vài lần trồi lên ngụp xuống, anh bỗng phát hiện một con trắm đen rất lớn, đầu to như đầu trâu, toàn thân đen xù xì, dài cỡ chiếc đòn gánh.

Vừa phóng tên xong, anh Thảo thấy bóng cá rẽ nước tạo sóng lớn, lao loáng đi như chiếc tàu ngầm, kéo anh mắc vào một gốc cây. Thấy con cá quá lớn, liệu sức không thể níu giữ nổi, anh  Thảo đành buông tay vì nếu cố giữ, anh có thể gặp nguy hiểm dưới đáy hồ. “Khi ngoi lên mặt nước mà tim đập, chân run”, anh kể với phóng viên.

Chung, “thằng em” mà Tuân bảo mới bắt được con cá trắm đen 22kg, cũng có một lần tiếc ngẩn tiếc ngơ. “Con chép đó không biết bao nhiêu cân, nhưng to lắm. Thân người nó trông như cái bao tải đựng thóc, đuôi đỏ au”, Chung kể. “Chỗ đó là một đảo cỏ ở giữa hồ. Đêm qua nước lên. Theo phán đoán của em, chắc chắn hôm nay cá chép sẽ vào ăn cỏ non mới ngập nước”. Chung vừa lặn xuống thì đụng con cá. Anh ta ém mình sát đáy cỏ, từ từ nâng súng lên. Mũi tên bay vút đi, trúng vào phần thân sau con cá, gần phía đuôi. Con cá chép lớn vùng chạy, trong khi thằng người cũng dùng hết sức níu nó lại. Bỗng sợi dây đứt phựt, con cá lao vụt đi, mang theo cả mũi tên thép dài gần 1 mét. “Hóa ra sợi dây bị đứt ngay ở nút buộc gắn với đầu súng, chắc do cọ xát nhiều lần với kim loại”, Chung nói vẻ đầy tiếc nuối.

Săn cá 'khủng' dưới đáy hồ thủy điện Na Hang - 6

 

Hồ sinh thái Na Hang rộng trên 8.000 ha mặt nước, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân địa phương cả về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tự nhiên. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, trung bình mỗi năm sản lượng nuôi thủy sản trên hồ đạt hơn 700 tấn với nhiều loại cá đặc sản như bỗng, chiên, lăng chấm. Sản lượng khai thác tự nhiên đạt hơn 300 tấn…

Nguyễn Xuân Thủy
Bình luận
vtcnews.vn