Liên quan đến sai phạm khi tu bổ di sản văn hóa thế giới ở Huế, ngày 23/4, Văn phòng Chính Phủ có văn bản số 3241/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý một số thông tin báo chí phản ánh.
Trong văn bản bản này Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch nghiên cứu nội dung mà báo chí đã đăng liên quan đến việc tu bổ di tích Kinh thành Huế, báo cáo với Thủ tướng.
Trước đó, ngày 15/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, đã yêu cầu Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tạm dừng việc tu bổ kè hộ thành hào thuộc dự án tu bổ di tích Kinh thành Huế.
Được biết lý do khiến công trình nói trên bị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế "tuýt còi" là do dư luận hoài nghi việc trong quá trình tu bổ, đơn vị thi công đã phá bỏ nhiều đoạn kè nguyên gốc để thay thế bằng vật liệu mới như đá granit, bê tông cốt thép.
Cụ thể, trong tổng chiều dài 11km dự án, có khoảng 1km bờ kè đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài được thi công hoàn thiện, đơn vị thi công dùng xe cơ giới phá bỏ bờ kè nguyên gốc của hào nước bao bọc quanh Kinh thành Huế, thay vì hạ giải những viên đá gan gà nguyên gốc theo phương pháp thủ công.
Sau khi phá dỡ hoàn toàn kè đá tại một số điểm, đơn vị thi công đã xây dựng mới một bờ kè hình thang với vật liệu đá granit, phần chân móng đúc bê-tông cốt thép. Đến trưa 12/4, đơn vị thi công cho dừng thi công tại khu vực này và di chuyển máy móc đến nơi khác.
Trả lời báo chí, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công có phần sơ suất, sai sót.
Theo đó, sau khi tháo dỡ bờ hộ thành hào bị hư hỏng thì phải chọn lựa những viên đá gốc còn có thể tái sử dụng; riêng phần còn lại nằm dưới lòng hào, cách bờ trên 3m mới tiến hành can thiệp bằng máy móc theo quy định và định mức cho phép. Thế nhưng, trong quá trình thi công, yêu cầu này chưa được thực hiện triệt để dẫn đến dư luận phản ứng.
“Đơn vị sẽ tiếp thu các ý kiến phản ánh của dư luận để có sự điều chỉnh hợp lý và áp dụng phương pháp, kỹ thuật thi công cho các điểm còn lại của dự án. Đơn vị cũng sẽ đảm bảo giữ lại những đoạn kè chất lượng còn tốt trong quá trình tu bổ trong tổng chiều dài khoảng 11km hộ thành hào dọc chân Kinh thành Huế để bảo tồn yếu tố gốc của di tích”, vị Giám đốc Ban Quản lý dự án khẳng định.
Được biết ngoài việc yêu cầu dừng thi công, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khẩn trương rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thi công tu bổ kè khu vực phía Nam hộ thành hào Kinh thành Huế để báo cáo.
Di tích Kinh thành Huế nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO cộng nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993.
Năm 2011 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt dự án tu bổ di tích Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng. Trong đó hợp phần tu bổ, tôn tạo 497 tỷ đồng, kinh phí còn lại phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư những hộ dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn nên tỉnh Thừa Thiên - Huế điều chỉnh dự án đến năm 2020.
Theo đó, ngoài việc tu bổ tường thành, các eo bầu, tu bổ phục hồi Quang Tượng đài, lầu Bát Phong, phần kè phía trong tiếp giáp tuyến phòng lộ, với chiều dài hơn 10km và bờ kè phía ngoài Kinh thành Huế cũng được tu bổ, tôn tạo.
Dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư; Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung tư vấn, lập hồ sơ kỹ thuật thiết kế thi công; với mục tiêu tu bổ toàn bộ hệ thống kè hào đã bị hư hỏng sạt lở, nạo vét lòng hào bị bồi lắp, tu bổ tường thành, chỉnh trang hệ thống cầu.
Đây được xem là dự án quan trọng liên quan đến công tác di dời hơn 4.000 hộ dân sống “treo” ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế mà tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang triển khai thực hiện.
Từ năm 2013 đến nay, hợp phần tu bổ thượng thành, eo bầu, hộ thành hào, bao gồm kè đá, lòng hào đã được triển khai, với tổng vốn hơn 65 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc tu bổ kè phía Nam hộ thành hào Kinh thành Huế.
Hồ sơ dự án có ghi rõ phương án tu bổ hạng mục này là “Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt, tiến hành hạ giải, tu bổ phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ. Lòng hào được nạo vét 0,6m; đất thải chuyển đến vị trí quy định. Tuyến phòng lộ được san nền, trồng cỏ 3 lá, lát tuyến đường dạo bằng gạch Bát Tràng rộng khoảng 1,6m…”.
Bình luận