Bóng đá Việt Nam đã vươn mình suốt 5 năm dưới thời HLV Park Hang Seo, đạt được nhiều thành tựu cấp độ đội tuyển quốc gia, U23 lẫn CLB. Tuy nhiên, trong thành công chung của nền bóng đá, vẫn có một khoảng lặng trầm buồn mang tên xuất ngoại.
Nhiều cầu thủ Việt Nam đã sang nước ngoài thi đấu với mong muốn nâng tầm sự nghiệp và mang lại niềm tự hào cho bóng đá Việt Nam. Nhưng bao nhiêu chuyến đi là bấy nhiêu lần người hâm mộ chờ đợi rồi nhận lại thất vọng tràn trề. Dấu ấn Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu vẫn là con số 0 trên địa hạt bóng đá.
Nguyễn Quang Hải là người tiếp theo đặt chân trên con đường có cả mật ngọt và cạm bẫy này.
Khác biệt của Quang Hải
Trước Quang Hải, bóng đá Việt Nam có 3 đại diện nổi bật từng sang châu Âu thi đấu, đó là Lê Công Vinh, Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Công Phượng.
Công Vinh có quãng thời gian 4 tháng thi đấu cho CLB Leixoes (Bồ Đào Nha). Anh cập bến đội bóng cũ của HLV Henrique Calisto năm 2009, từng ra sân ở Premiera Liga (giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha) và Cúp Quốc gia. Công Vinh ghi 1 bàn thắng ở Cúp Quốc gia, rồi về nước khi bản hợp đồng với Leixoes đáo hạn.
Năm 2019, cả Công Phượng và Văn Hậu đều sang châu Âu thi đấu. Điểm đến của Công Phượng là Sint-Truidense (Bỉ), ngay sau khi tiền đạo sinh năm 1995 chia tay Incheon United ở Hàn Quốc. Tốn giấy mực và được chờ đợi nhiều hơn, Văn Hậu đến chơi cho Heerenveen (Hà Lan) theo dạng cho mượn 1 năm.
Công Phượng có cuộc phiêu lưu ngắn ngủi ở Sint-Truidense.
Điểm chung của cả hai cầu thủ là đều trở về với chỉ 1 trận "dắt lưng" chơi cho đội một. Công Phượng đá vài chục phút trong trận thua 0-6 của Sint-Truidense trước Club Brugge, còn Văn Hậu chỉ ra sân 4 phút cuối ở Cúp Quốc gia Hà Lan.
Sau khi Công Phượng rồi Văn Hậu trở về, không còn có thêm cầu thủ Việt Nam nào sang lục địa già, cho đến khi Quang Hải đặt chân đến Pháp.
Thất bại của những người đi trước không khiến kỳ vọng đặt lên đôi vai Quang Hải giảm sút. Thứ nhất, tiền vệ 25 tuổi xuất ngoại khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Trước khi sang Pháp, hành trang của Quang Hải là 126 trận, 35 bàn thắng và giành mọi danh hiệu cấp CLB cùng Hà Nội FC, đoạt 1 Quả bóng Vàng và 2 Quả bóng Bạc.
Quang Hải đã đạt độ chín và chinh phục mọi danh hiệu quốc nội. V-League là chiếc áo quá chật, khiến Hải "con" phải tìm môi trường mới. Trong số những cầu thủ Việt Nam từng xuất ngoại, chưa ai có bảng thành tích ấn tượng như thế.
Thứ hai, Quang Hải ra đi theo dạng cầu thủ tự do, ký vào bản hợp đồng dài hạn, thay vì hợp đồng cho mượn kiểu thời vụ. Điều này khiến vị thế Quang Hải được củng cố trong mắt các đội bóng nước ngoài. Những đội bóng châu Âu sẽ tạo điều kiện cho những cầu thủ thực chất là của họ, hơn là cầu thủ cho mượn, vốn thuộc biên chế những đội bóng khác.
Nếu những chuyến đi trước đây của cầu thủ Việt Nam thuộc diện gửi gắm từ phía CLB (Văn Hậu, Công Phượng) hay bằng mối quan hệ của cá nhân HLV (Công Vinh), Quang Hải đi theo cách thuần túy nhất của một cầu thủ chuyên nghiệp.
Anh được các đội châu Âu chiêu mộ bằng năng lực chuyên môn và chiến đấu để "sinh tồn", thay vì đi để học hỏi hay trải nghiệm, một mặt là sang nước ngoài thi đấu, nhưng mặt khác vẫn được các ông chủ o bế, cưng chiều.
Thứ ba, Quang Hải đã chuẩn bị tâm thế sang nước ngoài thi đấu từ nhiều tháng trước. Nếu Công Phượng bất ngờ được "gửi" sang Sint-Truidense sau thất bại chóng vánh ở Incheon, còn Văn Hậu sang Heerenveen khi mới 20 tuổi và chưa có nhiều trải nghiệm đỉnh cao, Quang Hải đã chuẩn bị đầy đủ cả về chuyên môn và tâm thế.
Tiền vệ mang áo số 19 ấp ủ giấc mơ xuất ngoại từ lâu, đã học ngoại ngữ, trau dồi chuyên môn và quyết định rời Hà Nội FC sớm trước ngày sang châu Âu 2 tháng. Tất cả để đổi lấy quãng nghỉ ngơi, tích lũy thể lực cần thiết và có thời gian cân nhắc kỹ lưỡng những lựa chọn chuyên môn.
Đến giờ, nhiều người vẫn tự hỏi liệu Văn Hậu, Công Phượng có bao nhiêu thời gian nghĩ ngợi trước khi lên đường, chứ chưa nói đến chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi ấy.
Quang Hải lên đường xuất ngoại.
Cuối cùng, điểm đến của Quang Hải khiêm tốn hơn nhiều so với những CLB đồng đội đã đến. Pau FC chơi ở giải hạng Nhì Pháp (Ligue 2), có quỹ lương thấp nhất giải, sân bóng vỏn vẹn 4.000 chỗ ngồi. Tuy nhiên, Pau FC có lẽ cần Quang Hải.
Đội bóng Pháp vừa mãn hạn hợp đồng với 15 người, trong đó có 3 trụ cột trên hàng công. Với chỉ 41 bàn (xếp 11 Ligue 2 mùa trước), HLV Didier Tholot cần luồng gió mới trên hàng công.
Lựa chọn một đội bóng thực sự cần mình là điều quan trọng nhất để đảm bảo cơ hội thi đấu. Nếu chỉ tập luyện và không ra sân, cầu thủ rất dễ bị cùn mòn.
Đây là trải nghiệm không mấy dễ chịu mà Công Phượng, Văn Hậu đã trải qua. Sint-Truidense, Heerenveen dường như không có kế hoạch cho cầu thủ Việt Nam, mà chỉ "nhốt" họ vào guồng quay cạnh tranh vô vọng.
Chưa chắc Quang Hải đã được ra sân thường xuyên ở Pau FC, nhưng đội bóng ở sát biên giới Tây Ban Nha giúp tiền vệ này có hai yếu tố cần thiết, đó là cơ hội thi đấu khả quan, cùng môi trường bóng đá đầy cạnh tranh, nơi đã đào tạo nên N'Golo Kante, Riyad Mahrez, Dayot Upamecano, Laurent Koscielny hay Ibrahim Konate.
Chuẩn bị kỹ càng
Để thành công ở châu Âu, bên cạnh việc chọn đúng đội bóng có nhu cầu cần mình, các cầu thủ còn phải chuẩn bị vốn ngoại ngữ tốt, tạo mối quan hệ với đồng đội, nghiên cứu kỹ lối chơi, chuẩn bị thể lực, kỹ - chiến thuật và thích nghi với hoàn cảnh thực tế.
Sự thích nghi luôn là điểm yếu của cầu thủ Việt Nam, vốn được ưu ái ở cấp độ CLB, khi sang nước ngoài thi đấu.
Trên đất Pháp, Quang Hải không còn được đảm bảo việc ra sân là chuyện đương nhiên, cũng không còn là thần tượng của người hâm mộ. Anh là cầu thủ đến từ nền bóng đá vô danh trong mắt người Pháp, chưa từng chơi phút nào ở châu Âu. So với đồng đội, xuất phát điểm của Quang Hải tụt rất xa.
Tuy nhiên, cơ hội ở Pau FC là không ít. Trước khi đạt thỏa thuận, có lẽ đội ngũ của Quang Hải đã thấy rất rõ triển vọng này. Quan trọng là cầu thủ 25 tuổi phải nắm lấy thời cơ, trước tiên là cải thiện thể hình và thể lực.
Dù thể lực cầu thủ Việt Nam được nâng tầm trong những năm qua, nhưng vẫn có khoảng cách lớn với những nền bóng đá phát triển ở châu Âu, xuất phát từ điều kiện dinh dưỡng và tập luyện. Không có thể hình lý tưởng, Quang Hải phải cải thiện sức va chạm, độ dày cơ thể, tránh rơi vào trường hợp bị đuối như Công Phượng, Công Vinh.
Ngoài ra, cường độ tập luyện ở châu Âu rất khác. Cựu giám đốc kỹ thuật Daniel Enriquez của Hà Nội FC từng đánh giá: 3 buổi tập của Quang Hải cùng đồng đội mới bằng 1 buổi tập tiêu chuẩn của một đội châu Âu, về cả cường độ lẫn chất lượng.
Ngoài ra, Quang Hải có thể được đánh giá cao ở độ khéo léo, uyển chuyển và tư duy chơi bóng hiện đại, nhưng đó là tố chất đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam với chất lượng kém rất xa so với Pháp.
Quang Hải rời vòng an toàn để đến chân trời mới.
Tư duy chiến thuật cùng tốc độ chơi bóng ở châu Âu là phạm trù hoàn toàn khác. Để bắt kịp đồng đội lẫn đối thủ tại xứ lục lăng là thách thức với bất cứ cầu thủ châu Á nào, chưa nói tới Việt Nam. Hình ảnh Công Phượng lạc lõng với đồng đội, thậm chí không được chuyền bóng, là viễn cảnh Quang Hải phải lường trước, ở vị trí đòi hỏi phối hợp rất linh hoạt với các cầu thủ xung quanh.
"Ligue 2 có rất nhiều cầu thủ cao lớn, nhưng bây giờ họ bắt đầu chơi bóng thiên về kỹ thuật nhiều hơn trước. Có khoảng 4 hay 6 đội có lối chơi tốt, nhưng nhìn chung là tính va chạm của giải đấu này rất cao. Đối đầu với những cầu thủ như vậy sẽ là một thách thức lớn cho Quang Hải nhưng điều đó không có nghĩa là cậu ấy không có cơ hội.
Những cầu thủ cao lớn, như tôi chẳng hạn, thường là các tiền đạo hoặc trung vệ. Còn ở hàng tiền vệ, Ligue 2 cũng có không ít những cầu thủ nhỏ con, cỡ như cầu thủ Việt Nam thôi. Đó là những cầu thủ nhanh nhẹn, có kỹ thuật tốt như Quang Hải", Zarour Chaher, cựu trung vệ Sanna Khánh Hòa từng nhiều năm chơi bóng ở Pháp chia sẻ.
Để được thi đấu, Quang Hải cần nâng tầm toàn diện tất cả các kỹ năng, trên nền tảng thể lực đã được mài giũa kỹ càng hơn. Điều này đòi hỏi khối nỗ lực khổng lồ cùng năng lực thích nghi tốt.
Quang Hải cần được chuẩn bị chu toàn để bứt xa ở mùa giải này, và dù được tỏa sáng hay không, Hải "con" sẽ thu hoạch những trải nghiệm cần thiết cho tương lai.
Bình luận