Gặp chúng tôi trong một buổi sáng đầu xuân, Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh - nhân viên thông tin nhà giàn DKI/21 - hồ hởi trò chuyện như những người đã thân quen từ lâu. DKI/21 là một trong các nhà giàn thuộc Tiểu đoàn DKI, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, được xây dựng trên khu vực bãi cạn Ba Kè, cách Đông Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 300 hải lý.
Thiếu tá Sanh chia sẻ, đón đoàn công tác ra thăm và chúc Tết mỗi năm, ông cảm thấy rất xúc động và cảm ơn tình cảm của các anh em, cán bộ và đại biểu từ đất liền, những người đã “mang hơi thở, tình cảm đến với các nhà giàn ở xa”.
“Năm vừa rồi có hai đoàn không lên được nhà giàn, tôi đã cảm thấy rất hụt hẫng”, ông nói thêm.
Từ năm 2013 đến nay, Thiếu tá Sanh đã có thời gian công tác tại 8 nhà giàn, và cũng có lâu năm thực hiện nhiệm vụ trên các tàu biển. Nhìn lại hành trình đó, Thiếu tá cho biết: “Mình đã xác định đầu tiên đó là nhiệm vụ. Thứ hai là nhà giàn, biển cũng là quê hương, là nhà của mình, nhà của mình đã là biển rồi, thì mình luôn có cái tâm huyết là song song với nhiệm vụ thì không thể phụ lòng của bà con”.
Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh.
‘Anh vẫn mạnh khỏe, chắc tay súng, ở nhà yên tâm’
Đó là những lời nhắn Thiếu tá Sanh muốn gửi đến gia đình ở quê nhà. Thiếu tá Sanh quê gốc ở Thái Bình, có vợ và hai con. Hơn 10 năm công tác trên nhà giàn, thì có 8 năm anh ăn Tết xa nhà.
Cuộc sống trong quân ngũ của anh gắn bó với các nhà giàn. Thiếu tá Sanh kể, ban đầu cũng có chút bỡ ngỡ, nhưng dần dần tinh thần nhiệm vụ đã giúp anh học cách thích nghi. “Trước đây 10 năm, cơ sở vật chất chưa được khang trang và hiện đại như bây giờ. Ví dụ chưa có TV hay điện thoại, vẫn phải sử dụng đèn dầu và nghe đài radio. Đến năm 2012, các nhà giàn được trang bị thêm từ năng lượng cho đến các phương tiện thông tin. Và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân và các cơ quan đoàn thể, đến nay cuộc sống và điều kiện hậu cần trên các nhà giàn ngày càng được đảm bảo”.
Sống trên biển, các cán bộ, chiến sĩ chủ yếu cập nhật thông tin qua các phương tiện đại chúng và thông báo của các thủ trưởng đơn vị, không có nhiều những tiếp xúc hàng ngày. Thiếu tá Sanh cho biết anh thường tranh thủ buổi tối để liên lạc và trò chuyện với gia đình, vào những lúc vợ con đã đi làm đi học về.
“Các con gái cũng rất tâm lý và động viên bố thường xuyên cố gắng, là nguồn động lực lớn để cho tôi hoàn thành nhiệm vụ công tác”.
Ở nơi biển xa chỉ có sóng và gió, nhưng các đồng đội, đồng chí của Thiếu tá Sanh luôn có sự chia sẻ, gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Họ cũng là chỗ dựa cho ngư dân yên tâm bám biển.
Vui xuân đón Tết nhưng các chiến sĩ vẫn thường trực nhiệm vụ. Thiếu tá Sanh nói: “Càng ngày lễ tết, tình cảm, càng phải duy trì trạng thái sẵn sàng, tăng cường trực, thực hiện nhiệm vụ. Đó không chỉ là niềm vinh dự của mình mà còn là sự gửi gắm của đất liền đã tin tưởng vào những con người ở nơi đầu sóng ngọn gió, niềm tin mà mọi người đã đặt vào anh em chúng tôi”.
Các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DKI/21.
Nhiệm vụ đặc biệt
“Ngày đầu tiên ra đây, em không ngủ được. Nhưng cũng xác định đây là nhiệm vụ rồi”, Trung sĩ Võ Minh Khang, 20 tuổi, đang công tác tại nhà giàn DKI/21 nhớ lại.
Theo Đại úy Trần Hùng Sơn, quân y trên nhà giàn DKI/21, nhiệm vụ trên nhà giàn là một nhiệm vụ đặc biệt, “mà phải những người có trái tim muốn bảo vệ vững chắc mỗi tấc đất của quê hương mới làm được”.
Đại úy Sơn chia sẻ, ăn Tết xa nhà nói chung là tâm trạng ai cũng rất bồi hồi, nhớ gia đình, người thân, nhưng bên cạnh đó, các anh em vẫn xác định nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền nơi tiền tiêu của Tổ quốc, “làm sao cho đất liền bình an, đầm ấm, hạnh phúc”.
Đại úy Trần Hùng Sơn giới thiệu nơi khám bệnh trên nhà giàn DKI/21.
“Hai cháu ở nhà cũng hay hỏi han, gọi điện cho bố. Cũng hay hỏi là tại sao bố đi nhiều thế, còn bố các bạn khác không đi. Khi đó tôi cũng giải thích là bố có nhiệm vụ riêng và để khi con lớn con sẽ hiểu. Còn vợ tôi cũng thường xuyên động viên cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
Phụ trách đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, Đại úy Sơn cho biết thêm, tập thể luôn tạo ra những niềm vui nho nhỏ hàng ngày, các hoạt động chung như tăng gia sản xuất, trồng rau, câu cá,... tạo không khí gia đình qua đó góp phần động viên tinh thần các cán bộ, chiến sĩ. Những người mới vì vậy dù ban đầu cũng có áp lực công việc, cũng dần dần thích nghi và quan trọng là “họ hiểu được đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà mình được tin tưởng giao phó”.
Khu vực biển DKI nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam bộ nước ta, với nguồn tài nguyên phong phú, đã và đang góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của khu vực biển DKI và tình hình trên Biển Đông, năm 1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm kinh tế - khoa học – dịch vụ tại khu đá ngầm thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Tại nhà giàn, các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ thiêng chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nhà giàn cũng nhằm các mục đích dân sự như đặt dàn đèn biển; đặt trạm khí tượng thuỷ văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển; nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản, nhằm xây dựng kế hoạch đánh bắt có hiệu quả cao; nghiên cứu khai thác có hiệu quả các mỏ đá san hô trong khu vực v.v.
Bình luận