Trên quả địa cầu đang được công ty Globus Plus rao bán, bản đồ của Việt Nam đã bị phần bản đồ của lãnh thổ Trung Quốc lấn vào hầu như toàn bộ vùng Đông Bắc. Các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, sâu hơn vào lãnh thổ như Thái Nguyên, Bắc Giang cũng hoàn toàn biến mất, thay vào đó là ranh giới lãnh thổ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, trên quả địa cầu này hoàn toàn không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Trả lời qua điện thoại sáng 24/8 với VTC News, quản lý bán hàng trực tuyến của Globus Plus cho biết công ty chỉ mua lại những quả địa cầu này từ một bên cung cấp thứ ba chứ không trực tiếp sản xuất sản phẩm này.
"Chúng tôi chỉ mua lại quả địa cầu từ một bên thứ 3, đôi khi là những nguồn hàng từ chợ, chứ không hề hay biết về xuất xứ của nó", quản lý Didenko Aleksander cho hay.
Theo thông tin từ The Bloomberg, Globus Plus đăng ký hoạt động như một công ty con của Công ty Cổ phần Metal Union. Trung tâm văn phòng của công ty này được đặt dưới tên Galereya, nằm trên một khu đất có diện tích 10,600 m2.
Địa chỉ pháp lý được công ty Globus Plus đăng ký ở Ukraine 61089, Thành phố Kharkov, Phố Yakira (61089 Украина, Харьковская область, Харьков, ул. Якира).
Quản lý bán hàng trực tuyến của Globus Plus cho biết công ty này chỉ phân phối các sản phẩm văn phòng, thiết bị, đồ dùng và trang phục học sinh từ những bên thứ ba, mà không trực tiếp sản xuất.
Mặc dù dưới tên sản phẩm này ghi chú rõ ràng về xuất xứ là từ Ukraine, nhưng khi được hỏi, người quản lý nói họ không biết về việc này, họ chỉ đi mua lại sản phẩm và bán nó theo giới thiệu của một bên thứ ba.
Với câu trả lời có phần thiếu trách nhiệm này của quản lý bán hàng trực tuyến Globus Plus đặt ra nghi vấn về đạo đức kinh doanh của một công ty cho đến thời điểm này khá được lòng người tiêu dùng Ukraine.
Việc công ty bán hàng trực tuyến này không nắm được nguồn gốc và phát biểu “mua hàng từ chợ” về bán đặt ra câu hỏi họ có hình dung được hậu quả nghiêm trọng của việc làm vô trách nhiệm này hay không?
Chưa nói đến đạo đức kinh doanh, việc bán một sản phẩm văn phòng, trường học phổ biến với thông tin sai lệch như vậy còn tạo ra hàng loạt hệ lụy khác.
Tìm kiếm các bài báo bằng tiếng địa phương và tiếng Nga phản ánh Globus Plus cung cấp thông tin sai lệch trên của địa cầu về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia Việt Nam cũng không nhận được bất cứ kết quả nào.
Cần phải đặt ra câu hỏi: Bao nhiêu quả địa cầu với thông tin bị bóp méo, sai lệch như trên đã đến tay các em học sinh ở Ukraine (hoặc các nước khác)? Vậy nhà chức trách Ukraine và các cơ quan quản lý hoạt động sản xuất của Globus Plus đã biết về sự việc? Cho đến ngày 24/8/2018 trên trang web https://globusplus.com.ua/ sản phẩm vẫn tiếp tục được bán với số lượng không giới hạn và ở trong tình trạng “còn hàng” được thông báo từ nhà sản xuất.
Với một quả địa cầu được sản xuất cẩu thả và vô trách nhiệm như vậy, thử hỏi nhà sản xuất từ Ukraine này có hình dung nổi họ đang khiến bao nhiêu trẻ em (và người tiêu dùng Ukraine nói chung) có nhận thức sai lệch về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam? Có bao nhiêu trường học đang “vô tình” phải sử dụng quả địa cầu này để hàng ngày giáo dục các em học sinh về bản đồ chính trị thế giới?
Ngoài những hệ quả trước mắt, việc công ty Globus Plus tiếp tục sản xuất, bán và phân phối quả địa cầu với những thông tin sai lệch về chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam như vậy sẽ dẫn đến những hiểu lầm rất nguy hiểm về chủ quyền Việt Nam trong dư luận thế giới. Điều này còn có thể dẫn tới giảm sút niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với Ukraine.
>>> Đọc thêm: Phẫn nộ quả địa cầu kéo lãnh thổ Trung Quốc phủ các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam
Bình luận