Liên quan đến thông tin vụ việc FPT vi phạm bản quyền các nội dung của POPS - đơn vị sở hữu hàng nghìn nội dung giải trí và các đối tác cùng với phản hồi phủ nhận của FPT về vụ việc, đại diện POPS cho biết họ dã gửi hồ sơ khởi kiện FPT lên Tòa án Nhân dân quận 10 (TP.HCM) vào tháng 4.
Theo POPS, FPT đã có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả đối với các nội dung thuộc quyền sở hữu và quyền khai thác của POPS trên nền tảng đầu thu FPT.
Sau buổi đàm phán trực tiếp về vấn đề này vào ngày 9/5/2019, FPT thừa nhận sai phạm nhưng không đưa ra phương án giải quyết hay có phản hồi nào thêm để khắc phục và đền bù thiệt hại cho POPS. Đồng thời, đơn vị này còn gửi công văn yêu cầu chia sẻ quyền khai thác nhiều nội dung thuộc POPS.
Đại diện POPS cho biết, hành vi này không những xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu nhãn hiệu mà còn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. FPT còn cố tình xóa nhãn hiệu, tên thương mại của POPS khỏi các nội dung như POPS Kids, POPS Up... dễ khiến khán giả cho rằng 2 bên có mối liên hệ nhưng thực chất không phải vậy.
Bên cạnh đó, việc thay đổi logo cũng khiến POPS bị thiệt hại, nhất là mặt uy tín với các đối tác nước ngoài. POPS đưa ra bằng chứng FPT vi phạm bản quyền từ năm 2017 đến đầu tháng 4 vừa rồi, mặc cho đơn vị này gửi thư khuyến cáo, yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm.
Liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại và trao trả chi phí, doanh thu, đại diện FPT đã đồng ý sẽ đưa ra phương án giải quyết chi tiết cho POPS chậm nhất vào ngày 16/5/2019.
Tuy nhiên, đến thời hạn này, FPT không có động thái phản hồi nào thêm về các điểm đã thống nhất trong cuộc họp. Đơn vị này ủy quyền bên thứ ba để gửi đến POPS công văn yêu cầu hợp tác, tuyệt nhiên không nhắc đến bất cứ lời nào về việc giải quyết hành vi xâm phạm.
Ngoài ra, POPS cho biết FPT đã nhiều lần liên hệ đề nghị mua lại nội dung tuy nhiên, khi POPS vẫn đang cân nhắc thì FPT đã chiếm đoạt nội dung, khai thác trái phép.
Bình luận