• Zalo

Phương Trang đầu tư 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng gọi xe sau khi Uber rút lui

Kinh tếThứ Hai, 02/04/2018 10:33:00 +07:00Google News

Ngày ra mắt ứng dụng gọi xe công ty Phương Trang được đẩy sớm hơn một tháng, sau khi Uber tuyên bố rời thị trường Đông Nam Á.

Ông Trần Thành Nam, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, xác nhận doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành Vato.

Theo ông Nam, dự kiến ban đầu, Vato sẽ ra mắt vào tháng 5. Tuy nhiên việc Uber rút lui khỏi thị trường cũng là một trong các cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển nên ứng dụng này sẽ ra mắt tại Hà Nội và TP HCM sớm hơn, ngay trong tháng 4/2018. 

Thực chất, Vivu đã hoạt động trên thị trường vào tháng 3/2016 nhưng với tên gọi là FaceCar. Ứng dụng từng nổi đình nổi đám với việc gọi được một tỷ USD từ nhà đầu tư Việt kiều tại Đức. Tuy nhiên, thương vụ không thành và ứng dụng này sau đó được bán lại rồi đổi tên thành Vivu. Đến nay, ứng dụng này đổi thành Vato sau khi về tay Phương Trang.

1

 

Ông Nam thông tin thêm, chỉ sau một ngày Uber rút lui chính thức được công bố, số lượt tải ứng dụng Vivu tăng vọt, đạt 200 lượt, gấp đôi mức đỉnh của thời kỳ trước đó.

Điểm nổi bật của ứng dụng nữa là cho phép người dùng mặc cả với lái xe (với giá tối thiểu Vivu đưa ra) để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi - chức năng này cả Uber và Grab đều không có. Giá cước của Vato ở mức 8.500 đồng mỗi km tương tự như GrabCar nhưng phần chiết khấu là 20%, thấp hơn 25% của Grab hiện tại.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines cũng xác nhận việc quyết định mua Vivu và đổi tên thành Vato để tạo một hệ sinh thái thương mại điện tử.

Ông Dũng cho biết, Vivu là một công ty mới khởi nghiệp của nhóm các kỹ sư công nghệ thông tin, với sản phẩm là phần mềm gọi xe. Vì thiếu nguồn vốn, số lượng người hạn chế, Vivu không thể phát triển như tiềm năng vốn có. Song song đó, Phương Trang - FUTA Bus Lines là doanh nghiệp lớn về vận tải, từ rất lâu đã luôn ấp ủ tạo ra một sản phẩm made Việt Nam nên quyết định đầu tư vào đây.

Video: Hành trình 5 năm vào thị trường và bán mình của Uber Đông Nam Á

Lý giải về sự khác biệt so với Grab hay Uber, ông Dũng cho biết Vato không chỉ là một ứng dụng gọi xe thông thường, mà được tạo ra một phần mềm thương mại điện tử với nhiều tính năng khác, tức nó như một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải, dịch vụ, hàng hoá.

Theo đó, khi khách tải ứng dụng Vato không chỉ gọi riêng xe Phương Trang mà có quyền yêu cầu chọn xe của tất cả các hãng như Mai Linh, hay Vinasun… tuỳ sở thích. Sàn này sẽ giúp nhu cầu người cần sử dụng xe và người có xe gặp nhau. 

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn