'Phẫu thuật' nguyên nhân vụ mổ 'oan' thai phụ

Sức khỏeThứ Ba, 04/05/2010 02:08:00 +07:00

(VTC News) - PGS.TS.BS Vương Tiến Hoà đã có buổi trao đổi cặn kẽ với VTC News xung quanh việc chẩn đoán và mổ nhầm đối với thai phụ Dương Thị Trang.

(VTC News) - Mới đây, dư luận xôn xao về việc chị Dương Thị Trang (sinh năm 1987, xã Quang Minh, Hiệp Hoà, Bắc Giang) được chẩn đoán chửa ngoài tử cung và phải phẫu thuật gấp. Mổ xong, sau 1 tháng đi khám lại thì chị được thông báo là có thai gần 10 tuần tuổi và chửa... trong tử cung. Vợ chồng thai phụ vừa mừng, vừa lo vì không biết ca mổ "oan" cùng nhiều loại thuốc đã dùng có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không... VTC News đã có cuộc trao đổi cặn kẽ với PGS.TS.BS Vương Tiến Hoà, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xung quanh sự việc này.

- Thưa bác sĩ, việc quyết định mổ ngay sau khi có chẩn đoán chửa ngoài tử cung (CNTC) cho thấy, việc CNTC rất nguy hiểm tới tính mạng thai phụ?

PGS.TS.BS Vương Tiến Hoà, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: CNTC là thai không làm tổ và phát triển trong buồng mà làm tổ tại vòi tử cung (vòi trứng). Do vòi tử cung nhỏ, thành mỏng, có 2 mạch máu lớn đi sát với vòi tử cung, vì vậy khi khối thai phát triển sẽ làm vỡ và chảy máu ồ ạt vào ổ bụng. Y học gọi là Ngập máu ổ bụng hoặc Lụt máu, Tràn máu ổ bụng. Riêng những khái niệm này cũng đủ nói lên tính chất nguy hiểm của bệnh.

PGS.TS.BS Vương Tiến Hoà, trong một buổi giao lưu trực tuyến tại Báo điện tử VTC News.  

Có nhiều trường hợp khi đến bệnh viện, máu chảy 1,5l đến 2 lít trong ổ bụng, thậm chí có trường hợp tới 3 lít. Lẽ đương nhiên là cơ may sống sót của bệnh nhân vô cùng ít. Nhiều trường hợp khi bệnh nhân đến bệnh viện, da trắng bợt do mất máu, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, nhưng chúng tôi vẫn phải mổ và vừa mổ vừa hồi sức.

Bệnh được ví như một cái vòi nước đang mở và nước đang chảy (các mạch máu bị vỡ và đang chảy máu), cần phải mở bụng để khoá vòi nước lại (khâu các mạch máu) nếu không mổ chắc chắn là tử vong, nếu mổ thì may ra có thể cứu được. Tuy vậy, trước đây đã có những trường hợp bệnh nhân đã chết trên bàn mổ vì chảy máu nhiều do chẩn đoán muộn. 

- Hiện nay, kỹ thuật hiện đại hơn rất nhiều, việc chẩn đoán CNTC có còn khó nữa không?

Việc chẩn đoán CNTC vừa khó lại vừa dễ. Dễ khi nào? Đó là khi đầy đủ các triệu chứng lâm sàng như chậm kinh, ra huyết âm đạo kéo dài, đau bụng dữ dội, quằn quại, ngất và choáng do mất máu. Lúc này thì chẩn đoán quá dễ nhưng nguy có tử vong thì rất cao.

Chẩn đoán CNTC khó hơn khi chẩn đoán sớm. Lúc đó chưa có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, nghĩa là chỉ chậm kinh khoảng 7-10 ngày như của bệnh nhân ở Bắc Giang, thậm chí còn chưa đến ngày hành kinh theo dự kiến và cũng không ra huyết như những triệu chứng cổ điển. Do triệu chứng lâm sàng không điển hình, những trường hợp như vậy các thầy thuốc phải dựa vào các xét nghiệm để quyết định.

Với y học hiện đại người ta kết hợp định lượng nồng độ bêta hCG (một chất do rau tiết ra) với hình ảnh siêu âm qua đường âm đạo để quyết định xử trí. Nếu sự kết hợp này vẫn không giúp để chẩn đoán chính xác thì các thầy thuốc buộc phải soi ổ bụng để chẩn đoán và gọi là nội soi chẩn đoán.

Trước đây khi y học chưa phát triển, nghĩa là chưa có nội soi ổ bụng, thì các thầy thuốc bắt buộc phải mở bụng thăm dò để chẩn đoán vì y học chấp nhận “thà mổ nhầm còn hơn bỏ sót” bởi vì nếu CNTC bị bỏ sót, khi vỡ sẽ chảy máu dẫn đến tử vong.

Ở nước ngoài, việc chẩn đoán nhầm lẫn này vẫn diễn ra. Mới đây, một trang web dẫn ra một trường hợp thai phụ bị CNTC, đến bác sĩ khám chẩn đoán là sảy thai và hút buồng tử cung. Về nhà bệnh nhân vẫn đau bụng và ra huyết âm đạo. Bệnh nhân đến thầy thuốc lần thứ 2 khám và được chẩn đoán bị viêm phần phụ sau hút thai nên cho kháng sinh. Một tuần sau bệnh nhân đau bụng dữ dội, đến cơ sở y tế thứ 3 khám và không cần khám xét gì, một y tá phán luôn là Chửa ngoài tử cung vỡ, tràn máu ổ bụng với các triệu chứng rất rõ ràng là mất máu, hồng cầu giảm, truỵ tim mạch.

Nói như vậy không có nghĩa là “bênh” thày thuốc mà tôi muốn nói là tính phức tạp trong chẩn đoán CNTC. Cả Ta và Tây cho đến nay vẫn đều có những nhầm lẫn nhất định. Vấn đề là nhìn nhận và đánh giá “sự nhầm lẫn” đó như thế nào cho hợp lý và khách quan.

- Việc bệnh nhân phải chịu một ca mổ nội soi, liệu có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ bà mẹ và em bé hay không, thưa bác sĩ?

Mổ nội soi là bệnh nhân được gây mê và chọc 3 lỗ qua thành bụng rồi đưa ống soi có đèn chiếu sáng vào trong ổ bụng. Với phương pháp này người ta quan  sát được tất cả các cơ quan trong ổ bụng, nếu là CNTC thì thấy khối chửa và sẽ cắt bỏ khối chửa hoặc nếu còn nhu cầu sinh đẻ, khối chửa bé thì sẽ xẻ dọc vòi tử cung để bảo tồn hy vọng sau này sẽ còn sinh sản được theo đường tự nhiên.

Nói chung, việc này không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ vì sau 24 giờ bệnh nhân được ra viện và gần như có thể sinh hoạt bình thường, dù người đó được soi ổ bụng để chẩn đoán hoặc cắt bỏ khối thai. Thời gian tiến hành soi ổ bụng để chẩn đoán chỉ khoảng 15 đến 20 phút, thuốc gây mê và kháng sinh được sử dụng không ảnh hưởng gì nếu bệnh nhân có thai trong tử cung.

Trong thực tế chúng tôi đã phải mổ cho những bệnh nhân đang mang thai nhưng bị u nang buồng trứng xoắn hoặc không bị xoắn, viêm ruột thừa hoặc một số bệnh khác mà bắt buộc phải mổ thì vẫn không thấy thai nhi bị ảnh hưởng do gây mê và thuốc sử dụng trong quá trình soi ổ bụng và điều trị.

Riêng trường hợp chẩn đoán CNTC sai của bà bầu ở Bắc Giang dẫn tới bệnh nhân bị mổ oan tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, theo tôi, đây là trường hợp khó chẩn đoán, có thể do thời điểm xảy ra các triệu chứng sớm, phối hợp với các triệu chứng lâm sàng chắc chắn có thai nhưng lại giống như CNTC mà lâm sàng và xét nghiệm bêta hCG với hình ảnh lâm sàng không thể khẳng định được là CNTC cho nên thầy thuốc chỉ định soi ổ bụng là một cách lựa chọn đúng và khôn ngoan để chẩn đoán tránh cho bệnh nhân nguy cơ bị CNTC vỡ.

Điều đáng nói là thầy thuốc đã chưa tư vấn chu đáo và kỹ lưỡng cho bệnh nhân trước và đặc biệt là sau khi soi ổ bụng không giải thích rõ ràng và chu đáo cho bệnh nhân hiểu và theo dõi chặt chẽ. Đúng ra, bác sĩ phải dặn bệnh nhân một tuần hay 10 ngày sau khi soi phải đến xét nghiệm lại bêta hCG và siêu âm lại để khẳng định là có thai trong tử cung hay thai trong tử cung đã hỏng hoặc CNTC bị bỏ sót không. Việc hẹn một tháng sau mới khám lại là khá xa.

Nhưng cũng không thể nói là bác sĩ thiếu trách nhiệm vì khi chưa rõ chẩn đoán, bác sĩ cho bênh nhân về và hẹn 3 ngày sau khám lại. Còn nếu đúng là “bác sĩ vẫn khẳng định chị Trang chửa ngoài dạ con và yêu cầu mổ ngay vì tình trạng này có thể nguy hiểm đến tính mạng” như báo đưa tin thì bác sĩ cần rút kinh nghiệm vì bản chất chẩn đoán sớm CNTC là rất khó. Nếu chỉ dựa vào bêta hCG và siêu âm thì cũng không thể chẩn đoán chính xác được 100% vì bêta hCG diễn biến rất phức tạp, không theo một quy luật nào cả, còn hình ảnh siêu âm thì không phải lúc nào cũng có được hình ảnh điển hình. Ngay cà khi soi ổ bung nhìn trực tiếp trong ổ bụng cũng chỉ đúng 99% thôi thì sự nhầm lẫn đó cũng có thể chấp nhận được bởi vì thầy thuốc cũng đã giải thích cho bệnh nhân là tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Điều cốt lõi ở đây là thầy thuốc không tư vấn tốt trước mổ, không giải thích kỹ, dặn dò thiếu chu đáo và dặn thời gian quay lại khám bệnh quá dài gây nên sự lo lắng, băn khoăn không đáng có.

Mặt khác nếu bệnh nhân quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ của bản thân, đến khám sớm hơn chắc chắn sẽ được tư vấn và theo dõi thai tốt hơn.

- Vậy có nghĩa là bác sĩ không “mổ nhầm” mà chỉ là khâu tư vấn chưa tốt?

Đúng. Trường hợp trên bản chất “không phải là mổ nhầm” mà chỉ định và soi ổ bụng thì đúng nhưng tư vấn “tồi” đã gây nên sự căng thẳng và hiểu nhầm không đáng có giữa thầy thuốc và bệnh nhân.

Cũng như vậy khi giải thích cho bệnh nhân là “cuộc mổ rất tốt” mà bác sĩ không giải thích rõ cái “tốt” ở đây là cuộc mổ diễn biến bình thường, không có tai biến, không cắt bỏ cái gì cả, không gây sảy thai…

- Việc đã xảy ra rồi, theo bác sĩ, gia đình bệnh nhân cần phải làm gì tiếp theo để ổn định sức khoẻ của bà mẹ và thai nhi?

Về hậu quả do soi ổ bụng thì không, nhưng về toàn diện thì vẫn có thể có bất thường, bởi vì nếu không mổ thì thai nhi của bệnh nhân vẫn có thể bị bất thường như những người khác dù không có bất cứ một sự can thiệp nào. Mặt khác bệnh nhân đã có những dấu hiệu bất thường nên mới đi khám bệnh thì lúc đó cái thai của bệnh nhân cũng đã có vấn đề rồi.

Hiện nay, điều đáng mừng là thai đã được 10 tuần tuổi rồi. Cách xử trí tốt nhất cho bệnh nhân hiện nay là phải khám thai và theo dõi chặt chẽ. Khi thai được 12 tuần phải siêu âm 4 chiều ở những trung tâm tin cậy được thầy thuốc siêu âm về sản khoa, có nhiều kinh nghiệm siêu âm về thai nhi, đồng thời làm các xét nghiệm để chẩn đoán sàng lọc bất thường thai. Đây vẫn là những việc mà thai phụ khác vẫn khám và theo dõi thai.

Tôi vẫn muốn khuyên chân thành cho tất phụ nữ ở tuổi sinh đẻ là, nếu nghi ngờ có thai thì hãy đến khám ở các cơ sở chăm sóc sức khoẻ sinh sản dù có hay không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Riêng với trường hợp đau bụng và ra huyết thì càng phải sớm đi khám.

- Xin cảm ơn bác sĩ!


H.L (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn