Chiều 22/2, Công an tỉnh Long An cho biết, đơn vị đã bắt khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) để điều tra, xử lý về hành vi Giết người.
Điền chính là ra người ra tay sát hại người cha trong lúc chơi với con trai 4 tuổi ở công viên vì nghi bắt cóc.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Điền khai nhận trưa 21/2 cùng nhóm bạn ăn nhậu đến tận chiều.
Sau đó, Điền ra khu vực công viên thị trấn Hậu Nghĩa ngồi chơi thì nghe bà bán vé số tri hô có người bắt cóc trẻ em.
Nhìn vào công viên, thấy anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, quê Kiên Giang, trú ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa) đang đùa giỡn với con 4 tuổi.
Nghi ngờ đây là kẻ bắt cóc, Điền chạy vào can ngăn. Dù anh Bảo nói là cha đứa trẻ chứ không phải bắt cóc gì nhưng Điền không tin mà lớn tiếng cự cãi, đòi đưa vào công an làm việc.
Do trong người có men rượu, Điền thiếu kiềm chế bản thân, chạy đến quán gần đó lấy dao xông tới đâm anh Bảo chết tại chỗ.
Vụ việc khiến dư luận rất bức xúc và cho rằng ngoài người trực tiếp gây án, người phụ nữ tri hô bắt cóc trẻ em cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của nghi can đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác, là một trong những quyền cơ bản nhất của con người.
Trong vụ việc này, quan trọng là trách nhiệm của người tham gia giải quyết ứng xử tình huống, cụ thể là người bắt giữ và đâm chết người.
“Dù là người ta có hành vi bắt cóc thực sự thì pháp luật cũng không cho phép người dân tự mình hành xử tước đoạt đi tính mạng của người khác.
Nếu như trong trường hợp phạm tội quả tang có căn cứ xác định trộm, cắp hoặc những hành vi vi phạm pháp luật thì người dân có quyền bắt giữ, sau đó áp giải đến ngay các cơ quan pháp luật chứ không có quyền tự mình xâm hại tính mạng người khác, trừ trường hợp người ta chống trả lại mình, trong trường hợp tình thế cấp thiết hoặc phòng vệ chính đáng thì mới không phạm luật”, luật sư Thơm nói.
Từ đó, luật sư Thơm nhận định, xét về hành vi của hung thủ, chỉ nghe tiếng hô “bắt cóc trẻ em”, chỉ nghi ngờ mà chưa biết rõ, chưa tìm hiểu sự việc như thế nào mà đã sử dụng hung khí để đâm chết người thì hung thủ có thể sẽ được quy kết là hành vi giết người được quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt là 12 - 20 năm - chung thân, cao nhất là tử hình.
Còn hành vi của người phụ nữ bán vé số thì khó có căn cứ để xử lí, vì trách nhiệm phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn dân, ai cũng có quyền tham gia phòng chống các loại tội phạm.
Có thể là do hiểu biết của người phụ nữ bán vé số chưa thấu đáo, người ta nghi ngờ, hiểu lầm nên tri hô lên như thế chứ không có kích động bảo đánh chết, đâm chết người ta nên không thể nói người phụ nữ có hành vi vu khống hay là đồng phạm được.
Theo luật sư Thơm, thực tế trong xã hội có rất nhiều vụ việc người dân nghi ngờ bắt cóc trẻ em vì khả năng phán đoán và hiểu biết còn hạn chế.
Về nguyên tắc, người dân có quyền tham gia đấu tranh và phòng chống các loại tội phạm và có quyền bắt quả tang những người vi phạm pháp luật, nhưng việc xử sự như thế nào trong các trường hợp đó thì phải tuân theo quy định của pháp luật, phải có căn cứ chứng minh rõ là người ta đang có giấu hiệu vi phạm pháp luật chứ không chỉ là nghe một lời tri hô, một lời nói mà không tìm hiểu rõ sự việc rồi hùa theo, dùng vũ lực, giết người.
Trong xã hội đã có rất nhiều người bị hiểu lầm, bị đánh oan, bị giết oan...
Vì vậy khi nghe phản ánh sự việc, người dân phải hết sức bình tĩnh và cẩn trọng trong việc bắt giữ những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là nghiêm cấm hành vi sử dụng vũ lực trong mọi trường hợp, trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng, chỉ có thể bắt giữ và giao cho cơ quan chức năng. Không thể kết luận là vu khống.
Bình luận