Với sự có mặt của B-1B Lancer, căn cứ Andersen trên đảo Guam của Mỹ đang chứng kiến sự hiện diện đầu tiên trong lịch sử ba loại máy bay ném bom chiến lược chiến lược hàng đầu của Washington.
Trước động thái đó của Mỹ, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng, sự hiện diện cùng lúc của B-1, B-52 và B-2 là một nước đi của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, đối thủ chính của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về mặt lý thuyết, các oanh tạc cơ này có khả năng không kích Trung Quốc từ căn cư quân sự không nằm trong tầm bắn của các tên lửa Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện tại, căn cứ Guam chỉ có thể được coi là “tương đối an toàn”. Xét về vị trí, hòn đảo đã nằm trong tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 mới nhất của Trung Quốc.
Mỹ mới đây cũng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới hòn đảo này. Nhưng khả năng đối phó với tên lửa tầm trung hiện đại của Trung Quốc của hệ thống này vẫn chưa được chứng minh, chưa kể việc tên lửa hành trình của Bắc Kinh được thiết kế với khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối thủ.
Trên thực tế, B-1 không cho thấy những lợi thế đáng kể so với B-52 cũ. Theo chuyên gia người Nga, oanh tạc cơ này “bất lực” trước hệ thống phòng không hiện đại và đó là điều mà người ta đã rõ từ cách đây 40 năm, trước khi máy bay này bắt đầu được sản xuất hàng loạt.
Video: Nhật Bản tung video tố cáo tàu Trung Quốc xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư
Thời điểm đó, sản xuất B-1 chỉ được xem là một biện pháp tạm thời trước khi bắt đầu sản xuất máy bay ném bom tàng hình B-2. Nhưng vì quá trình sản xuất phức tạp và chi phí cao, các phi cơ tàng hình này vẫn không thể thay thế các máy bay cũ.
Thời điểm hiện tại, B-1 và B-52 chỉ có thể được sử dụng như phương tiện mang tên lửa hành trình hoặc các loại vũ khí chính xác tới các khu vực không có hệ thống phòng không của đối phương.
Chưa kể Mỹ cũng tháo dỡ các thiết bị được sử dụng cho vũ khí hạt nhân khỏi B-1. Điều này đồng nghĩa với việc 'máy bay ném bom chiến lược được Mỹ sử dụng cho các cuộc xung đột cục bộ' không phải là một yếu tố quyết định trong cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn với Trung Quốc.
Tất nhiên, việc Mỹ thường xuyên luân chuyển các máy bay ném bom ở Thái Bình Dương là dấu hiệu cho thấy Washington đang gửi tín hiệu cho Bắc Kinh về ý định đảm bảo tự do hàng không và hàng hải trong vùng hải phận quốc tế, bất chấp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng cũng có thể, nguyên nhân sâu sa đằng sau hành động này là việc Mỹ không có khả năng tập trung dài hạn các lực lượng cần thiết trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Bình luận