Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chốt phiên giao dịch ngày 2/11 với mức 60.100 đồng/cổ phiếu, tăng 2.000 đồng so phiên liền trước, tức tăng 3,44%, ngay sau công bố tài chính cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng lên đến 3.967 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước đó, cổ phiếu này trải qua 22 phiên giao dịch ‘giông bão” khi thị giá suy giảm 14,9%, tức mỗi cổ phiếu mất 10.600 đồng. Trong đó, có 6 ngày giao dịch đỏ sàn liên tiếp là ngày 17 – 24/10. Ngày giao dịch 24/10 cũng là phiên giá cổ phiếu PLX rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9, còn 55.800 đồng/cổ phiếu.
Cũng trong ba tháng 7, 8 và 9, giá cổ phiếu PLX giảm 2.500 đồng/cổ phiếu, tức giảm 3,99%. Khối lượng giao dịch trung bình trong khoảng thời gian trên là 852.814 cổ phiếu/ngày.
Nếu tính trong khoảng thời gian từ 2/1 – 2/11, cổ phiếu PLX đã trải qua 208 ngày giao dịch, biến động giá là – 15,8%, tức mỗi cổ phiếu mất 11.351 đồng. Trong đó, giá thấp nhất rơi vào ngày giao dịch 5/7, giá cổ phiếu PLX rớt xuống mức 52.800 đồng/cổ phiếu.
Trái với tình trạng suy giảm giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm của Petrolimex lại rất ấn tượng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, doanh thu thuần quý 3 của Petrolimex đạt 46.175 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ 2017.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 96%, đạt 350,3 tỷ đồng. Các công ty liên doanh và liên kết mang lại khoản thu gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 138 tỷ đồng, tăng 124%.
Do chi phí bán hàng trong kỳ chỉ tăng nhẹ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 46% giúp Petrolimex lãi trước thuế hơn 1.142 tỷ đồng, tăng 3%.
Cộng dồn 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Petrolimex lần lượt đạt 142.843 tỷ đồng và 3.187 tỷ đồng, tăng tương ứng 27% và 13% .
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Petrolimex đạt trên 62.696 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5%. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 40.383 tỷ đồng, chiếm tới hơn 64% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó, hơn 17.105 tỷ đồng là vay nợ tài chính.
Bình luận