Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo ngày 30/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2018 bằng tiền, tỷ lệ 26% của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX).
Với việc chi trả cổ tức 26% bằng tiền mặt, tương đương 2.600 đồng mỗi cổ phần, Petrolimex dự kiến sẽ phải chi hơn 4.400 tỷ đồng cho hơn 1,1 triệu cổ phần đang lưu hành.
Do sở hữu hơn 981 triệu cổ phiếu, tương ứng 83,85%, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ nhận hơn 2.550 tỷ đồng tiền mặt. Petrolimex vẫn là doanh nghiệp chủ đạo của "siêu uỷ ban" khi nộp thuế cho nhà nước 38.200 tỷ đồng trong năm 2018.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 cho thấy Petrolimex đạt doanh thu thuần gần 42.000 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, biên lãi gộp quý này của tập đoàn tăng lên mức 9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ khoảng 7% của quý 1/2018.
3 tháng đầu năm, Petrolimex lãi hợp nhất gần 1.294 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước đến gần 34%. Đây cũng là quý kinh doanh mà Petrolimex đạt lợi nhuận ròng cao nhất kể từ ngày cổ phiếu được niêm yết.
Theo lý giải của Petrolimex, lợi nhuận quý 1 tăng so cùng kỳ 2018 là do giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh vào quý cuối năm 2018.
Petrolimex cũng được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng về giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2018 theo quy định vào kết quả kinh doanh trong kỳ.
Ngoài ra, sản lượng bán ra trên thị trường của toàn hệ thống Petrolimex tăng 4,7% so với cùng kỳ và chi phí tài chính thấp hơn so với cùng kỳ do không phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay giảm so với cùng kỳ vì dòng tiền gia tăng sau khi bán thành công cổ phiếu quỹ.
Vẫn theo báo cáo, hết quý I, Petrolimex ghi nhận tổng vay và nợ thuê tài chính gần 13.870 tỷ đồng (trong đó 90% là nợ ngắn hạn), bằng xấp xỉ 55% vốn chủ sở hữu. Nợ lớn khiến tập đoàn phải trả lãi vay 184 tỷ đồng từ đầu năm.
Bình luận