• Zalo

Ông lão 30 năm tìm con và vợ chồng 20 năm nhặt rác

Thời sựThứ Sáu, 12/02/2010 06:22:00 +07:00Google News

Họ đều là những ông lão, bà lão đã ở tuổi “cổ lai hi” nhưng vẫn ngày ngày, kể cả ngày Tết, phải bươn chải kiếm sống nơi Thủ đô đông đúc...

Họ đều là những ông lão, bà lão đã ở tuổi “cổ lai hi” nhưng vẫn ngày ngày, kể cả ngày Tết, phải bươn chải kiếm sống nơi Thủ đô đông đúc. Với họ được hưởng một cái Tết đầm ấm bên gia đình là mơ ước xa vời.

Ông lão góc chợ

Chiều cuối tuần, chợ Gia Lâm (Hà Nội) đông người vào ra. Chợ chiều lất phất vài giọt mưa khiến khung cảnh tuy ồn ào nhưng buồn khó tả. Nơi góc chợ, một cụ ông độ hơn 70 tuổi khoác bộ quần áo dài tay đã cũ, mái tóc bù xù, da đen nhăn nheo đưa một tay hướng về phía người khách đang tung tăng cùng hàng hóa. Như bao lần, tôi tỏ thái độ lắc đầu với “người ăn xin” và thản nhiên bước đi, dẫu đôi khi có chút mủi lòng trước cuộc sống của những người lấy nghề ăn xin kiếm sống.

Người bạn đi bên cạnh nghiêng vào tai tôi và nói: “Ông ấy không xin ăn”. Tôi quay đầu lại chợt nhận ra chiếc đòn gánh đang được nắm chắc trong bàn tay còn lại đặt sát hông ông lão. Hóa ra, ở góc chợ này, ông dùng chiếc đòn gánh để gánh thuê hàng từ quầy ra xe cho khách. Ông vẫy tay để hỏi xem tôi có cần thuê không.

Ông cụ đó tên là Ngô Văn Chinh, quê ở Nghệ An. Đã hơn hai mươi năm nay, ông sống lang thang trên đất Hà Nội và cũng chừng ấy năm ông mòn mỏi đi tìm lại đứa con trai thất lạc của mình. Ông kể: “Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, quanh năm người dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn. Một năm có 12 tháng thì 5 – 6 tháng cả làng dắt díu nhau đi xin ăn.

Hai vợ chồng tôi mãi hơn 40 tuổi mới có được mụn con thì nó lại bị lao trong một lần cùng mẹ ra Hà Nội xin ăn cách đây 30 năm. 30 năm qua vợ chồng tôi đi khắp nơi mong tìm lại đứa con trai, khi tuổi đã “gần đất xa trời” mà vẫn chưa có thêm được chút tin tức gì về con. Vợ tôi vì thương nhớ con mà khóc mờ cả hai mắt và mất cách đây mười tám năm. Còn lại một thân một mình, sức đã yếu, tôi đành ra chợ ngồi, ai thuê làm gì thì làm đấy, miễn có cơm ăn…”.

Tôi hỏi ông: “Tết này ông có về quê không?”. Ông cười buồn: “Tôi cũng muốn về quê lắm, nhưng tiền ăn không lo nổi, tiền đâu đi xe về quê? Khổ thân bà nhà tôi, Tết nhất mà tôi không về thắp được nén nhang, chắc bà ấy tủi lắm”. Trên khuôn mặt in hằn những vết nhăn tựa vết chân chim của ông hai hàng nước mắt cay đắng, xót xa trào ra. Người bạn thân thiết nhất của ông giờ là chiếc xe máy cà tàng ông vất vả mang từ Nghệ An ra, ban ngày nó là vật để ông di chuyển đi tìm con, ban đêm chiếc xe biến thành nơi ông ngả lưng sau một ngày mệt mỏi.

Vất vả nơi bờ sông

Dưới gầm cầu Long Biên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) có một gia đình hơn 20 năm qua sống lênh đênh trên sông, mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Đó là gia đình ông Vũ Đình Bài (77 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tế (60 tuổi).

Chúng tôi tìm đến con thuyền của gia đình ông vào một chiều đông, đúng lúc ông Bài đang bước lên bờ bắt đầu một ngày làm việc mới. Hôm nay, ông đi muộn hơn vì bà Tế bị ốm, khi biết lý do của những vị khách “không mời”, ông trở lại thuyền và kể về cuộc đời “chìm nổi” của mình.

Bà Tế vẫn cần mẫn nhặt rác, mặc cho Tết đến xuân về 

Ông sinh năm 1933, quê gốc Thái Lan, sang Việt Nam từ bao giờ và bằng con đường nào ông không còn nhớ. Chỉ biết rằng, từ khi lớn lên, cuộc sống của ông đã gắn với con thuyền và nghề nhặt rác mưu sinh cũng theo ông từ đó. Sau khi lấy bà Nguyễn Thị Tế làm vợ, ông chuyển sang làm nghề khác nhưng rồi “đâu lại quay trở về đấy”. Năm 1990, ông bà đi làm kinh tế trên Phú Thọ: “Cũng chỉ được một thời gian, tôi cùng bà nhà lại khăn gói về xuôi” – Ông Bài tâm sự.

Từ đó, ngày ngày hai ông bà chia tay nhau từ sáng sớm đến đêm khuya. Vất vả là thế nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 10.000 đến 20.000 đồng, chỉ đủ mua rau.

Ông Bài cho biết: “Giờ già, muốn đi làm thêm cũng không ai mướn, đành chịu khó nhặt rác sống qua ngày, nếu có ốm đau thì vay mượn trả sau”. Ông đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xem xét để được Nhà nước trợ cấp, giúp đỡ trong lúc ốm đau nhưng đến nay vẫn còn “phải đợi”.

Cuộc sống trên thuyền không điện, không nước sạch, không có nơi vệ sinh thì “bệnh không rủ cũng tới”. Khát vọng lớn nhất của ông bà là được lên bờ, sống một cuộc sống bình dị như bao gia đình khác, đó là được đón một cái Tết sáng ánh điện. “Tết đến là thời điểm những bậc làm cha mẹ háo hức mong chờ những đứa con thân yêu về đoàn tụ. Vợ chồng tôi không có con, hai phận già nương tựa vào nhau, sống đắp đổi qua ngày. Chúng tôi chẳng mong gì Tết bởi Tết với người nghèo chúng tôi buồn lắm”.

Ánh mắt ông lão nhìn xa xăm, có lẽ ông đang suy nghĩ khi không còn sức để rong ruổi trên những con đường thì ông bà sẽ sống bằng gì đây?

Theo Tuổi trẻ Thủ đô
Bình luận
vtcnews.vn