Doanh nghiệp tận thu mỏ đá hết hạn
Mỏ đá Tân Đông Hiệp (thuộc phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, Bình Dương) tiếp giáp với xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai có tổng diện tích được cấp phép khai thác gần 45.000m2.
Hiện, có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác và chế biến đá gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3/2.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Bình Dương cấp, ngày 31/12/2017, mỏ đá Tân Đông Hiệp hết hạn và sẽ được cải tạo, đóng cửa.
Tuy nhiên đến nay, dù đã quá phép 9 tháng, mỏ đá này vẫn đang được các doanh nghiệp khai thác triệt để, tận thu hết mức dẫn đến nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và môi trường xung quanh. Thậm chí, các doanh nghiệp này chuẩn bị kế hoạch tiếp tục xin phép gia hạn khai thác mỏ đá vì cho rằng trữ lượng đá còn nhiều.
Để lấy lòng dân và được sự chấp thuận của chính quyền, Ban quản lý mỏ đá Tân Đông Hiệp tiếp tục đề nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân để xin phép gia hạn khai thác đến hết năm 2019.
Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Bình Dương đứng ra thương lượng chấp nhận hỗ trợ tiền ô nhiễm môi trường hàng tháng cho người dân, tùy theo mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, đa số người dân sống xung quanh đều không đồng ý với lời đề nghị từ công ty bằng mọi giá.
Thông tin từ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương, sau khi kết quả lấy ý kiến người dân trong vùng chịu ảnh hưởng về việc gia hạn thời gian khai thác mỏ, nhiều hộ dân mong muốn các mỏ đá ngưng hoạt động càng sớm càng tốt.
Cũng theo thông tin từ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương, do mỏ nằm trong khu vực có tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, dân cư sinh sống tương đối đông đúc nên việc tiếp tục khai thác xuống sâu, kéo dài thời gian hoạt động mỏ chắc chắn sẽ gặp sự phản đối gay gắt của người dân.
Người dân bất an bên mỏ đá "tử thần”.
Theo ghi nhận của PV VTC News, ngày 10/9, nhiều công nhân, máy xúc, xe tải vẫn hoạt động khai thác ầm ầm tại mỏ đá Tân Đông Hiệp. Công tác khai thác được triển khai khẩn trương, xe tải nườm nượp nối đuôi nhau chở đá vào khu vực tập kết.
Nhiều xe chở đá không được phủ bạt khiến đá dăm vung vãi, bụi bay mù mịt trên đường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và người dân sống xung quanh.
Chị T., một người dân sống gần mỏ đá cho biết: “Từ khi mỏ đá đi vào khai thác, dân sống xung quanh luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Chủ doanh nghiệp khai thác nổ mìn liên tục, máy móc hoạt động ầm ầm ngày đêm khiến người dân như sống trên hang đá, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Không những thế, việc khai thác quá mức, không tuân thủ quy định pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Khói bụi từ việc nổ mìn mỏ đá phủ kín trên một diện tích rất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và xe cộ đi lại”.
Chị N.T.N (ngụ phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An) cho biết, khi gia đình chị nghe thông tin mỏ đá hết hạn khai thác đã rất vui mừng vì nghĩ sẽ không phải sống trong cảnh ô nhiễm nữa. Tuy nhiên, niềm vui dập tắt khi chị biết các doanh nghiệp đang tìm mọi cách để gia hạn thời gian khai thác.
“Tôi và người dân sống ở đây không đồng ý cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác đá dù bất cứ giá nào. Việc nổ mìn để phá đá của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã gây chấn động mạnh, làm lún nứt nhiều nhà dân xung quanh khu vực mỏ. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, nguy cơ sập đổ nhà có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của nhiều người”, chị N. bức xúc.
Được biết, từ khi hoạt động cho đến nay, cụm mỏ đá này được gia hạn thời gian và độ sâu khai thác 3 lần. Cụ thể, lần 1: Gia hạn thời gian khai thác từ năm 2010 đến năm 2013 và độ sâu đến cote - 80m; lần 2: Gia hạn từ năm 2013 đến năm 2015 và độ sâu đến cote - 100m; lần 3: Gia hạn từ năm 2015 đến năm 2017 và độ sâu đến cote - 120m.
Video: Nguy cơ sạt lở mộ dân do khai thác đất ở Hà Tĩnh
Bình luận