Nhận giải A Giải Báo chí Quốc gia đúng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) là phần thưởng, là niềm tự hào to lớn mà bất cứ người làm nghề nào cũng muốn có được. Để làm nên những tác phẩm này là cả một “hành trình lăn lộn” của các phóng viên VOV tới các vùng miền trên cả nước để tìm hiểu thực tế, là hàng tuần liền “ăn ngủ tại cơ quan”…
Được vinh danh ở vị trí cao nhất tại Giải Báo chí quốc gia lần thứ 13 năm 2018, những tác phẩm đoạt giải A của các phóng viên, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) được đánh giá cao bởi đã có hiệu quả tác động xã hội tốt, có vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí và được các cơ quan chức năng tiếp thu.
Phóng viên nông nghiệp say nghề và yêu các miền quê
Làm báo đã được cho là nghề vất vả, nhưng có lẽ làm báo viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, biển đảo sẽ vất vả hơn. Liên tục là những chuyến công tác xuống vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, đối mặt với thiên tai, bão lụt, nắng nóng, dịch bệnh… Thế nhưng, không vì thế mà làm chùn bước chân của các phóng viên.
“Trong quá trình tác nghiệp, hình ảnh những người nông dân lam lũ, vất vả với ánh mắt đầy lo lắng, bất an khi rau trồng ra phải nhổ bỏ, thanh long để chất đống, hư hỏng bên đường; dưa hấu, khoai lang phải giải cứu hết đợt này đến đợt khác… ám ảnh chúng tôi rất nhiều. Hay những hợp tác xã chưa thể đổi mới, có xác mà không có hồn, sản xuất trì trệ khiến xã viên thiếu tin tưởng, rời bỏ… Càng đi nhiều, tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả, khó khăn của nông nghiệp, nông dân nước mình”
Nhà báo Hương Lan, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Biển đảo, Ban Thời sự (VOV1)
Trong nhóm tác giả, người gắn bó lâu nhất với mảng làm báo nông nghiệp cũng đến hơn 20 năm; người ít thì 5 năm; nhưng độ nhiệt huyết, say mê với nghề thì chưa khi nào cạn, mà dường như càng làm, càng gắn bó với nghề hơn, nhất là yêu hơn những miền quê, những cánh đồng và đặc biệt là những người nông dân chân chất, hiền hậu.
Loạt bài: “Liên kết - động lực cho nông nghiệp bứt phá” lên sóng trên Kênh Thời sự (VOV1) vào các ngày 28, 29, 30/12/2018 đi sâu phản ánh, phân tích về nội dung này qua những mô hình thực tế đầy hơi thở cuộc sống; đồng thời đưa ra những phân tích, kiến nghị, giải pháp sâu sắc của các chuyên gia, các nhà quản lý, để làm sáng tỏ vấn đề.
“Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã cùng chứng kiến những tín hiệu vui trên những cánh đồng lớn khi bà con nông dân có thu nhập ngày càng cao, lãi đến cả gần trăm triệu mỗi vụ như ở An Giang, Đồng Tháp; hay ở Hà Nam, bà con vừa có thu nhập khi cho doanh nghiệp thuê ruộng, vừa được “ăn lương” khi trở thành công nhân nông nghiệp; rồi những Hợp tác xã kiểu mới mạnh dạn làm ăn, thu lãi tiền tỷ, xã viên được đổi đời; những doanh nghiệp ngày một ăn nên làm ra khi liên kết bền chặt với hàng nghìn nông dân tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, rộng lớn”, nhà báo Hương Lan chia sẻ.
Để làm nên loạt bài, các phóng viên không chỉ lăn lộn trong thực tế sản xuất và đời sống của nông dân ở nhiều vùng miền, mà còn phải trao đổi, phỏng vấn, lấy ý kiến từ rất nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp, các nhà quản lý, các doanh nghiệp để có cái nhìn đa chiều. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng gợi mở cho nhóm những ý tưởng mới trong bài viết.
Tâm nguyện đời người - Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ trong phòng thu
Cùng đạt giải A tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 13, tác phẩm “Tâm nguyện đời người” của nhóm phóng viên Hồng Quyên, Thanh Hương, Tạ Trúc (VOV2) là chương trình phát thanh đặc biệt thời lượng 60 phút, phát trực tiếp trên sóng phát thanh tri ân các anh hùng liệt sỹ, các thương binh nhân ngày 27/7/2018.
Ê kíp chọn một câu chuyện chân thực kể về một con người đã dành trọn cuộc đời để đi trả món nợ ân nghĩa với đồng đội, đó là Cựu chiến binh - thương binh Phạm Ngọc Mậu.
Những chia sẻ đong đầy cảm xúc, những trăn trở, day dứt của người lính già đã từng vào sinh ra tử, cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu với anh Nguyễn Văn Thiếu - con trai liệt sỹ Nguyễn Văn Tựu ngay tại phòng thu trực tiếp chính là phút giây hạnh phúc, cảm động mang lại nhiều cảm xúc nghẹn ngào không chỉ cho bác Mậu mà với tất cả ê kíp thực hiện và thính giả nghe Đài. Nhờ có sự góp sức của bác Mậu, liệt sỹ Tựu đã được trở về an nghỉ nơi quê nhà ở xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, TP Hải Phòng.
“Báo nói có những khó khăn nhất định trong việc truyền đạt cảm xúc khi mà không có hình ảnh trực quan tác động tới người xem như báo hình. Tuy nhiên, phát thanh lại có những ưu thế riêng nếu biết tận dụng âm thanh, tính chân thực của âm thanh hiện trường, những chia sẻ của các nhân vật, cảm xúc của các khách mời đều được chúng tôi tôn trọng tuyệt đối để đem đến cho độc giả những cảm xúc chân thực nhất”
Nhà báo Hồng Quyên, Trưởng phòng Các vấn đề xã hội, Ban Văn hóa xã hội (VOV2)
Cảnh hội ngộ bất ngờ và vô cùng cảm động giữa bác Mậu và con trai của liệt sỹ Tựu, những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt, nghẹn ngào, tuy thính giả không nhìn thấy được nhưng lại cảm nhận rất rõ qua lời thuật tả của người dẫn chương trình.
Hay như việc mang các vật dụng cùng những kỷ vật của người lính đã theo ông trong suốt cuộc hành trình dài 30 năm đi tìm đồng đội vào trong phòng thu trực tiếp tưởng như không cần thiết với báo nói nhưng thực tế hiệu ứng của nó mang lại là vô cùng lớn, giúp cho khách mời và người dẫn chương trình cùng các thính giả được sống trong cảm xúc chân thực.
Trong chương trình, thính giả cũng được chứng kiến cuộc trò chuyện cảm động giữa cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu với em trai của liệt sỹ Trần Xuân Út, người bạn thân thuở thiếu thời đã cùng ông lên đường vào chiến trường miền Nam, kề vai sát cánh bên ông trong cuộc chiến và đã anh dũng hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
“Món nợ” ân nghĩa với đồng đội, với người bạn thân thuở thiếu thời chính là động lực khiến cho người lính già vẫn luôn sẵn sàng khoác ba lô lên và đi bất cứ lúc nào, đi để trả nghĩa cho các đồng đội năm xưa…
Một điểm mới trong cách thức thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt này, đó là chương trình được thực hiện theo hình thức đa phương tiện, vừa phát sóng trên radio, trực tuyến trên trang web VOV2.VN và livestream toàn bộ chương trình trên fanpages VOV2- Cuộc sống muôn màu.
Mọi sự tri ân của những người đang sống với các anh hùng liệt sĩ sẽ không bao giờ là đủ. Công việc thầm lặng nhưng đầy nhân văn của Cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu sẽ là một hành trình dài không có hồi kết, để trả nghĩa, để tri ân những người đã ngã xuống. Mong sao Hành trình của ông không bao giờ đơn độc. Đó cũng là thông điệp mà những người thực hiện chương trình mong muốn truyền tải.
Giải Báo chí quốc gia lần thứ 13 năm 2018 có 147 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Hội đồng chấm giải đã chọn được 106 tác phẩm xuất sắc để trao 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C và 34 giải Khuyến khích.
Trong đó, VOV có 7 tác phẩm đoạt giải gồm:
- 2 tác phẩm đạt giải A là “Liên kết: Động lực cho nông nghiệp bứt phá” của Hương Lan, Hồng Liên, Hà Phương, Phương Hà (VOV1) và “Tâm nguyện đời người” của Hồng Quyên, Thanh Hương, Tạ Trúc (VOV2).
- 2 tác phẩm đạt giải B là “Phát triển Đảng viên, tre già, măng chưa mọc” của Tấn Tư, Thanh Hà, Đặng Năm, Đình Thiệu (VOV Miền Trung) và “Hội thánh Đức chúa trời” của VTC News.
- 3 tác phẩm đạt giải C là “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” (VOV1); “Sập bẫy dự án, hàng ngàn ha đất vàng Kon Plong bị bỏ hoang” của Nguyễn Khoa Điềm (VOV Tây Nguyên) và “Rubic 2018” (VTC1).
Bình luận