Thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có 11 hộ gia đình người Dao quần trắng làm du lịch, trong đó có 5 gia đình họ Tướng: Tướng Văn Thương, Tướng Văn Bội, Tướng Văn Tâm, Tướng Văn Ba và Tướng Văn Giang.
Tướng Văn Năm, sinh năm 1993, chủ Vũ Linh Homestay kể, cách đây gần 10 năm, có một “ông Tây” về vùng đất ven lòng hồ thủy điện Thác Bà này tìm cơ hội làm ăn. Ông muốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Người đầu tiên trong năm anh em họ Tướng làm du lịch là ông Tướng Văn Thương, bố của Năm. Ông Thương sinh năm 1963, có khu đất ven hồ Thác Bà. Còn “ông Tây” Việt kiều kia thì có vốn và ý tưởng. Họ phối hợp với nhau xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, chuyên đón khách nước ngoài. Khu du lịch được mang tên Lavie Vũ Linh.
Sau vài năm làm quản lý cho Cty TNHH Lavie Vũ Linh, tích lũy được một số kinh nghiệm, ông Thương thôi công việc tại đây, về chỉnh trang lại ngôi nhà của mình và bắt đầu đón khách. Khách của Vũ Linh Homestay có cả Tây lẫn ta.
Tiếp sau nhà ông Thương, những người họ hàng và thêm vài nhà khác trong thôn cũng mở dịch vụ du lịch cộng đồng, hình thành làng du lịch cộng đồng của người Dao quần trắng.
Thôn Ngòi Tu cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 1 giờ xe chạy. Chúng tôi không khỏi bối rối khi ở đây có rất nhiều tấm biển chỉ dẫn có thể gây nhầm lẫn: Đường vào Lavie Vũ Linh, Lối vào Vũ Linh Homestay, Vũ Linh Family Homestay, Vũ Linh Farmstay, Vũ Linh Garden… Giá dịch vụ lưu trú xêm xêm 80 - 100 ngàn đồng/người/đêm. Muốn ăn gì thì tự nấu, hoặc có thể đặt chủ nhà. Còn nếu muốn thưởng thức những bữa cơm gia đình đúng kiểu người Dao quần trắng, chỉ cần bảo chủ nhà một câu là xong. Đến bữa, chủ nhà lấy thêm bát đũa cho khách, coi như người nhà vừa đi xa về. Khách muốn góp thêm món gì tùy ý.
Hỏi Năm mới biết, trừ Lavie Vũ Linh, mấy cái Vũ Linh Homestay, Vũ Linh Family Homestay… đều do anh em nhà họ Tướng lập ra. Nhà đông khách có khi san bớt cho nhà bên cạnh
Vũ Linh Family - Homestay của gia đình ông Tướng Văn Bội, do con trai Tướng Văn Hoàn điều hành. Hoàn sinh năm 1987, nói được tiếng Anh và một chút tiếng Pháp. Vợ Hoàn là Lý Thị Sam Sung, dân tộc Dao, vừa là trưởng thôn, vừa đóng vai trò trợ lý điều hành cơ sở dịch vụ cho chồng.
Tướng Văn Hoàn bảo, không chỉ khách nước ngoài, khách người Việt cũng đến nghỉ rất đông, có đoàn hơn 30 người. Năm nhiều nhất cả thôn đón khoảng 1.000 khách.
“Hai năm vừa rồi dính dịch COVID-19, cả thôn đóng cửa. Mới đây được mở trở lại, vẫn chưa được như xưa nhưng có khách đến là tốt lắm rồi”, Năm bảo. “Khi không đón khách du lịch thì em làm gì?”, tôi hỏi. Năm bảo nhà vẫn có 4 sào ruộng và ở đây nhà nào cũng có ruộng.
Ở Ngòi Tu, những hộ làm “hôm tây” vẫn giữ nguyên lối sống của người Dao quần trắng, vẫn ngày ngày làm nông dân, vẫn cày ruộng, chăm ao cá, nuôi con lợn con gà.
Hai vợ chồng du khách Đan Mạch, chị Freja Nilsson - 34 tuổi và chồng, anh Alfred Christensen - 38 tuổi, đi theo tour của một công ty du lịch Việt Nam, và khi đề nghị thăm một làng dân tộc thiểu số, họ được giới thiệu về thôn Ngòi Tu. “Cái gì đối với tôi cũng mới, cũng lạ. Từ bình rượu ngâm thằn lằn (thực ra là tắc kè), thứ mà chúng tôi không dám thử, trang phục đen - đỏ - trắng của phụ nữ địa phương, đến những món ăn tuy không hề đẹp mắt nhưng lại rất ngon của Năm”, Alfred nói.
Tướng Văn Năm cho biết, sau khi gia đình mở dịch vụ du lịch tại nhà, anh lặn lội về Hà Nội học nấu ăn. Ngoài các món chủ đạo, mang bản sắc người Dao, Năm còn học thêm một số món ăn của người Kinh, thậm chí là món ăn “Tây” để phục vụ khi du khách có yêu cầu. “Nhưng nói chung họ vẫn thích món của người Dao hơn cả”, Năm bảo.
Buổi chiều, tôi tranh thủ chạy ra chợ địa phương. Thấy có mớ cá ngạnh dân chài vừa đánh bắt từ hồ Thác Bà lên còn tươi roi rói, tôi mua luôn, gọi là góp thêm vào mâm cơm tối cùng gia đình chủ nhà. Bữa tối được dọn ra: nộm rau dớn, canh măng chua, cá ngạnh nấu rau hắc nam, thêm ít tép hồ Thác Bà rán giòn. Ông Thương bê ra bình rượu thuốc ngâm rễ cây của người Dao…
Trưởng thôn kiêm hướng dẫn viên Lý Thị Sam Sung bảo, nhờ làm du lịch, dân Ngòi Tu khá giả hơn rất nhiều so với các thôn khác trong vùng. Sau khi thôn du lịch hình thành, chính quyền mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho người dân địa phương: lớp dạy giao tiếp bằng tiếng Anh cơ bản, nghiệp vụ buồng phòng, lễ tân, nấu ăn. Chính quyền còn thành lập các tổ thu gom rác thải… “Cả Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả huyện, cả xã cùng tham gia hỗ trợ. Em cứ đi tập huấn suốt”, cô con dâu 28 tuổi nhà họ Tướng nói.
Sáng hôm sau, ông Thương dùng thuyền sắt của gia đình chở chúng tôi dạo một vòng trên hồ Thác Bà mênh mông. Con thuyền ấy khi không phục vụ khách thì lại trở thành phương tiện để ông giăng câu thả lưới trên hồ.
Bình luận