Mỗi tối, sau 18h, chợ đầu mối Long Biên lại lên đèn để bắt đầu cuộc sống về đêm của hơn 1.000 tiểu thương đang kinh doanh trong chợ. Tuy nhiên, đằng sau sự sôi động ấy của khu chợ là nỗi sợ hãi bao trùm bởi những kẻ hoạt động bảo kê, những “ông trùm” thật sự của khu chợ.
Nhóm phóng viên Báo Phụ Nữ vào vai những người buôn bán nhỏ lẻ, hơn hai tháng hòa mình với nhịp sống về đêm của khu chợ, để nhận diện chân dung “ông trùm” có cái tên Hưng “kính” đang đảo lộn sự bình yên nơi đây.
Trong quãng thời gian làm việc ở đây, nhóm phóng viên đã tiếp cận một số tiểu thương đang bị nhóm của “ông trùm” này dùng đủ các thủ đoạn như chặn xe, gây rối, sắp xếp cá thối vào chỗ ngồi... để chèn ép, bóc lột không thương tiếc.
Các hoạt động của Hưng “kính” lờ mờ có bóng dáng của “đại ca” khét tiếng đất Hà thành một thời, đó là Khánh “trắng”. Cũng sử dụng danh nghĩa của nghiệp đoàn bốc xếp, Khánh đã thu về dưới tay mình nhiều đàn em có “số má” trên giang hồ. Từ đó, Khánh “trắng” làm điên đảo chợ Đồng Xuân cho đến khi bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Một tiểu thương cho biết, để được kinh doanh trong chợ, một chủ cửa hàng cần phải có một chỗ đỗ xe để chuyển hàng vào ki-ốt.
Theo quy định của ban quản lý chợ Long Biên, mỗi xe vào cổng phải đóng tiền vé theo trọng tải, từ 15.000 – 60.000/lượt, xe nào vào trước thì đỗ trước. Khi đã mua vé cổng, ban quản lý chợ có trách nhiệm hỗ trợ tiểu thương điều tiết và sắp xếp chỗ đỗ.
Thế nhưng, mọi việc lại không đơn giản như vậy. Sau khi xe vào bãi đỗ, tiểu thương còn phải nộp tiền bãi, một loại tiền không được ghi trong quy định hay bất kỳ loại văn bản giấy tờ nào của chợ. Người đứng ra thu tiền là đội bốc xếp của chợ, đàn em của Hưng “kính”.
Tiền được thu theo tải trọng xe từ 200.000 – 350.000/lượt cũng với danh nghĩa là tiền bốc xếp. Nhưng trên thực tế, các tiểu thương đã nộp tiền vẫn phải có người bốc dỡ hàng hóa riêng, những người trong nhóm Hưng “kính” chỉ đến thu tiền.
“Họ chỉ có vài người, xe nào vào họ cho người nhảy lên xe đứng cho có chứ chẳng làm gì, người bốc xếp vẫn là người nhà chúng tôi. Nhà nào thỏa thuận với họ thì cứ tự bốc xếp, cuối buổi, họ vẫn đến thu tiền. Nhà nào ít xe thì đóng theo buổi, nhà nào nhiều xe thì đóng theo quý, theo năm. Như nhà tôi mỗi năm phải đóng 100 triệu đồng/năm tiền vào bãi”, một tiểu thương bức xúc cho biết.
Một thứ tiền vô lý như vậy, nhưng suốt bao năm qua, nhiều tiểu thương phải cắn răng đóng. Bởi lẽ, với dân buôn bán, nhất là mặt hàng hoa quả thì không có chỗ đỗ xe để bốc hàng cũng đồng nghĩa với phá sản.
Để yên ổn làm ăn, nhiều tiểu thương dù bị o ép quá mức cũng không dám lên tiếng, hay kiện lên ban quản lý chợ, lên cơ quan chức năng. Họ cho biết, một phần vì sợ “đại ca” Hưng “kính, một phần vì nghe “ông trùm” này khoe khoang có quan hệ rộng với nhiều cơ quan chức năng.
Bình luận