Người ra sân thi đấu đầu tiên cho điền kinh Việt Nam trong buổi chiều 8/5 là Trần Thị Nhi Yến ở nội dung 200 mét nữ.
Cô về đích thứ hai với thành tích 23,54 giây. Dù chỉ giành huy chương bạc, đây vẫn là thành tích ấn tượng của Nhi Yến bởi nữ VĐV 18 tuổi chỉ mới chuyển sang ăn tập chuyên nghiệp từ năm 2022. SEA Games 32 là lần đầu tiên Nhi Yến tham dự đại hội.
Ở nội dung 200 mét nam, Ngần Ngọc Nghĩa cũng giành huy chương bạc. Như vậy, ở đường chạy 200m, điền kinh Việt Nam có thành tích tốt hơn SEA Games 31 (2 HCB so với chỉ 1 HCB cách đây 1 năm).
Ngần Ngọc Nghĩa thất vọng vì không thể đổi màu huy chương. Dù đương kim vô địch Puripol Boonson vấp ngã, Thái Lan vẫn còn một VĐV khác bứt lên giành HCV.
Ở nội dung ném lao, Nguyễn Hoài Văn giành được tấm huy chương bạc. Thành tích này kém hơn năm ngoái khi anh giành tấm HCV. Dù vậy, HCB SEA Games 32 cũng là thành công đối với Nguyễn Hoài Văn do anh vừa bình phục chấn thương chưa lâu. Ngoài ra, điều kiện gió to bất thường vào thời điểm diễn ra phần thi ảnh hưởng đến thành tích của VĐV này.
Từ nội dung 5.000 mét nữ, trời bắt đầu đổ mưa trên sân vận động Morodok Techo. Đây cũng là lúc niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tối 9/5 - Nguyễn Thị Oanh - xuất trận.
Ngoài Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Hồng Lệ cũng tham dự nội dung 5.000m. Ở SEA Games 31, 2 vận động viên này chia nhau 2 vị trí dẫn đầu.
Kết quả nội dung 5.000m nữ ở SEA Games 32 không có gì thay đổi so với đại hội trước. Nguyễn Thị Oanh lần thứ tư vô địch nội dung này.
Về đích thứ hai vẫn là Phạm Thị hồng Lệ.
Trời đổ mưa lớn khi các vận động viên nội dung 1.500 mét xuất phát. Lương Đức Phước (322) là đương kim vô địch.
Đường chạy trơn trợt và ẩn chứa nhiều rủi ro với các VĐV. Lương Đức Phước chỉ về đích thứ hai.
Trời ngớt mưa khi các VĐV bước vào chung kết 4x400 mét tiếp sức nam nữ. Đây là nội dung mà điền kinh Việt Nam kỳ vọng cao. Thành viên chạy đầu tiên là Trần Nhật Hoàng. Anh cẩn thận gạt từng vũng nước ở điểm xuất phát.
Nguyễn Thị Hằng nối tiếp. Năm nay, VĐV 27 tuổi là người được giao trọng trách thay thế Quách Thị Lan (không tham dự SEA Games 32, vừa bị cấm thi đấu 4 năm do sử dụng doping ở SEA Games 31).
Bước chạy xé gió của Nguyễn Thị Hằng tạo điều kiện cho Đình Sơn xuất phát nhanh và anh lập tức bỏ rất xa các đối thủ.
Người chốt hạ cho đội Việt Nam trên đường chạy này là Nguyễn Thị Huyền. Với đẳng cấp của nhà vô địch từng 6 lần giành huy chương vàng SEA Games, nữ VĐV sinh năm 1993 mang đến sự yên tâm cho khán giả Việt Nam theo dõi nội dung này.
Nguyễn Thị Hằng không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi cùng đồng đội giành HCV.
Bất chấp các đối thủ mạnh, sử dụng vận động viên nhập tịch, điền kinh Việt Nam vẫn biết cách giành vinh quang cho riêng mình.
Bình luận