Liên quan đến vụ việc tạm đình chỉ nhiều CSGT Hà Nội nghi nhận mãi lộ, ngày 14/3, trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, qua đoạn clip ghi lại hình ảnh nghi CSGT ở Hà Nội nhận tiền của người vi phạm để bỏ qua lỗi vi phạm giao thông cho thấy, đây là những hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Thơm phân tích, nếu có đủ căn cứ để chứng minh các CSGT trong đoạn clip có hành vi nhận tiền từ 2.000.000 đồng trở lên để bỏ qua không xử lý vi phạm thì những cảnh sát này có dấu hiệu phạm tội "nhận hối lộ" theo điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Video: Nghi vấn CSGT Hà Nội nhận mãi lộ (Báo Tiền Phong)
Còn đối với người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông có hành vi đưa tiền cho CSGT để bỏ qua lỗi vi phạm đã có dấu hiệu tội "đưa hối lộ" theo Điều 364 Bộ luật hình sự 2015.
Nếu có căn cứ xác định người vi phạm đưa hối lộ cho CSGT có trị giá từ 2.000.000 đồng thì sẽ bị xử lý về hình sự. Nếu việc đưa tiền có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì sẽ không cấu thành tội "đưa hối lộ".
Tuy nhiên, nếu người vi phạm do bị ép buộc đưa hối lộ với trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản dùng để đưa hối lộ trước đó.
Trường hợp, nếu người vi phạm không chủ động ra trình diện và khai báo trước khi bị phát giác thì dù đưa hối lộ trị giá dưới 2.000.000 đồng thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 3, Điều 20 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi “đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính”.
Như VTC News đưa tin, sáng 13/3, mạng xã hội lan truyền clip nghi CSGT có hành vi mãi lộ do nhóm phóng viên báo Tiền Phong ghi nhận tại một số chốt kiểm tra xử lý vi phạm.
Theo hình ảnh trong đoạn clip, nhiều người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy giống tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng cầm trên tay đưa trực tiếp hoặc nhét vào tập hồ sơ của CSGT.
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ xuất hiện trong clip cũng có hành động tiếp nhận các tờ giấy giống tiền bằng cách để yên cho người vi phạm nhét vào tập hồ sơ, nhận trực tiếp bằng tay hoặc rút các tờ này từ tập hồ sơ cất đi.
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT (PC67, Công an TP Hà Nội), đơn vị cử một lãnh đạo sang báo Tiền Phong xin toàn bộ tư liệu để nghiên cứu.
Đồng thời, Phòng CSGT thành lập một tổ công tác làm rõ những nội dung mà báo nêu và tạm đình chỉ các cán bộ chiến sĩ xuất hiện trong clip.
Trưởng phòng PC67 Hà Nội cho biết thêm, sự việc được báo cáo lên lãnh đạo Công an TP. Hà Nội.
“Chúng tôi làm việc trên tinh thần luôn tiếp thu, ghi nhận thông tin từ các cơ quan báo chí. Nếu xác định các cán bộ chiến sĩ vi phạm quy trình công tác, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của ngành”, Đại tá Thắng khẳng định.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 2 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 2 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bình luận