Đặc biệt, khi thời gian đã điểm vào mùa mưa bão, nỗi lo lắng, bất an thường trực của cư dân ở đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam càng nhân lên gấp bội.
Nghe đài báo bão là sẵn sàng cõng mẹ già sơ tán
Đó là tình cảnh đã vận vào hộ ông Võ Văn Hội (60 tuổi, trú số nhà 56/10 Lê Lợi, phường Minh An, TP Hội An) ngót cả chục năm qua. Trong ngôi nhà cổ rộng chừng 50m2 thuộc quần thể di tích, ông Hội sống cùng người mẹ già năm nay đã bước sang tuổi 93.
Ngôi nhà được dựng xây từ gần 200 năm trước và đến đời của ông Hội là thế hệ thứ 5 cư trú ở di tích cổ này.
Trong ngôi nhà cổ xuống cấp rộng chừng 50m2 thuộc quần thể di tích, ông Hội sống cùng người mẹ già năm nay đã bước sang tuổi 93.
Sau khi căng tấm bạt giăng ngay dưới một góc của mái ngói âm dương xuất hiện vết nứt lớn, ông Hội buông tiếng thở dài như lộ rõ sự bất lực. “Mấy hôm rồi trời thường xuyên trút mưa, nước mưa cứ thế thấm dột qua chỗ vết nứt rồi rơi lênh láng xuống nền nhà. Lấy thau hứng chỗ này thì lại lòi chỗ khác đổ dột. Giờ mái nhà cả bốn góc đều được giăng bạt. Khổ trăm bề” – ông Hội than vãn.
Cũng theo ông Hội, thực tế, ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của gia đình ông đã bộc lộ dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng khoảng chừng 10 năm trước. Ông Hội nhớ như in, sau mùa mưa bão 2013, một số trụ, đòn tay bằng gỗ trước hiên và cả trong nhà đã bị mối mọt đục mục ruỗng.
Đòn tay, trụ bằng gỗ của nhà ông Hội bị mối đục khoét.
Trước sự chống đỡ yếu ớt, bên đơn vị quản lý di tích trong khu phố cổ đã cử lực lượng phụ trách trùng tu đến nhà ông Hội để dùng gỗ mới gia cố các trụ cũng như đòn tay hư hỏng. Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm bợ, chứ chẳng thế nào xóa đi nỗi lo lắng thường trực trong tâm trí ông Hội và mẹ già.
Đặc biệt, vào mưa mưa bão, nỗi bất an của hai mẹ con ông Hội càng nhân lên gấp bội bởi ngôi nhà bị đặt trong tình trạng “báo động” với nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhắc đến đây, ông Hội giãi bày: “Mùa nắng, trời nóng nực còn chịu được, chứ mùa mưa bão thì chẳng thể nào yên tâm tránh trú trong gian nhà xuống cấp. Vậy nên khi nghe đài báo bão là tôi sẵn sàng tâm thế cõng mẹ đi sơ tán nhà người thân. Ròng rã chục năm qua, hầu như năm nào tôi và mẹ cũng khăn gói rời khỏi nhà để đi tránh bão”.
Ông Hội giăng bạt để hạn chế nước mưa rơi xuống nền nhà
Cùng hoàn cảnh với gia đình ông Hội, vào mùa mưa bão, nỗi phập phồng với viễn cảnh nhà cửa đổ sập cứ thế hiển hiện trong tâm trí khiến vợ chồng chị Lương Thị Huyền Trang (trú ngôi nhà số 76/18 Trần Phú, phường Minh An) “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Chị Trang chia sẻ, vợ chồng chị đã là đời thứ 4 thừa kế di tích này. Hiện tại, chị Trang cùng chồng sinh sống với 2 đứa con nhỏ trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi đang bộc lộ dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.
Ngoài những cây đòn tay bị mối mọt đục khoét, bốn bức tường của ngôi nhà cũng xuất hiện chi chít vết nứt. “Đối với các trụ gỗ mục ruỗng, chính quyền thành phố đã hỗ trợ gia đình thực hiện việc chống đỡ từ năm 2012. Còn các đòn tay ốp sát mái nhà, theo thời gian cứ bị mối đục trông rất khủng khiếp.
3 năm trước, để hạn chế mối mọt, bên đơn vị quản lý di tích có cử người đến đặt hàng chục trạm nhử mối. Tuy nhiên, chứng kiến ngôi nhà tránh nắng che mưa của gia đình rệu rã từng ngày, vợ chồng tôi cùng các con rất đỗi bất an. Hy vọng, chính quyền thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí để gia đình có điều kiện trùng tu ngôi nhà tổ tiên bao đời truyền lại” – chị Trang bộc bạch và bày tỏ thêm, một khi nhà cửa được trùng tu đảm bảo an toàn, cả gia đình sẽ chấm dứt tình cảnh dắt díu nhau đi sơ tán khi bão đổ bộ vào đất liền.
Trạm nhử mối được đặt khắp nơi trong ngôi nhà xuống cấp của vợ chồng chị Trang.
Ngoài trường hợp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận sống bất an trong di tích rệu rã như hộ ông Hội, chị Trang thì có những di tích ở phố cổ Hội An mà chủ nhân không dám cư trú.
Đơn cử như nhà cổ số 34 Bạch Đằng. Hơn 10 năm qua, bà con chòm xóm không thấy bất kỳ ai cư ngụ trong ngôi nhà. Quanh năm suốt tháng, căn nhà rơi vào trạng thái đóng cửa im lìm và bỏ không vì sự xuống cấp trầm trọng.
Cứu nguy các di tích xuống cấp nghiêm trọng
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho hay, theo chủ trương phòng, chống lụt bão cho các di tích trong khu phố cổ năm 2024, vừa qua, trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản tiến hành rà soát di tích xuống cấp trong khu phố cổ.
Trên cơ sở đó, trung tâm đánh giá tình trạng xuống cấp của từng di tích, đề xuất các giải pháp chằng chống hoặc di dời, hạ giải để đảm bảo an toàn.
Qua khảo sát, trong tổng số hơn 1.000 di tích thuộc diện nhà ở thì có 36 di tích đã xuống cấp.
Qua khảo sát, trong tổng số hơn 1.000 di tích thuộc diện nhà ở thì có 36 di tích đã xuống cấp. Cụ thể, 10 nhà xuống cấp nghiêm trọng, 17 nhà xuống cấp nặng, 9 nhà xuống cấp nhẹ.
Đối với 10 di tích không hạ giải gồm: 12/11 Bạch Đằng; 7/2 Nguyễn Huệ; 71/4, 98 Phan Châu Trinh; 23 Tiểu La; 26 Trần Quý Cáp; 35, 50/9, 76/18 Trần Phú; 56/10 Lê Lợi, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng chính quyền địa phương cần liên hệ với chủ di tích, đề nghị không ở bên trong di tích khi có bão, lụt xảy ra.
Nhiều di tích thuộc diện nhà ở tại Hội An đang “kêu cứu”.
Theo ông Phạm Phú Ngọc, thành phố luôn tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ di tích thực hiện việc tu bổ theo đúng quy định. Đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ, thuộc sở hữu tập thể, không có người đại diện về pháp lý, trung tâm đã tham mưu TP Hội An trình UBND tỉnh Quảng Nam xin chủ trương hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ để kịp thời cứu di tích.
"Trong lúc chờ ý kiến trả lời từ tỉnh, mới đây, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND TP Hội An cân đối ngân sách để thực hiện tu bổ, cứu nguy các di tích xuống cấp nghiêm trọng theo thẩm quyền, xem xét cơ chế hỗ trợ đặc biệt (hỗ trợ 100%) trong thời gian sớm nhất", ông Ngọc nói và thông tin thêm, những nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân, ngoài việc được hỗ trợ kinh phí trùng tu (tỷ lệ 40-70%), nếu chủ nhà gặp khó khăn không đủ kinh phí đối ứng, Nhà nước sẽ cho vay. Phương thức cho vay cụ thể: 3 năm đầu tiên vay không lãi suất, sau đó chủ nhà từ từ hoàn trả.
Bình luận