Nguồn gốc và lịch sử ra đời ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Nói đến nguồn gốc ra đời ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, phải quay về những năm 20 của thế kỷ trước. Thời gian này, nhiều tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của phụ nữ.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Theo đó, Đảng sớm nhận rõ vai trò quan trọng của lực lượng phụ nữ trong công cuộc giải phóng đất nước.
Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định chọn ngày này hàng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là Ngày Phụ nữ Việt Nam
Ý nghĩa của ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Ngày 20/10/1930 là ngày mà lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một tổ chức riêng dành cho phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng.
Đây cũng là ngày mà lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước.
Trong công cuộc giải phóng đất nước, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cống hiến cho đất nước những người chồng, người con xuất sắc. Họ còn là những chiến sỹ kiên cường, anh dũng trên tiền tuyến.
Trong thời bình, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Như lời Bác Hồ từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hàng năm là ngày đất nước, xã hội, những người chồng, người con ghi nhận những đóng góp to lớn của các bà, các mẹ, các cô, các chị, các em, những người xứng đáng với 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Bình luận