Những ngày này, khu tưởng niệm 14 sĩ quan, phi công Triều Tiên đã hy sinh thân mình để bảo vệ bầu trời Việt Nam tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đông người đến viếng thăm hơn thường lệ.
Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ rộng gần 1 hécta, xung quanh cây cối phủ bóng xanh mát, khu tưởng niệm rộng khoảng 300m2. Trước đây, khu vực này từng là nghĩa trang, nơi an nghỉ của 14 phi công, sỹ quan Triều Tiên ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc của Việt Nam.
Một buổi sáng gần rằm tháng Giêng, người thương binh già bước những bước đi tập tễnh, mở cánh cổng khu tưởng niệm, lặng lẽ quét dọn, nhặt từng nhành cây, chiếc lá vương trên bia tưởng niệm của các chiến sĩ.
Đó là công việc thường xuyên mà ông Dương Văn Dậu (SN 1945, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang), người cựu binh già tình nguyện thực hiện suốt 20 năm mà chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ chế độ đãi ngộ nào.
Ngồi lau lại từng nét chữ khắc tên các liệt sĩ trên bia tưởng niệm, ông Dậu kể lại, năm 1965, sau những chiến tích vang dội của không quân Việt Nam khi chống lại sự tấn công của địch. Với quan hệ thân thiết giữa Việt Nam - Triều Tiên lúc đó, Triều Tiên đã quyết định cử phi công và sĩ quan sang Việt Nam để học tập và tham gia chiến đấu.
Trong 3 năm, từ năm 1965 đến năm 1968, đã có 14 quân nhân, sĩ quan Triều Tiên ngã xuống khi bảo về bầu trời Hà Nội và các tỉnh lân cận. 12 người trong số đó hy sinh năm 1967, 1 người hy sinh năm 1965 và 1 người năm 1968.
“Lúc đó, trong điều kiện chiến tranh, Triều Tiên đã đề nghị chôn cất các sĩ quan, chiến sĩ hy sinh tại Việt Nam và lựa chọn mảnh đất ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang làm nơi an nghỉ các liệt sĩ.
Và từ năm 1967, nơi đây trở thành nghĩa trang ghi nhớ công lao của các liệt sĩ Triều Tiên hy sinh vì Việt Nam”, ông Dậu kể.
Vị thương binh già cũng cho biết, bản thân ông cũng được nghe kể như vậy bởi lúc đó, ông đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam.
“Là một người lính, một thương binh, tôi nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với các liệt sĩ. Đây là đồng đội của tôi, mà đã là đồng đội thì là người Triều Tiên cũng như người Việt Nam.
Họ đã hy sinh xương máu mà không tiếc, thì mình có gì để mà phải tiếc nữa, mà không trông nom, không gìn giữ”, ông Dậu bày tỏ khi được hỏi về động lực đã thôi thúc ông làm công việc này suốt 20 năm qua.
Kể về những năm tháng chiến đấu thời trai trẻ, ông Dậu cho biết, ông nhập ngũ năm 1966 tại sư đoàn 312. Đến năm 1967, ông được điều vào miền Nam, bổ sung cho đơn vị đặc công cơ giới của miền, bảo về Bộ Chỉ huy miền.
Năm 1968, ông không may bị thương ở chiến trường Tây Ninh khi đánh đồn Kà Tum và phải về dưỡng thương. Đến cuối năm 1970, ông ra Bắc. Tháng 6/1971, ông phục viên và là thương binh hạng 4/4.
Sau khi trở về địa phương, ông Dậu công tác tại xã Tân Dĩnh và được giao đảm trách mảng thương binh xã hội.
“Trước đây, khi tôi còn công tác, khu tưởng niệm khi ấy còn là nghĩa trang và được một bà cụ trong thôn trông nom, chăm sóc. Hồi đó cũng có chế độ nhang khói cho khu nghĩa trang nhưng cũng không đáng kể.
Vì đảm trách mảng thương binh xã hội của xã nên tôi cũng thường xuyên qua khu nghĩa trang, bà cụ rất yêu quý và nhận tôi là con đỡ đầu. Chính vì vậy, sau này khi sức khỏe của bà cụ yếu, không trong coi được nữa, tôi lại càng coi việc trông nom nghĩa trang như bổn phận của mình” ông Dậu nói.
Hơn 20 năm trông coi khu tưởng niệm, ông Dậu cho biết giai đoạn trước năm 2002, mỗi dịp 25/4 hàng năm, đại sứ quán Triều Tiên đều về đây hương khói. Thi thoảng cũng có thân nhân của các liệt sĩ sang thăm, nhưng vì khoảng cách xa xôi nên không phải năm nào cũng có.
Bên phía Việt Nam, các ngày kỷ niệm như 27/7, ngày 25/4 hay các dịp lễ, Tết, các đoàn thể của xã Tân Dĩnh, cũng như của huyện Lạng Giang đều vào đây để thắp hương.
"Đến năm 2002, Triều Tiên tổ chức cất bốc hài cốt các liệt sĩ về nước. Khi ấy đã có 1 tiểu đoàn công binh của ta về đây tổ chức bảo vệ và cất bốc. Sau đó hài cốt các liệt sĩ được chuyển giao và đưa về Hà Nội trước khi chuyển về an táng tại Triều Tiên.
Năm đó có Phó Thủ tướng của Triều Tiên sang, họ cũng bày tỏ sự cảm ơn với chúng ta khi chăm lo tốt cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ", ông Dậu nói.
Sau đó tỉnh Bắc Giang đầu tư, tôn tạo khu vực này thành khu tưởng niệm các liệt sĩ quân đội Triều Tiên. Cũng từ đó, các đoàn thể đến thăm viếng thưa hơn, đặc biệt là các đoàn Triều Tiên gần như không còn nữa. Riêng ông Dậu vẫn đều đặn tháng đôi lần lui tới thắp hương và thường xuyên quét dọn.
“Dù giờ chỉ còn những tấm bia tưởng niệm nhưng đây vẫn là nơi có ý nghĩa rất lớn, là nơi tưởng nhớ công lao của những người nước ngoài, hy sinh xương máu vì mảnh đất Việt Nam và chúng ta phải luôn phải trân trọng điều đó, phải gìn giữ cho thế hệ mai sau ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tôi sẽ trông nom, chăm sóc nơi đây đến khi còn có thể”, ông Dậu chia sẻ.
Ông Đào Văn Dự - Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết, sau khi các chiến sĩ quân đội Triều Tiên sang học tập, công tác đã chiến đấu cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã có tổng số có 14 chiến sĩ hy sinh và nằm lại đây.
Nghĩa trang liệt sĩ Triều Tiên tồn tại trên mảnh đất Tân Dĩnh này đến năm 2002. Sau đó, Bộ Ngoại giao, Đại Sứ quán Triều Tiên đã phối hợp với Việt Nam di chuyển các mộ liệt sĩ về nước bạn.
Sau năm 2002, nghĩa trang đã không còn chế độ trông nom bảo quản nhưng với tinh thần hữu nghị, với tinh thần người Việt Nam, tấm lòng người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Dương Văn Dậu vẫn tiếp tục chăm sóc để khu tưởng niệm luôn sạch sẽ.
Lãnh đạo UBND xã Tân Dĩnh cũng cho biết trong thời gian tới sẽ đề nghị Nhà nước duy tu, bảo tồn chiến tích này để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Triều Tiên.
Bình luận