Liên quan đến tình huống pháp lý trên, Báo Điện tử VOV đã liên hệ tới Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), và nhận được lời tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 thì: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Người có tài sản có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người khác thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người có tài sản đột ngột qua đời mà không để lại di chúc, người thân cũng không biết người đã mất của mình có những tài sản gì để lại.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ quan, tổ chức hay công cụ nào để lưu trữ thông tin hay tra cứu được toàn bộ tài sản của một người. Do vậy, nếu trong trường hợp một người qua đời đột ngột, người thân của họ cần tìm kiếm thông tin, kiểm tra những di vật mà họ để lại như điện thoại, nhật ký hoặc những giấy tờ như: sổ bảo hiểm, hợp đồng, giấy tờ nhà đất, số tiết kiệm,…. để nắm bắt những thông tin liên quan đến tài sản của người chết.
Từ những thông tin này có thể liên hệ với cơ quan, tổ chức có liên quan để xác minh về tài sản của người chết theo từng loại tài sản.
Ví dụ: Đối với sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, những người thừa kế cần mang theo giấy chứng tử của người chết và giấy tờ tùy thân chứng minh có quan hệ thừa kế trực tiếp đến các ngân hàng yêu cầu xác minh xem người đó có tiền gửi ở ngân hàng đó không.
Việc này có thể mất rất nhiều thời gian, công sức, tuy nhiên đây gần như là cách duy nhất để xác minh tài sản gửi tại ngân hàng nếu không có các giấy tờ, thông tin người mất để lại.
Sau khi xác minh được có tài sản đang gửi giữ tại ngân hàng, các đồng thừa kế mới có thể thực hiện thủ tục phân chia di sản thửa kế theo quy định của pháp luật./.
CTV Vững Nguyễn/VOV.VN