Người dân tất bật đưa đào về 'hồ sinh' sau Tết.
Cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, người trồng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật thu cây cho thuê để trồng và chăm sóc kịp thời gian nở hoa cho vụ Tết năm sau. Nhịp độ công việc tại đây, không khác gì những ngày cận Tết, đường làng nườm nượp xe vận chuyển đào về vườn.
Chia sẻ của các nhà vườn, việc hồi sinh cho những gốc đào rất mất thời gian và nhiều công đoạn. Sau khi lấy đào về, các nhà vườn phải thay đất, tỉa rễ, bỏ phân, tưới nước, giữ ẩm... sau đó, ngắt hoa, tỉa cành để đào phục hồi sau thời gian “căng sức” toả sắc chưng Tết.
Anh Nguyễn Mạnh Cường (46 tuổi, người trồng đào Nhật Tân) cho biết, trước đây nhiều người bán đào, nhưng giờ đây, hầu như mọi người trong làng chỉ cho thuê. Lý do một phần vì những gốc đào to rất quý, có gốc tuổi đời lên đến hàng chục năm nên giá rất cao, ít có người dám bỏ tiền ra mua chơi Tết. Bên cạnh đó, cũng không thể tìm được những gốc đào cổ thụ lâu năm như vậy nên những người trồng đào chỉ cho thuê và giữ gìn, chăm sóc cẩn thận.
Theo anh Cường, năm nay việc thu hồi những gốc đào sau Tết mất nhiều thời gian hơn vì nhân công vào vụ khan hiếm. Khi đưa đào về đến vườn, trước tiên anh phải tỉa những cành hỏng, hoa và những quả non nhằm cho cây không bị suy yếu. "Công đoạn cắt tỉa cành lá cho cây đào là bước rất quan trọng, không lãng phí chất dinh dưỡng nuôi cây, giúp cây có cành mới mập mạp hơn, nhiều chồi lộc và nhiều hoa hơn. Với các cây một thân, một tán cần cắt bỏ hết các cành trên cây, chỉ để lại phần gốc cành dài cách thân chính 5 - 7 cm", anh Cường chia sẻ.
Chủ vườn đào này cũng cho biết, vì số lượng gốc đào nhà nhiều, phải đào các rãnh nhỏ dẫn nước vào trong và sử dụng vòi dài để tưới. Ngoài ra, để phần đất mới có đủ chất dinh dưỡng thì vườn nhà anh phải gieo rắc phân bón thủ công cho từng cây một. Hàng ngày cắt tỉa các cành già héo để mầm mới mọc ra.
Người dân đang tất bật cắt tỉa những cành, hoa và quả non để dồn sức cho cây phục hồi sau khi bỏ ra chậu đưa xuống vườn.
Cây được trồng xuống đất, chủ vườn phải tưới nước và theo dõi cây hằng ngày để kịp thời xử lý những tình huống xấu như cây chết, thối dễ…
Chủ vườn Chiến Cúc cho biết, việc kích rễ cho những gốc đào lâu năm khó hơn nhiều so với trồng một cây đào mới, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm. Khi mới được trồng lại phải luôn giữ gốc đào thật sạch, tránh để cỏ và lá cây lưu lại phần gốc.
Theo chủ vườn Chiến Cúc, nhiều năm gần đây bên cạnh việc trồng đào theo lối truyền thống để cắt cành bán dịp Tết, người trồng đào ở đây đã tự biết nâng giá trị của cây đào, không chỉ phục vụ nhu cầu người chơi mà còn tăng thêm nguồn lợi cho nhà vườn. “Để có được những gốc đào lớn cho khả năng sinh trưởng cao, chúng tôi còn chủ động tìm mua nhiều gốc đào rừng từ các tỉnh thành vùng núi phía Bắc như: Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn...để ghép cành”, chủ vườn nói.
Các cây đào sau khi thu hồi về vườn được rắc vôi bột để hãm tốc độ phát triển thời gian đầu, đảm bảo cây phát triển tốt vào năm sau.
Những gốc đào tại Nhật Tân đang bước vào quá trình "hồi sinh" chờ phục vụ cho Tết năm sau.
Bình luận