Video: Tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội trong ngày đầu thông xe
Sáng 1/2, Sở GTVT TP Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ (Đường cho xe đạp và người đi bộ đi chung).
“Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để những tuyến đủ điều kiện sẽ tiếp tục tổ chức làn ưu tiên cho xe đạp”, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Theo đơn vị điều chỉnh tổ chức giao thông, phần đường này từ đường cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ. Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều với chiều rộng 3 m, bố trí phía dọc ven sông Tô Lịch. Đường đi bộ rộng 1 m bố trí phía đường Láng.
Dọc tuyến đường dài khoảng 2,7 km, đơn vị bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng chờ xe buýt; một trạm xe đạp tại ga S8 của đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, còn lại tại ga Láng của metro Cát Linh - Hà Đông đã có một trạm.
Xe đạp trên tuyến này được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao.
Ghi nhận của PV, sáng 1/2, tuyến đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch đã được dọn dẹp sạch sẽ từ vỉa hè, lề đường cho tới lòng đường. Tất cả các biển báo, vạch chỉ dẫn đều được lắp đặt đầy đủ. Cũng trong sáng nay, rất đông người dân đi bộ, đi xe đạp tập thể dục...
Ông Nguyễn Xuân Trào (70 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tuyến đường này trước đây dành cho người đi bộ nhưng không khai thác tối đa công dụng. Việc bổ sung thêm làn đường dành cho xe đạp là hoàn toàn phù hợp, tạo điều kiện kết nối thuận lợi cho người dân thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng để đi lại. "Tôi rất vui mừng khi có đường dành riêng cho xe đạp vì an toàn khi di chuyển. Ngoài ra, tôi và nhiều người dân cũng mong muốn, Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức thêm nhiều tuyến đường dành riêng cho xe đạp để việc di chuyển của những người đi bộ, đi xe đạp và phương tiện công cộng được thuận tiện", ông Trào cho hay.
Cũng theo ý kiến ông Trào, nên tháo những cây cột barie, thay vào đó để lắp đặt camera phạt nguội đối với xe máy đi vào đường dành cho xe đạp. "Đối với thanh niên có thể dễ dàng vác xe đạp qua khỏi những cây cột barie, nhưng đối với người lớn tuổi thì việc vác xe qua là rất khó khăn", ông Trào chia sẻ.
Tuyến đường dành riêng cho xe đạp không chỉ tạo nên nét đẹp về mỹ quan đô thị mà còn giúp người dân di chuyển thuận tiện, an toàn hơn và tránh được ùn tắc giao thông với khoảng thời gian 20 phút, nhanh hơn 10 phút so với trước kia đi từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở.
Bình luận