Cận kề những ngày Tết, tại các nghĩa trang lại nhộn nhịp người dân đến để thắp hương, dọn dẹp phần mộ người thân, cũng như mời người thân đã khuất về ăn Tết.
Theo ghi nhận của PV, tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (ở Hòa Bình), các gia đình đi tảo mộ rất đông trong những ngày cuối năm. Họ đều chung một cảm xúc tưởng nhớ về người quá cố, thắp nén nhang để mời người đã mất về tư gia đón Tết. Tại đây, các phần mộ được sửa soạn, dọn dẹp sạch sẽ.
Tục lệ tảo mộ ngày Tết là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Phong tục này thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên.
Đây cũng là dịp tạo nên sự đoàn kết, sum vầy trong gia đình, dòng tộc, nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Mai (66 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, những ngày cuối năm bà lên thăm, dọn dẹp phần mộ, bày bình hoa và thắp nén hương cho chồng. Bà Mai cho biết, sau khi chồng mất do bệnh hiểm nghèo, gia đình bà đưa linh cữu về nghĩa trang Lạc Hồng Viên an táng.
“Mỗi lần lên thăm mộ chồng vào thứ Bảy hàng tuần, tôi chỉ mang đúng 2 thứ lên là hoa và nhật ký viết hằng ngày. Tôi bắt đầu viết nhật ký từ khi chồng bị hôn mê nằm viện để sau khi chồng tôi tỉnh sẽ đọc và hiểu được tâm trạng của tôi. Nhưng khi ông ấy không còn nữa, tôi vẫn giữ thói quen này vì muốn gửi gắm cho chồng tôi những cảm xúc, nỗi niềm của bản thân”, bà Mai nói.
Theo bà Mai, mỗi lần lên nghĩa trang, bà thường photo một vài trang nhật ký đặt trước phần mộ để thắp hương, rồi đọc cho chồng nghe, sau đó đem hóa những trang này.
Những đứa trẻ theo gia đình đến nghĩa trang để tảo mộ.
Gia đình ông Đỗ Duy Đức (ngụ TP.HCM) vượt hơn 1.000 km đến nghĩa trang Lạc Hồng Viên, thắp hương, mời những người thân đã khuất về ăn Tết cùng gia đình. "Năm nào tôi cũng giữ thói quen tảo mộ dịp cuối năm. Đây cũng thể hiện hiện lòng biết ơn về tổ tiên", ông Đức cho hay.
Bình luận