Sau khi nhận được thông báo chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023, sáng nay (1/11), chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức diễu hành để lan tỏa niềm vui cũng như thể hiện sự đồng lòng, ủng hộ của người dân đối với việc trở thành thành viên của mạng lưới.
Đoàn diễu hành gồm các nghệ nhân thủ công, các nghệ sĩ trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, các em học sinh sinh viên, du khách, lực lượng thanh niên, phụ nữ và đại biểu các ban, ngành, đoàn thể địa phương trên toàn địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, việc trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian là dấu son, bước ngoặt trong chặng đường mới của thành phố. “Toàn thể nhân dân TP Hội An cảm thấy vinh dự, tự hào và hạnh phúc với thành phố thân yêu của mình. Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, đồng thời là sự sự cam kết về chặng đường mới phải hành động”, ông Lanh nói.
Tham gia đoàn diễu hành, anh Huỳnh Phương Đỏ - nghệ dân chế tác các sản phẩm thủ công làm từ gốc tre có tiếng ở phố cổ Hội An - chia sẻ: "Chúng tôi rất đỗi tự hào khi Hội An trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023. Những nghệ nhân thủ công như tôi sẽ cố gắng sản xuất ra nhiều tác phẩm đẹp, góp phần quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế”.
Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi như: Nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Theo thống kê, TP Hội An hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
Nữ thợ thủ công nở nụ cười rạng rỡ, ôm bức tượng làm bằng gốc tre, hòa mình vào đoàn diễu hành.
Nghệ nhân làm mộc lấy làm tự hào vì đã góp một phần công sức vào thành quả Hội An trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Đoàn diễu hành dạo quanh các cung đường trong khu phố cổ.
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục các hoạt động bảo tồn, phát huy lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An sẽ phải thực hiện các sáng kiến đã cam kết có thể kể đến như: Dự án Mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo, Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, Sáng tạo Hội An trong Không gian Kỹ thuật số và các sáng kiến mang tính quốc tế như: Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế, Lễ hội đèn lồng quốc tế, Ngôi nhà sáng tạo Hội An. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo trên các lĩnh vực khác; kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên khác trong và ngoài mạng lưới; tăng cường các hoạt động nhằm mở rộng mạng lưới...
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Tính đến tháng 10/2022, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 59 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Năm 2023, qua quá trình thẩm định hết sức chặt chẽ của Ban thư ký cùng các thành phố thành viên về hồ sơ và các hoạt động thực tiễn của Hội An, Ban thư ký Mạng lưới thành phố sáng tạo đã công bố Hội An chính thức là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bình luận