Tin nóng

Nghề đòi hỏi thần kinh thép

Thứ Ba, 13/02/2024 18:00:00 +07:00

(VTC News) - "Không có đam mê thì không thể làm khám nghiệm hiện trường", Thượng tá Lê Viết Việt, Trưởng phòng Khám nghiệm hiện trường, Viện Khoa học hình sự, khẳng định.

Để chủ động đấu tranh với các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lực lượng kỹ thuật làm công tác khám nghiệm hiện trường cần chủ động, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, nâng cao nghiệp vụ nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó.

Nghề đòi hỏi thần kinh thép  - 1

 

Gần 20 năm công tác, Thượng tá Lê Viết Việt không đếm nổi số vụ tham gia khám nghiệm hiện trường. Nhiều vụ án đã qua hơn chục năm, nhưng ông không thể quên, như vụ L.V.L. gây thảm án ở Bắc Giang, vụ án "cậu Thủy" làm giả hài cốt liệt sĩ...

Nghề đòi hỏi thần kinh thép  - 2

 

"Vụ án gây dấu ấn sâu sắc nhất với tôi là vụ đối tượng L.V.L. gây án bởi phát hiện được rất nhiều loại dấu vết. Từ dấu vết này chúng tôi dựng lên tình tiết nghi phạm đi hướng nào, dừng lại ở đâu...", Thượng tá Lê Viết Việt nhớ lại.

Theo Thượng tá Việt, khi khám nghiệm, ông vẽ lại sơ đồ dấu vết, điều này sẽ chứng minh diễn biến khách quan của vụ việc, có khớp với lời khai của đối tượng sau này hay không.

Đáng chú ý, mặc dù hiện trường rất nhiều dấu vết của các nạn nhân, nhưng từ dấu vết của đối tượng để lại, lực lượng chức năng có thể suy luận đối tượng bị thương ở đâu.

"Với vết thương này, hung thủ bắt buộc phải khâu. Lúc đó rất đông trinh sát của 8 tỉnh, thành được huy động truy tìm nghi phạm, nhưng phát hiện hắn bị thương thì phạm vi điều tra được thu hẹp rất nhiều. Vụ án nhờ đó mà phá được rất nhanh", Thượng tá Việt kể.

Thượng tá Lê Viết Việt cho biết, Viện Khoa học hình sự thường làm những vụ án rất khó, sau khi Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh, thành không thể làm được. Thượng tá Việt và đồng nghiệp phải trong vai nhà khoa học, với các góc nhìn khác nhau mới giải quyết được bài toán khám nghiệm.

Thông thường, khi khám nghiệm hiện trường, tùy tính chất vụ việc như những vụ liên quan súng đạn thì có thêm giám định viên súng đạn, nếu thiếu nhân sự thì cán bộ khám nghiệm hiện trường phải làm hết.

Đối với Phòng Khám nghiệm hiện trường thuộc Viện Khoa học hình sự, ngoài nghiệp vụ chuyên sâu, cán bộ phải tập huấn tất cả các lĩnh vực.

Lực lượng kỹ thuật hình sự khi tham gia khám nghiệm hiện trường còn phải sử dụng lượng tri thức khoa học rất lớn, bởi tội phạm cũng có kiến thức về khoa học để đối phó với cơ quan điều tra, chủ động xóa dấu vết gây án.

Nghề đòi hỏi thần kinh thép  - 3

 

"Cách đây khoảng 10 năm, có đối tượng khi bị bắt vẫn không hiểu tại sao bị bắt vì hắn đã phòng ngừa mọi thứ, không để lại vân tay. Khi ra tay giết người, đối tượng dùng thủ đoạn đánh vừa đủ để nạn nhân chết rồi làm giả hiện trường", Thượng tá Việt chia sẻ.

Thời điểm đó, nạn nhân bị rơi xuống vực, hộp sọ bị vỡ. Những người làm công tác khám nghiệm, bác sĩ pháp y phải lắp lại toàn bộ xương hộp sọ để biết nạn nhân chết trước khi vỡ hộp sọ hay chết sau khi rơi.

Việc khám nghiệm kỹ cho kết quả nạn nhân chết bằng vật tày, sau đó mới rơi xuống vực và bị vỡ hộp sọ. Manh mối phương thức, thủ đoạn của đối tượng được hé mở, hung khí gây án cũng được tìm cách bãi rác 300m.

Nghề đòi hỏi thần kinh thép  - 4

 

Do đặc thù nghề nghiệp, theo Thượng tá Việt, sức khỏe và tâm lý những người làm công tác khám nghiệm hiện trường chắc chắn bị ảnh hưởng, không thể tránh được.

"Có người làm lâu năm tiếp xúc với các mẫu phân hủy để tìm xem mẫu đó là của nạn nhân hay của hung thủ. Vừa mùi, vừa hình ảnh nhiều người bị sốc, đấy là làm cán bộ lâu năm rồi chứ không nói đến cán bộ trẻ. Xong việc, dù thay trang phục, tắm rửa nhiều lần vẫn không hết ám ảnh", Thượng tá Việt cho hay.

Cán bộ khám nghiệm thường phải dùng phản ứng hóa học để phát hiện dấu vết ở hiện trường mà mắt thường không thể nhìn thấy. Vì vậy, họ phải đối mặt với hóa chất độc hại, thậm chí có loại hóa chất có thể gây ung thư.

Với nạn nhân bị bệnh truyền nhiễm, đồng nghĩa với việc cán bộ khám nghiệm hiện trường sẽ có khả năng phơi nhiễm, dù họ trang bị đầy đủ đồ bảo hộ. "Thời điểm dịch COVID-19, dù đeo khẩu trang N95 chúng tôi vẫn có thể bị lây nhiễm từ nạn nhân", Thượng tá Lê Viết Việt cho hay.

Nghề đòi hỏi thần kinh thép  - 5

 

Thượng tá Việt còn suýt bị lây nhiễm "căn bệnh thế kỷ" trong một lần phân tích mẫu máu của đối tượng nhiễm HIV đã chết. "Khi mở nắp mẫu máu, không may tôi bị mũi kim tiêm văng rách tay, mặc dù đã đeo 2 lớp găng tay. Đọc hồ sơ mới biết người chết có HIV, tôi nghĩ 'khả năng xong rồi'. Đây là tai nạn, mặc dù tôi biết và đã đề phòng", Thượng tá Việt nhớ lại.

Cho đến khi có kết quả âm tính, ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Để giảm độc hại và hạn chế tối đa lây nhiễm, cán bộ vào hiện trường khám nghiệm phải mặc đồ bảo hộ như phòng dịch, luôn đeo khẩu trang, găng tay... nguyên tắc không được để bất cứ thứ gì trong người rơi ra.

Công tác khám nghiệm hiện trường luôn luôn đòi hỏi làm việc theo nhóm nhằm giảm thiểu sai sót. "Chỉ cần một cái chớp mắt là bỏ lọt tội phạm", Thượng tá Việt lấy ví dụ, khi phân tích hình ảnh camera, chỉ cần chớp mắt có thể bỏ qua mất tình tiết quan trọng, dẫn đến đi "săn" nhầm đối tượng. Chính vì vậy, cần ít nhất 2 người đồng thời quan sát, một người nhìn, một người kiểm tra.

Trước khi bắt tay vào khám nghiệm, giám định viên phải tranh thủ ăn thật no bởi không thể xác định khi nào mới kết thúc việc khám nghiệm hiện trường.

Thượng tá Việt kể, anh em làm công tác khám nghiệm hiện trường thường xuyên phải làm khám nghiệm thâu đêm suốt sáng, không quản thời gian để phát hiện, thu dấu vết nhanh nhất đảm bảo bảo tồn dấu vết, tìm dấu vết truy nguyên nóng đối tượng. Mọi người đều có tâm lý phải khám nghiệm xong mới nghỉ ngơi.

Hơn nữa, kết thúc công việc, hầu như không ai có tâm trạng để ăn uống ngon miệng.

Thượng tá Việt cho hay, ông và đồng nghiệp đã quen với việc ăn uống thất thường, nhận lệnh đột xuất không kể ngày đêm. "Tội phạm có chờ mình đâu, khi cơ quan điều tra yêu cầu hỗ trợ khám nghiệm hiện trường ngay lập tức anh em phải lên đường bất kể giờ giấc. Gần như lực lượng làm công tác khám nghiệm hiện trường không có khái niệm ngày nghỉ, giờ nghỉ. Bản thân tôi vài lần đang ngồi ăn uống nhưng nhận được lệnh lên đường thì phải đi thật nhanh", Thượng tá Việt nói.

Một lần đang ăn trưa ở Hà Nội thì nhận tin báo có vụ án phức tạp ở Lai Châu, Thượng tá Việt yêu cầu bảo vệ nguyên hiện trường, che chắn để không bị nước mưa tác động. Sau đó, ông gấp rút lên Lai Châu để kịp khám nghiệm, nếu không dấu vết sẽ bị phân huỷ theo thời gian.

Nghề đòi hỏi thần kinh thép  - 6

 

"Vụ đối tượng Doãn Trung Dũng sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh, khi thu được mẫu gen, đích thân Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo chúng tôi lấy xe đặc chủng của CSGT, chạy hết tốc lực đua với thời gian mang mẫu về phòng thí nghiệm ở Hà Nội để phân tích. Hình dung dễ hiểu là sau mỗi một tiếng thì phát triển một thế hệ vi khuẩn, nên chúng tôi phải tìm ra cách bảo quản được mẫu vật trong thời gian vàng", Thượng tá Việt lý giải.

Công việc đòi hỏi phải có thể lực, "thần kinh thép" tưởng chừng không dành cho phụ nữ, nhưng có những nơi, cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường lại là cán bộ nữ. Cấp địa phương nhiều vụ việc nhưng quân số cán bộ khám nghiệm lại ít, nên dù là phụ nữ, họ không có cơ hội được ưu tiên làm những việc nhẹ nhàng hơn.

Chính vì vậy, theo Thượng tá Việt, để cán bộ thực hiện công tác khám hiện trường đầu tiên phải thực sự đam mê, không có đam mê thì không thể làm được, bởi nghề này quá áp lực, độc hại. Cán bộ có đam mê thì mới tư duy trăn trở dấu vết đó như thế nào.

"Ví dụ như cán bộ Phòng tôi khi vào hiện trường, bạn ấy hình dung ra đối tượng ra đường nào, vào đường nào, ném hung khí ở đâu. Khi cơ quan điều tra còn đang triển khai phương án, bạn ấy đã xắn quần lội xuống mương nước mò hung khí lên.

Những người làm khoa học khi khám nghiệm hiện trường hết sức tỉ mỉ thì mới có thể khai thác tối đa những dấu vết. Nếu như không tâm huyết, không chịu được ô nhiễm, không chịu áp lực thì sẽ không làm được", Thượng tá Lê Viết Việt nhấn mạnh.

Minh Tuệ (Ảnh: Đắc Huy - Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn