“Đối với tôi, Việt Nam là sự trưởng thành”, bà Annet Ramos – nữ bác sĩ nhi người Cuba chia sẻ với chúng tôi sau buổi trực bận rộn. Trong ngày gặp gỡ, nữ bác sĩ Cuba luôn thường trực hình ảnh khoác áo blouse trắng, một tay cầm bệnh án, một tay cầm khăn (đôi khi là tay không) lau mồ hôi, bước chân thoăn thoắt trong phòng cấp cứu nóng nực, ân cần thăm hỏi từng bệnh nhân. Trong bà dường như có nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng đi đến bất cứ giường bệnh nào cần.
Để tìm hiểu về cuộc sống và công việc của các bác sĩ và chuyên gia y tế Cuba - những người bạn từ lâu đã gắn bó với Việt Nam - chúng tôi theo chân bác sĩ Ramos trong một ngày làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đồng Hới, Quảng Bình.
Bác sĩ Annet Ramos, 53 tuổi, đến công tác tại khoa nhi bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba từ năm 2019. Một ngày mới của bác sĩ bắt đầu với ly cà phê Việt Nam.
Bà Annet nói về những ngày đầu đến Việt Nam, với nhiều niềm vui khi được gặp và làm việc cùng các đồng nghiệp. Tấm ảnh ghi lại một dịp bà cùng đoàn chuyên gia Cuba ghé thăm TP. HCM.
Góc làm việc đơn giản của nữ bác sĩ.
Chưa đến 8h nhưng nhiệt độ những ngày hè ở Quảng Bình đã là trên 30 độ.
Các y bác sĩ của khoa nhi, trong đó có bác sĩ Annet Ramos họp giao ban. Nội dung hàng ngày xoay quanh các ca bệnh đặc biệt hoặc đáng chú ý của ngày hôm trước và những gì các bác sĩ cần làm ngày hôm đó. Nội dung tóm tắt sẽ được dịch sang tiếng Anh và gửi cho bác sĩ Annet.
“Ở Cuba, là một chuyên gia nhi, chuyên gia truyền nhiễm thì chỉ được làm việc ở khía cạnh truyền nhiễm thôi, nhưng ở Việt Nam nếu chăm sóc một bệnh nhi, bạn phải xem xét tất cả các khía cạnh từ truyền nhiễm đến những mặt khác. Nhờ đó giúp tôi hoàn thiện hơn về bản thân, hoàn thiện hơn để làm một bác sĩ”, bà Annet nói.
Theo Annet, bệnh viện ở Việt Nam được xây dựng với thiết kế gần giống như ở Cuba, khiến bà có cảm giác thân thuộc như làm việc ở quê nhà.
Các nội dung bên lề nhanh chóng kết thúc, mở đầu cho quá trình bàn bệnh án kéo dài khoảng 30 phút, thảo luận cụ thể về chỉ số của các ca bệnh nhi. Bà Annet chăm chú theo dõi, trao đổi ngắn với các đồng nghiệp bên cạnh.
Bà sinh năm 1970 tại một thị trấn nhỏ tên là Guanabacoa, thuộc thủ đô Havana. Khi còn nhỏ, Annet từng muốn trở thành một nhà hải dương học, nhưng sau đó lại học làm bác sĩ.
Bác sĩ Annet Ramos trao đổi với anh Nguyễn Văn Bồng, người nhà em Nguyễn Khiến An bị sốt xuất huyết.
Anh Bồng cho biết: “Trong một ngày thường là bác sẽ đi vào phòng bệnh hỏi thăm ít nhất 4-5 lần, cả trong giờ và trước giờ nghỉ, chủ yếu không có phiên dịch mà đôi khi chỉ có một hai bác sĩ đi cùng biết tiếng Anh. Khi không có ai thì phải dùng Google (công cụ dịch)".
Các bé ban đầu lạ lẫm nhưng rồi cũng quen với sự xuất hiện của bác sĩ người nước ngoài.
Gia đình Annet có nhiều người làm bác sĩ. Ngoài con trai làm việc ở khoa răng hàm mặt, người dì làm ở khoa xét nghiệm, mẹ bà, ngoài 80 tuổi, là một bác sĩ nhãn khoa. “Tôi từng gửi hình ảnh một ca bệnh nhi về mắt ở Việt Nam để tham khảo ý kiến của mẹ”.
Ca trực của bác sĩ trong ngày phóng viên đến thăm đúng vào dịp bệnh viện tổ chức 1/6 cho các bé.
Các em nhỏ rất vui và nhận được rất nhiều quà.
Bác sĩ Annet kể, thông thường các em nhỏ Việt Nam ban đầu gặp bà có thể hơi sợ, và cần nhiều thời gian để được các em “tín nhiệm”. “Dần dần với sự chăm sóc của mình thì tôi nhận thấy các bé quen hơn và hay chờ tôi ở cửa, khi thấy tôi đến sẽ nói chuyện bằng tiếng Anh, tặng tôi một cái kẹo” (cười).
“Quan trọng là tôi rất yêu trẻ em, nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc với quá trình đó, khi bệnh nhân tin tưởng vào mình”, bà Annet nói.
Từ tháng 4/2018, đã có 7 chuyên gia Cuba sang làm việc tại bệnh viện về các chuyên ngành như Tim mạch can thiệp, Ngoại Thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi, Nội soi tiêu hóa.
Đến nay, 4 chuyên gia đã hoàn thành nhiệm vụ và về nước, còn 3 người vẫn tiếp tục công tác.
Trước khi sang Việt Nam, bà Annet có quãng thời gian dài học tập và làm việc ngành y ở Cuba cũng như ở các nước khác. Một mình bà vừa đi học, đi làm, vừa nuôi con trai (sau này cũng làm ngành y), vừa tham gia hỗ trợ ở các vùng dịch bệnh mỗi khi những nơi đó cần giúp đỡ.
Giám đốc bệnh viện – BSCK II Nguyễn Đức Cường cho biết, các bác sĩ Cuba đã có vai trò tích cực trong công tác khám chữa bệnh của bệnh viện, cùng với các đồng nghiệp Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và kĩ thuật, học hỏi lẫn nhau. "Các bác sĩ Cuba, như bà Annet, đều có phong cách làm việc rất cần mẫn và trách nhiệm. Ngoài cuộc sống đời thường cũng rất thân thiện, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi. Các bạn Cuba đều nói rằng họ như người Việt Nam và mong muốn tiếp tục làm việc ở Việt Nam".
“Tôi sẽ luôn nhớ về Việt Nam. Đó là sứ mệnh cao đẹp nhất mà tôi đã hoàn thành”, bác sĩ Annet nói.
Bà Annet chia sẻ về tình yêu đối với các bệnh nhi. Trước Việt Nam, bà từng có cơ hội công tác tại nhiều nơi khác trên thế giới như Venezuela.
Sau 4 năm, bà Annet đã quen dần với nắng gió Quảng Bình. Trong ảnh, nữ bác sĩ đang chuẩn bị bữa tối muộn tại khu nhà ở công vụ.
Bên ngoài khu nhà ở công vụ.
Bữa tối đơn giản của bác sĩ Cuba. Sau ca trực, bà sẽ tiếp tục tham dự một hội thảo online với các đồng nghiệp.
Tại bệnh viện Việt Nam – Cuba, từ khi khánh thành năm 1974, các quá trình hợp tác giữa hai bên diễn ra liên tục, tuy có thời điểm gián đoạn nhưng tiếp tục được duy trì, trải qua thời kỳ dịch bệnh và đang tiếp tục được mở rộng. Đối với bác sĩ Annet, bà dự định tiếp tục làm việc tại Việt Nam trong 2 năm, sau đó đến Darien (Panama, Trung Mỹ) trau dồi thêm kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm.
Bình luận