Nằm trên phố Hàng Khay đối diện hồ Hoàn Kiếm, hiệu ảnh Phương Đông đã hoạt động được 70 năm, truyền qua 4 thế hệ. Hiện nay, nhiếp ảnh gia Lê Dũng (29 tuổi) là người kế tục sự nghiệp của gia đình. Những ngày vác máy lang thang khắp nơi kiếm tìm vẻ đẹp trong từng khoảnh khắc của thiên nhiên và cuộc sống mang lại cho anh vẻ ngoài phong trần với làn da bánh mật, đôi bàn tay chai sạn và cặp mắt tinh nhanh.
"Cụ ngoại tôi là nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Hách, một trong những người thành lập Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, rồi truyền nghề đến ông ngoại và mẹ. Khi vừa học xong cấp 3, tôi đã theo học ngành Kinh tế, nhưng sau lại rẽ hướng về làm nhiếp ảnh. Bản thân cảm thấy rất may mắn khi được tiếp nối truyền thống của gia đình, thừa hưởng những tư liệu ảnh Hà Nội xưa của các thế hệ đi trước đã để lại", Lê Dũng chia sẻ.
Anh cũng cho biết, trong kho tư liệu gia đình còn giữ lại nhiều âm bản hình ảnh Hà Nội từ những năm 1950. Các tư liệu quý ghi lại nét đẹp của Hà Nội xưa đều được anh lưu giữ rất cẩn thận, đầy trân quý.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Hách đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp được đón tiếp Người tại hợp tác xã ảnh Phương Đông vào thập niên 1960.
Bức ảnh chụp cụ ngoại của nhiếp ảnh gia Lê Dũng dạo phố đón Tết tại gò Đống Đa vào năm 1954.
Cảnh giao thương trên phố cổ vào đầu những năm 1950.
Chiếc xe đạp máy trên phố cổ thập niên 1950.
Cảnh vắng lặng của đường phố Hà Nội này cũng được chụp trong khoảng đầu thập niên 1950.
Phố cổ Mã Mây đầu những năm 1980.
Cửa hàng kem Tràng Tiền năm 1993.
Chợ Tết Hà Nội năm 1995. Đây cũng là năm đầu tiên thương hiệu NIKE xuất hiện tại Việt Nam.
Các nhiếp ảnh gia tại cầu Thê Húc, hồ Hoàn Kiếm những năm 1990.
Nhân dịp kỷ niệm 70 ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhiếp ảnh gia Lê Dũng muốn tiếp nối hành trình gia đình trong việc ghi lại khoảnh khắc đẹp của Hà Nội. Tình cờ, một người em của anh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Hùng (26 tuổi) bộc bạch mong ước "có thể làm điều gì đó cho Thủ đô".
Hai người quyết định dành thời gian thực hiện bộ ảnh "100 năm với những thế hệ người yêu Hà Nội". Họ tìm gặp những con người yêu Hà Nội sinh ra từ năm 1930 đến năm 2000 để ghi lại những câu chuyện thú vị và chụp hình họ bằng máy ảnh phim. Họ đã dành ra 16 tháng để chọn lựa và tìm gặp những nhân vật phù hợp. Tất cả các mối quan hệ được tận dụng tối đa, thêm mấy phần may mắn, hai anh em gặp được nhiều nhân vật gắn bó và cống hiến cho Hà Nội ở nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc nhiều thế hệ. Cuối cùng, bộ ảnh kịp hoàn thành trước ngày kỷ niệm 10/10 chỉ 3 tiếng đồng hồ.
Lê Dũng bồi hồi chia sẻ: "Tôi biết được Hùng là một chàng trai rất đam mê nhiếp ảnh, đặc biệt là chụp máy phim. Hùng có những câu chuyện buồn riêng nhưng nhờ có nhiếp ảnh mà cảm thấy yêu đời và nhiệt huyết hơn bao giờ hết. Tôi rất khâm phục ý chí của cậu ấy và cũng rất muốn có một bộ ảnh thực hiện chung với nhau. Dù gặp rất nhiều trắc trở, nhưng tuyệt vời sao khi sản phẩm cuối cùng thật đáng công sức đã bỏ ra", Lê Dũng bồi hồi chia sẻ.
Cùng ngắm một số tác phẩm trong bộ ảnh "100 năm với những thế hệ người yêu Hà Nội":
Nhà sử học Lê Văn Lan sinh năm 1934, một trong những sáng lập viên của Viện Sử học Việt Nam và cũng là người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội.
Nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà nghiên cứu Ngô Thế Long đều thuộc thế hệ sinh năm 1940. Giữa hai người có tình bạn đẹp gắn liền với sự thay đổi và phát triển của Thủ đô.
Đạo diễn Trần Văn Thủy sinh năm 1940, đạo diễn của bộ phim tài liệu nổi tiếng "Hà Nội trong mắt ai". Nhiếp ảnh gia Lê Dũng nói rằng với anh, việc gặp được ông là một may mắn trong cuộc đời.
Ông Nguyễn Việt Cường sinh năm 1950, là người đam mê khảo cứu những câu chuyện Hà Nội xưa, dành nhiều tâm huyết để sưu tầm và kể lại những câu chuyện đó với tình yêu sâu đậm dành cho mảnh đất này. Ông là tác giả cuốn "Hà Nội một thuở phố và người" xuất bản năm 2022.
Anh Lê Văn Minh, sinh năm 1963, đến nay đã hành nghề chụp ảnh tại Bờ Hồ hơn 40 năm. Cả kho ảnh và ký ức anh đều lưu giữ nhiều khoảnh khắc đẹp của Hà Nội.
Doanh nhân Hồ Hoàng Hải sinh năm 1977, có tình cảm đặc biệt với Hà Nội. Anh đam mê những công trình kiến trúc, di sản của Hà Nội và dành phần lớn thời gian sưu tầm, nghiên cứu về Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn, sinh năm 1979, được chọn làm đại diện quảng bá văn hóa trà Việt tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Hà Nội. Anh có niềm đam mê đối với việc tái hiện không gian uống trà, kỹ càng trong việc giới thiệu nếp uống trà của người Hà Nội xưa.
Chị Nguyễn Thùy Linh sinh năm 1980 thuộc thế hệ thứ 3 của một gia đình có nghề thêu truyền thống nằm trên phố Hàng Gai. Đối với chị, những ký ức về Hà Nội, về người mẹ, người bà vẫn luôn là những gì quý giá không thể quên.
Anh Đỗ Anh Đức sinh năm 1985 có tình yêu say đắm với Thủ đô. Từ những tình cảm được vun đắp từ ngay bé, anh muốn thiết lập không gian văn hóa đầy màu sắc Hà Nội trong quán Cafe Phố Hàng.
Chị Nguyễn Thanh Hương sinh năm 1991 và lớn lên tại Hà Nội. Chị có niềm đam mê đặc biệt với áo dài, ấp ủ mong muốn đưa những nét văn hóa truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đi thật xa, và lan tỏa tình yêu này đến các bạn trẻ.
Những thế hệ sinh sau năm 2000 là tương lai của Hà Nội. Nhiếp ảnh gia Lê Dũng cho biết, anh mong bộ ảnh này giúp lan tỏa tình yêu Hà Nội của bản thân đến với nhiều thế hệ hơn nữa.
Bình luận