• Zalo

Nga tuyên bố ngừng tuân thủ INF, Mỹ lập tức chế tạo tên lửa hành trình mới

Thế giớiThứ Ba, 12/03/2019 11:22:00 +07:00Google News

Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ đang bắt đầu chế tạo các linh kiện của các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất.

"Chúng tôi sẽ bắt đầu các hoạt động chế tạo các bộ phận hỗ trợ thử nghiệm các hệ thống này", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Michelle Baldanza cho biết hôm 11/3. Tuy nhiên, người phát ngôn khẳng định các hoạt động trên có thể đảo ngược nếu Nga tuân thủ trở lại và có thể kiểm chứng trước khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào tháng 8/2019. 

5c867f6826289836163b1ed8-1536-1023

 Mỹ tuyên bố chế tạo tên lửa hành trình mới sau khi ngừng tuân thủ các điều khoản INF. (Ảnh: US Air Force)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 2 tuyên bố đơn phương rút khỏi INF trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 2/2 nếu Matxcơva "không chấm dứt hành vi vi phạm hiệp ước". Hơn 1 tháng sau đó, ngày 4/3 Tổng thống Putin ký sắc lệnh cho phép Nga ngừng tuân thủ các điều khoản trong hiệp ước tồn tại hơn 3 thập kỷ này. 

Với việc rục rịch chế tạo tên lửa hành trình mới, Mỹ lần đầu tiên sản xuất những vũ khí này kể từ năm 1980 khi tên lửa hành trình của họ được triển khai ở châu Âu trong một cuộc đối đầu căng thẳng với tên lửa SS-20 của Liên Xô khi đó. 

Theo bà Baldanza, để phản ứng trước các động thái vi phạm hiệp ước của Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các tên lửa thông thường, phóng từ mặt đất tuân thủ các điều khoản trong INF vào cuối năm 2017. 

Bà này cũng khẳng định rằng các tên lửa này hoàn toàn là tên lửa thông thường chứ không phải tên lửa hạt nhân. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh trước đây Mỹ từng tuân thủ hiệp ước nên công việc nghiên cứu mới chỉ ở giai đoạn đầu. Nhưng giờ đây, khi Mỹ đã không còn bị bó buộc bởi các điều khoản, Washington sẽ mở rộng công tác nghiên cứu và phát triển.  

INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp ước loại bỏ tất cả tên lửa thường và hạt nhân phóng từ mặt đất cùng thiết bị phóng với tầm bắn ngắn (500-1.000 km) và trung (1.000-5.500 km).

Theo Tổ chức chống hạt nhân ICAN, mặc dù INF là thỏa thuận ràng buộc giữa 2 quốc gia, nhưng việc nó sụp đổ sẽ đe dọa tới toàn thế giới.

ICAN cho rằng cùng với tuyên bố đơn phương rút khỏi INF, Mỹ đang đặt hàng triệu người châu Âu và người Mỹ vào nguy hiểm. Bản thân nhiều nước EU cũng không mấy thích thú với động thái của Mỹ bởi lo sợ sẽ châu Âu trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân. 

Nhiều quốc gia ở lục địa già vì vậy kêu gọi Nga và Mỹ làm tất cả mọi thứ để cứu lấy INF, tránh để cuộc chạy đua vũ trang mới biến châu Âu trở thành trung tâm một cuộc xung đột hạt nhân tiềm năng theo đúng nghĩa đen. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn