Theo các thông tin được NASA cung cấp mới đây, vụ nổ xảy ra vào trưa 18/12 tại biển Bering, ngoài khơi bán đảo Kamchatka của Nga và là vụ nổ lớn nhất kể từ sau vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk cách đây 6 năm.
Một thiên thạch có đường kính khoảng vài m đã lao vào bầu khí quyển của Trái đất với vận tốc lên tới gần 120.000 km/h, phát nổ khi cách bề mặt Trái đất 25,6 km. Vụ nổ tạo ra năng lượng tương đương với 173 kiloton chất nổ TNT, mạnh gấp 10 lần vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima năm 1945.
"Năng lượng mà nó giải phóng ra bằng 40% năng lượng từ vụ nổ ở Chelyabinsk nhưng do xảy ra ngoài biển Bering nên nó không được chú ý trên các trang tin tức", Kelly Fast, người quản lý chương trình quan sát vật thể gần Trái đất tại NASA nói BBC.
Theo NASA, một vật thể có kích thước như vậy chỉ "tấn công" Trái đất 2 tới 3 lần trong vòng 100 năm.
Vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk là vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong vòng 100 năm tại Nga. Một thiên thạch nặng vài nghìn tấn bay vào bầu khí quyển và phát nổ khi cách bề mặt Trái đất khoảng 20-25 km, tạo ra sóng xung kích năng lượng bằng khoảng 300 kiloton TNT, tương đương với 20 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima trong năm 1945.
Tuy nhiên, bầu khí quyển Trái đất đã hấp thụ phần lớn năng lượng vụ nổ. Dù vậy, nó cũng khiến gần 3.000 tòa nhà ở Chelyabinsk bị hư hỏng và hơn 1.000 người bị thương.
Bình luận