Đồng Chủ tịch quốc gia Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) John Rockhold chia sẻ với phóng viên VTC News về quan hệ của hai quốc gia trước thềm AmCham sẽ kỷ niệm thành lập vào năm 2024.
- Là người làm việc lâu năm ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những thay đổi của môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm qua?
Khi các doanh nghiệp Mỹ lần đầu tiên đến đây, đó là một quá trình học hỏi lớn về cách thức kinh doanh và phối hợp. Chúng tôi tìm hướng đi giữa rất nhiều luật và quy định, như giấy phép lao động, nơi cư trú, tiếp nhận lao động nước ngoài, cách làm việc cũng như cách tuyển dụng.
Còn môi trường hiện tại rất ổn định. Các công ty Mỹ nhận thấy rằng, người lao động Việt Nam học rất nhanh. Chỉ trong vài năm, các quản lý Việt Nam làm việc với các công ty Mỹ có thể ra ngoài và thành lập công ty riêng.
Khi đến Việt Nam, chúng tôi làm việc, góp phần cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ mất vài năm để các công ty Việt Nam thay thế các công ty kỹ thuật và xây dựng của chúng tôi làm những việc này. Chúng tôi cũng thấy điều tương tự trong lĩnh vực kinh doanh.
Có những thách thức mới trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều quan trọng bây giờ là đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, không chỉ những người tốt nghiệp trình độ đại học mà còn cả các kỹ thuật viên. Nước Mỹ cũng gặp khó trong vấn đề này, khi chúng tôi đôi khi phải tuyển lao động có tay nghề từ nước ngoài.
Đây là thách thức chung đến từ sự thay đổi quá nhanh chóng của khoa học, công nghệ, nên cách tiếp cận đào tạo, tương tác với người học để họ ra nghề với kĩ năng phù hợp cũng sẽ phải cải tiến.
Hãy xem xét một số đề xuất mới nhất gần đây của Việt Nam về môi trường và phát triển năng lượng. Đây là những kế hoạch rất tốt, cho thấy một tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về nơi các bạn muốn đến, những gì các bạn muốn đạt được. Tuy nhiên, chưa có một cơ chế, chính sách để chúng ta có thể triển khai kế hoạch trên thực tế. Về cơ bản, điều các doanh nghiệp Mỹ muốn thấy là các hoạt động thương mại công bằng, minh bạch, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ hợp tác cùng nhau để thực hiện những kế hoạch như vậy.
Vì vậy, đây sẽ là những lĩnh vực mà chúng ta sẽ làm việc cùng nhau vào năm tới. Ví dụ, về cơ bản trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi sẽ hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam về chính sách năng lượng và các cơ chế cần được áp dụng để có thể thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này. Đó sẽ là những điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 9/2023.
- Một trong những trụ cột hợp tác được đưa ra trong tuyên bố chung giữa hai nước là phát triển công nghệ và chuỗi cung ứng bán dẫn. Theo ông, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ này, và để tận dụng được những tiềm năng và vị thế sẵn có, Việt Nam cần làm gì?
Hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về công nghệ cũng như chất bán dẫn, chip và những lĩnh vực liên quan là một vấn đề lớn.
Hiện tại, Việt Nam đang ở trong lĩnh vực lắp ráp và thử nghiệm công nghệ cao, thay vì sản xuất, phát triển chip của riêng mình. Đó là bước tiếp theo Việt Nam cần thực hiện, phát triển vượt lên khâu lắp ráp và đi vào thực sự sản xuất. Để làm được điều đó, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng năng lượng.
Một thách thức khác là cần thúc đẩy hạ tầng năng lượng nhưng phải phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phù hợp về giá cả và tính bền vững, và đảm bảo tạo ra lợi nhuận để thu hút đầu tư. Đó là chưa kể đến áp lực phát triển xanh, sản xuất xanh hơn. Vì vậy, Việt Nam cần tìm cách đáp ứng và thích nghi với những yêu cầu mới này.
Một khía cạnh quan trọng khác là sử dụng hiệu quả đất hiếm. Việt Nam có nguồn đất hiếm cần thiết cho năng lượng tái tạo, công nghệ cao, v.v... Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm tương tự ở Việt Nam vào những năm cuối 90 đầu 2000 với ngành cà phê, khi chúng ta bán hạt cà phê và trở thành nhà sản xuất hạt lớn thứ hai thế giới, nhưng lợi nhuận thực sự nằm ở khâu chế biến và xử lý chứ không đơn thuần ở khâu sản xuất thô.
- Việt Nam hiện đang tập trung cho nguồn nhân lực chất lượng cao, không còn muốn định hình mình như một môi trường đầu tư có nguồn nhân lực giá rẻ nữa. Theo ông, xu hướng này có ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam?
Tôi nghĩ là ngược lại. Và Việt Nam phải làm điều này.
Chúng ta đang không chỉ nói đến những mục tiêu như đào tạo 50.000 người cho ngành bán dẫn, hay cải thiện 1 triệu ha lúa chất lượng cao, mà cần đào tạo hàng triệu người, những người có khả năng để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5. Việt Nam có thể thực hiện được điều đó, nhưng cũng sẽ có những thách thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trước buổi hội đàm, tháng 9/2023.
Khi tiến tới một công nghệ cao hơn, trong tương lai, dù là giày tennis, quần áo hay những thứ tương tự sẽ không được thực hiện bằng máy may mà bằng robot, với các công nghệ như công nghệ AI. Điều đó không còn xa nữa, và khi có các nhà máy như vậy thì yếu tố lao động giá rẻ không còn được tính đến.
Điều quan trọng tiếp theo cần tính đến là hậu cần, khi Việt Nam ở cách xa những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ. Việt Nam phải bắt đầu chuẩn bị cho sự thay đổi cho kỷ nguyên mới này, và cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo dân số trẻ để họ có thể đáp ứng thị trường là những bước thiết yếu.
Một rào cản khác ảnh hưởng đến đầu tư của các công ty Việt Nam là làm thế nào để tăng uy tín tài chính của họ ở môi trường quốc tế. Rất nhiều công ty muốn vay tiền, nhưng họ không thể vượt qua sự thẩm định của ngân hàng quốc tế. Họ sẽ cần hồ sơ tài chính đầy đủ và kiểm toán tốt nếu muốn đồng hành và trở thành đối tác kinh doanh lớn, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp khác. Thích ứng với các tiêu chuẩn này sẽ là chìa khóa để họ phát triển và tham gia sâu hơn trong thị trường toàn cầu.
- Trong xu thế chung của toàn cầu về chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp Mỹ có lộ trình thế nào trong đầu tư vào chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, thưa ông?
Bạn đang nhìn thấy rất nhiều công ty Mỹ cam kết đóng góp vào mục tiêu ở Việt Nam về đạt phát thải không carbon vào năm 2030. Vì vậy, có rất nhiều áp lực từ các công ty Mỹ với các nhà cung cấp của họ về việc phải trở nên xanh hơn.
Một trong những lĩnh vực đã và đang được thực hiện và hiệu quả về mặt chi phí là sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà để tự tiêu dùng. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, còn các công ty có thể sẽ chưa đầu tư vào các dự án quy mô lớn về năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời, cho đến khi khung pháp lý về năng lượng tái tạo được đầy đủ hơn.
Một bước tiến đáng kể khác là các công ty Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để cung cấp khí đốt tự nhiên, chi phí thấp cho nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mỹ là nước sản xuất LNG lớn nhất thế giới. Và cho đến 2026 đang đi vào vận hành mỏ khí đốt tự nhiên Alaska, với nhà ga đầu tiên ở bờ biển phía tây nhắm đến thị trường Đông Nam Á. Ở lĩnh vực này có thể có những giao dịch dài hạn.
Còn trong ngắn hạn, bạn sẽ thấy Việt Nam và chúng tôi xây dựng các nhà máy điện khí, sử dụng công nghệ sạch hơn. Những nhà máy này nhắm đến chuyển sang sử dụng hydro và các nhiên liệu thay thế khác trong tương lai, phù hợp với mục tiêu sản xuất sạch hơn.
- Với việc quan hệ giao lưu giữa nhân dân và doanh nghiệp hai nước ngày càng gắn bó, ông nghĩ thế nào về vai trò và mong muốn của những người như cá nhân ông trong tương lai của quan hệ hai nước?
Trước đây, nhiều người trong chúng tôi chiến đấu ở Việt Nam mà không biết Việt Nam là nơi như thế nào.
Sau chiến tranh, những gì chúng tôi thấy khi quay lại Việt Nam hoàn toàn khác. Người Việt Nam bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, người dân Việt Nam chào đón khi chúng tôi đến làm việc cùng và giúp cho công việc phát triển của họ.
Sự hợp tác này đã nuôi dưỡng tình bạn sâu sẵn và sự sẵn sàng làm việc cùng nhau, thể hiện quyết định chung là cùng nhìn về phía trước chứ không phải ngược lại. Tư duy này là một phần quan trọng trong quá trình chữa lành, đặc biệt đối với các cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam.
Những cựu chiến binh này khi trở về Việt Nam không hề thấy bất kỳ sự thù địch nào; thay vào đó, họ tìm thấy những điểm chung và mục đích chung với người Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh đã lựa chọn đóng góp tích cực cho Việt Nam bằng các công việc như dạy tiếng Anh ở các vùng sâu vùng xa.
Đối với gia đình của những người tham gia cuộc hành trình này, chẳng hạn như của tôi, đó là quá trình của những bài học. Ví dụ, khi nhìn vào tình hữu nghị bền chặt chúng ta có được ngày hôm nay, các con tôi không hiểu tại sao Mỹ và Việt Nam lại từng có chiến tranh. Chúng tôi đã có một hành trình để giải thích lịch sử và giúp chúng hiểu được sự chuyển biến trong mối quan hệ. Bây giờ, chúng tôi thấy mối quan hệ giữa người Việt và người Mỹ không có chút thù địch nào, là minh chứng cho sức mạnh của tiến trình hòa giải.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận