Trước thềm cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên, trả lời phỏng vấn trên NPR, ông Tillerson tuyên bố Triều Tiên cần ngồi vào bàn đàm phán và sẵn lòng thảo luận về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Lý do Triều Tiên muốn có vũ khí hạt nhân là họ tin rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ sự tồn tại của chế độ", ông Tillerson giải thích.
"Chúng tôi hy vọng thuyết phục được họ rằng: không cần những vũ khí này để đảm bảo sự tồn tại của chế độ của họ... Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ của Triều Tiên. Chúng tôi cũng không cố gắng thống nhất nhanh chóng 2 miền Triều Tiên. Chúng tôi mong muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", ông nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng ông tin Trung Quốc cũng chia sẻ mục tiêu này và đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu Triều Tiên có thuộc "trách nhiệm" của họ hay không.
Theo Fox News, Mỹ triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không phải để thông qua một nghị quyết mới mà để nhấn mạnh rằng các thành viên, bao gồm cả Trung Quốc, cần làm nhiều hơn nữa để thực thi các biện pháp trừng phạt hiện nay.
Trong cuộc họp đặc biệt tại Hội đồng Bảo an do ông Tillerson chủ trì, vị ngoại trưởng sẽ nói về mối đe dọa ngày càng tăng của vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tillerson là một trong những quan chức hàng đầu của chính quyền Trump tham dự cuộc họp kín hiếm hoi về Triều Tiên với tất cả 100 thượng nghị sĩ Mỹ hôm 27/4.
"Những nỗ lực trong quá khứ đã không ngăn chặn được các chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên cùng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân", Tillerson tuyên bố sau cuộc họp.
"Với mỗi lần khiêu khích, Triều Tiên lại gây nguy hiểm cho sự ổn định ở Đông Bắc Á và tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với các đồng minh và nước Mỹ", ông nói.
Chương trình phát triển vũ khí hủy diệt của Bình Nhưỡng bắt đầu năm 1956. Từng là một bên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng rút lui năm 2003 với lý do bị chính sách thù địch của Mỹ đe dọa. Ba năm sau, Triều Tiên lần đầu thử hạt nhân.
Bình Nhưỡng cũng từng nhiều lần tạm dừng các hoạt động ở nhà máy hạt nhân Yongbyon, bao gồm cả việc phá hủy tháp làm mát năm 2008, để đổi lại các thỏa thuận viện trợ từ nước ngoài.
Tháng 3/2013, cuộc khẩu chiến giữa Triều Tiên với Mỹ vì nghị quyết trừng phạt sau vụ thử hạt nhân lần 3 khiến Bình Nhưỡng tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo lâm vào bế tắc.
Video: Mỹ điều chiến hạm đến bán đảo Triều Tiên
Bình luận