Tại một khu du lịch nghỉ dưỡng trên hòn đảo gần Singapore, nhóm hậu cần của Mỹ đang làm việc ngày đêm cùng các đối tác Triều Tiên để lên kế hoạch tổ chức thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử hai nước.
Washington Post dẫn hai nguồn tin giấu tên tiết lộ ông Kim Jong Un có thể chọn khách sạn Fullerton làm nơi nghỉ ngơi trong thời gian ông dự thượng đỉnh. Nằm gần cửa sông Singapore, khách sạn 5 sao tráng lệ theo trường phái thiết kế cổ điển mới ra mức giá phòng thượng hạng là 6.000 USD/đêm.
Ai trả tiền khách sạn cho ông Kim?
Trong khi con số trên có thể nằm ngoài khả năng chi trả của Bình Nhưỡng, tiền bạc không phải là vấn đề to tát đối với Washington. Nhóm hậu cần Mỹ cho biết nước họ sẵn sàng bao trả mọi chi phí thuê phòng khách sạn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, nếu chỉ là câu chuyện tiền nong thì Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hag, người dẫn đầu nhóm hậu cần của Mỹ đến Singapore, đã không phải phải đau đầu về bài toán chỗ ở cho ông Kim.
Triều Tiên dù thiếu tiền vì hàng chục năm cấm vận kinh tế vẫn đầy lòng tự trọng và có thể xem sự giúp đỡ tài chính của Mỹ là một sự sỉ nhục. Nhóm hậu cần đến từ Bình Nhưỡng, dẫn đầu bởi ông Kim Chang Son trợ lý của nhà lãnh đạo Triều Tiên, muốn một nước thứ 3 đứng ra chi trả số tiền trên.
Cuối cùng, chủ nhà Singapore đang là ứng viên tiềm năng nhận chi trả khoản phí trên, giúp cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra như kỳ vọng. Tuy nhiên, những rắc rối không dừng tại đó.
Theo cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Elizabeth Rosenberg, nếu một nước thứ ba đứng ra hỗ trợ chi phí ăn ở của ông Kim Jong Un tại Fullerton, nước này sẽ bị “tuýt còi” bởi các lệnh cấm vận Triều Tiên hiện hành. Để trả khoản tiền trên, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ phải ra lệnh “tạm hoãn hiệu lực lệnh trừng phạt”. Chính phủ Mỹ cần nhận được sự cho phép của Liên Hợp Quốc để điều này diễn ra.
Một bản liệt kê hàng loạt giao dịch cần đặc cách tránh lệnh trừng phạt có thể thu hút sự quan tâm trên mức cần thiết. “Nhiều cơ chế hợp pháp cho phép Mỹ đặc cách thông qua các khoản giao dịch tùy vào hoàn cảnh, nhưng việc kiểm duyệt sẽ kéo theo những phản ứng từ dư luận và khiến Triều Tiên không bằng lòng”, theo chuyên gia tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên Duyeon Kim.
“Câu chuyện hậu cần này khá trớ trêu và thú vị khi chính Triều Tiên là bên đòi hỏi được đối xử với vị thế ngang hàng thời gian qua”, Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định.
Những rắc rối hậu cần
Ngoài chuyện chi phí ăn ở cho ông Kim và phái đoàn từ Bình Nhưỡng, công tác hậu cần chuẩn bị cho thượng đỉnh còn cần giải quyết nhiều vật cản khác.
Triều Tiên có thể sử dụng hai máy bay vận tải Ilyunshin-62M và Ilyushin-76 để đưa ông Kim Jong Un và các trang thiết bị hậu cần đến Singapore. Tuy nhiên, khoảng cách 4.700 km giữa hai nước sẽ là thách thức không nhỏ cho những chiếc máy bay được sản xuất bởi Liên Xô từ thế kỷ trước.
Các máy bay này có thể cần âm thầm hạ cánh tại Trung Quốc trước khi tiếp tục hành trình. Ban tổ chức sẽ phải nghĩ ra một câu chuyện để tránh làm Triều Tiên bẽ mặt, theo Washington Post. Các bên đang cân nhắc sử dụng máy bay của một nước khác để đưa ông Kim đến Singapore.
Ngoài ra, nhiên liệu cũng là một bài toán khó khăn cho chuyến công du của ông Kim vì đó là mặt hàng nằm trong danh sách cấm vận của Liên Hợp Quốc thời gian qua. Ngay cả Trung Quốc, nguồn cung cấp chủ yếu cho Triều Tiên, cũng chỉ xuất sang nước láng giềng có 3 tấn hồi tháng 3. Dù vậy, Triều Tiên có lẽ đủ khả năng tự giải quyết vấn đề này do có lượng nhiên liệu tích trữ phục vụ chương trình tên lửa, theo Reuters.
Việc Bình Nhưỡng đòi hỏi hỗ trợ tài chính khi cử phái đoàn xuất ngoại không phải đến giờ mới xảy ra. Trong kỳ Olympics mùa đông PyeongChang 2018, Hàn Quốc đã chi hơn 2,6 triệu USD bao thầu chi phí đi lại và ăn ở cho các cổ động viên, nghệ sĩ và nhiều thành viên khác của phái đoàn Triều Tiên. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nhận đài thọ chi phí cho 22 vận động viên Triều Tiên sang Hàn Quốc tham dự sự kiện.
Năm 2014, trong chuyến thăm đến Bình Nhưỡng, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper từng được Triều Tiên yêu cầu tự trả tiền cho bữa ăn thịnh soạn 12 món mà ông được tiếp đãi.
Những thói quen này được hình thành vào đầu thập niên 2000, khi Hàn Quốc thúc đẩy Chính sách Ánh dương. Sung Yoon Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Tufts (Mỹ), nói: “Triều Tiên có thể chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng họ quá nghèo để trả tiền đi ra nước ngoài”.
Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn giữ bí mật những đàm phán về công tác hậu cần cho thượng đỉnh. Rexon Ryu, cựu quan chức Nhà Trắng, cho rằng Bình Nhưỡng muốn những vấn đề này được giữ bí mật. “Tôi nghĩ đối với nhiều nhân vật phía Triều Tiên, việc giữ bí mật những thảo luận này còn quan trọng hơn nội dung đàm phán tại thượng đỉnh”, ông nhận định.
Bình luận