Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2018, học sinh không học mà chỉ tìm tài liệu theo cách hỏi của đề minh họa, một số giáo viên rất bức xúc.
Trả lời PV VTC News,thầy giáo nổi tiếng Trịnh Văn Quỳnh - giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) có những chia sẻ nhằm mục đích hướng dẫn các em ôn luyện môn Văn, tránh tình trạng chạy theo dạng câu hỏi trong đề minh họa.
Định hướng ôn tập trong giai đoạn quan trọng:
“Hiện nay, rất nhiều giáo viên (GV) và học sinh (HS) tăng cường ôn luyện và thi thử cho HS theo dạng đề so sánh. Tuy nhiên tất cả các năm, đề thi minh họa và đề thi thật đều không có chung kiểu ra câu hỏi.
Lý do là trong quy trình kiểm tra đánh giá, người ra đề phải căn cứ vào mục tiêu, mục đích của kỳ thi là vừa đảm bảo tốt nghiệp vừa đảm bảo phân hóa xét tuyển sinh, các câu hỏi phải căn cứ vào ma trận đề chứ không căn cứ vào đề minh họa, nhóm ra đề minh họa và nhóm ra đề thật không giống nhau.
Vì thế, từ một ma trận chung có thể cho ra nhiều đề khác nhau với nhiều cách hỏi khác nhau. Hơn nữa, khi ra đề thi thật, đề thi còn phải có người làm bài phản biện để bỏ bớt những ý, những câu quá sức với học trò.
Việc GV và HS chạy theo kiểu đề, dạng đề minh họa vài năm trở lại đây là không đúng đắn, có phần đi ngược với định hướng kiểm tra đánh giá.
Trong môn Văn, tôi chỉ dám dạy học sinh kiến thức nền tảng như phong cách tác giả, giai đoạn, các đặc trưng, các tác phẩm... Dĩ nhiên, học sinh giỏi muốn đạt điểm cao thì phải biết liên hệ so sánh, tổng hợp, đánh giá...
Tuy nhiên, không thể yêu cầu học sinh trong 120 phút mà làm đủ các thao tác phân tích, so sánh, bình luận đề thi ôm đồm, tủn mủn, nặng nề... tạo quá nhiều áp lực cho HS.
Theo đó, GV không thể luyện một dạng đề vì nếu không vào dạng đề đó, học sinh không làm được, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tương lai của HS?
Có thể những ý kiến đưa ra ảnh hưởng nhiều đến GV và HS. Vì vậy, tôi cũng không khẳng định chắc chắn đề thi rơi vào bài nào, dạng nào. Việc dạy và học chạy theo một dạng đề sẽ hạn chế cách dạy, cách học. Nhiều HS bỏ qua kiến thức căn bản chỉ ôn tập một số dạng đề theo xu hướng.
Căn cứ vào định hướng phạm vi ôn tập, GV có thể ra ma trận đề thi.
Thầy Trịnh Quỳnh đưa ra một số gợi ý:
1. Chương trình lớp 11 nằm ở nội dung tiếng Việt, phục vụ cho kỹ năng đọc-hiểu của HS.
Ví dụ: Những phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận hay ngữ liệu đọc hiểu có thể trích dẫn lại trong SGK cơ bản và nâng cao, sách bài tập, tư liệu dạy học.
2. Chương trình lớp 11 nằm ở yêu cầu về phương pháp – một yêu cầu thường ít được HS chú ý.
Ví dụ: Biết cách vận dụng các thao tác nghị luận và các phương thức biểu đạt... để làm một bài văn nghị luận (nghị luận xã hội và nghị luận văn học).
Vì thế, chương trình có thể yêu cầu so sánh 2 tác phẩm lớp 12, so sánh liên hệ 2 vấn đề trong một tác phẩm; bình luận, bác bỏ một vấn đề nghị luận xã hội...
3. Chương trình lớp 11 nằm ở phần nghị luận văn học dưới dạng so sánh liên hệ. Tuy nhiên, yêu cầu chỉ dừng lại ở thao tác so sánh, phạm vi nội dung thường là một đoạn hoặc một phần văn bản. Các so sánh liên hệ bao giờ cũng phải dựa trên một điểm chung về phong cách tác giả, đặc trưng thể loại, đặc điểm các giai đoạn văn học.
Cuối cùng, mặc dù phạm vi ôn tập năm nay nhiều hơn hẳn, yêu cầu về kỹ năng cũng cao hơn nhưng HS hãy yên tâm, không có gì là khó khăn hay thách đố. Nếu nắm vững được các bước, kỹ năng từng bước làm bài thì cho dù đề thi vào phạm vi hay cách hỏi nào cũng có thể làm tốt.
Video: Thời gian đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2018?
Bình luận