10h ngày 5/12, những đoàn tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử đoạn trên cao từ Nhổn đến nhà ga Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, nội dung vận hành thử gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 bao gồm vận hành hệ thống trong thời gian tối thiểu 5 ngày để đo lường hiệu suất RAMs và thời gian này có thể kéo dài tới 6 tuần. Giai đoạn 2 sẽ diễn ra ngay sau khi đánh giá hiệu suất RAMs, với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.
Hệ thống đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao được vận hành theo 2 biểu đồ chạy tàu ngày, thời gian 9h - 19h, từ thứ 2-6 hàng tuần với tối thiểu 4 đoàn tàu và tối đa 8 đoàn tàu.
Tuyến đường chạy thử dài 12,5 km với thời gian dự kiến 16 phút. Thời gian tàu dừng ở mỗi ga là 20 giây. Thời gian chạy một vòng, bao gồm cả quay đầu khoảng 32 phút.
Đoàn tàu gồm ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng với biểu tượng Khuê Văn Các, được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế cho tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Tàu có khả năng chuyên chở 944 - 1124 người/đoàn tàu, khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Trên tàu có những khu vực ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật, ghế dành cho người già, phụ nữ và trẻ em.
Việc chạy thử sẽ chứng minh được độ an toàn, tin cậy và tính khả dụng của hệ thống.
Kết thúc các nội dung trên, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác thương mại.
Khi đi vào vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35 km/h, với 8 đoàn tàu cùng hoạt động, một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm và một đoàn tàu cứu hộ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài chính tuyến là 12,5 km (8,5 km đoạn đi trên cao và khoảng 4 km đoạn đi ngầm), gồm 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm), 1 depot rộng 15,5 ha.
Theo phương án được duyệt trước đó, tổng mức đầu tư dự án là 32.910 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2009 - 2022 (trong đó, đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022). Tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt khoảng 75,6%. Trong đó, tiến độ đoạn trên cao đạt 97,6%; tiến độ đoạn ngầm đạt 33,01%.
Do một số vướng mắc, dự án đã được đề xuất kéo dài thời gian hoàn thành, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm). Riêng đoạn trên cao sẽ được khai thác, vận hành trong năm 2022. Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng (tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng).
Bình luận