• Zalo

Luật sư: Chưa quản lý được việc cầm cố giấy phép lái xe nhưng tài xế vẫn báo mất

Thời sựThứ Hai, 18/03/2019 07:36:00 +07:00Google News

Luật sư cho hay pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ việc người dân cầm cố bằng lái xe và nói là mất để xin cấp lại nên rất khó để xử lý.

Đề xuất tất cả những người mất giấy phép lái xe phải thi lại của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đang khiến dư luận xôn xao. 

Liên quan đến việc cấp phát GPLX, nhiều độc giả đã gửi câu hỏi liên quan đến Báo điện tử VTC News nhờ giải đáp. Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư Hà Nội) đã trả lời các câu hỏi của độc giả.

- Người vi phạm giao thông gây chết người hoặc lỗi nặng khác, bị tước GPLX cao nhất là bao lâu? 

Trong trường hợp người gây tai nạn nghiêm trọng mà bị xử lý hình sự, thì họ không bị tước bằng lái xe mà họ có thể chịu hình phạt: phạt tù, phạt tiền và hình phạt bổ sung là cấm bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp người gây tai nạn nghiêm trọng, nhưng xét yếu tố lỗi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà có thể tước bằng lái xe lâu nhất là 02 năm (Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

- Sau khi hết thời hạn bị tước, vậy chủ phương tiện có được lái xe trở lại?

Người có thẩm quyền xử phạt sẽ giao lại giấy phép lái xe cho chủ phượng tiện, khi hết thời hạn bị tước và đồng nghĩa có quyền lái xe trở lại.

Theo Khoản 1 Điều 80 Luật xử lý vi phạm hành chính: Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức đã bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.

- Lỗ hổng ở đây như thế nào, thưa ông?

Điều này có nghĩa người lái xe gây tai nạn bị tước bằng lái, thì sau khi hết thời hạn, họ sẽ nhận lại GPLX mà không phải đi thi lại là một trong những lỗ hổng của luật pháp. Cơ quan chức năng cần buộc tài xế gây tai nạn phải thi lại góp phần giảm tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, đối với những vụ tai nạn rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì cần tước bằng lái xe vĩnh viễn với tài xế, và kiến nghị này đang được đưa ra bàn bạc, xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc.

- Theo luật sư, đối với lái xe gây tai nạn như thế nào thì bị tước bằng 2 năm?

Trường hợp lái xe gây tai nạn nhưng sau khi xác định lỗi và tình tiết vụ việc, cơ quan chức năng xác định được người lái xe vi phạm hành chính thì người đó có thể bị tước bằng lái xe cao nhất 2 năm.

Trường hợp lái xe gây tai nạn mà đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" (Điều 260 BLHS) thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với lái xe gây tai nạn, pháp luật không quy định việc họ có thể bị tước giấy phép lái xe cao nhất là 5 năm mà chỉ quy định hạn chế một số quyền trên.

- Việc người dân đem Giấy phép lái xe cầm cố ở đâu đó, rồi báo mất đâu đó để làm lại. Trong thời gian cơ quan chức năng kiểm tra chủ phương tiện nộp hồ sơ thi bằng lái không có lỗi vi phạm. Vậy cơ quan chức năng sẽ cấp lại giấy phép lái xe, vậy phải chăng là có kẽ hở không?

Căn cứ Khoản 2, Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về cấp lại giấy phép lái xe: Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này; Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có); Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3; Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.

Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, người lái xe gửi 01 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.

Sau thời gian 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại giấy phép lái xe.

Việc người dân cầm cố bằng lái xe và nói là mất để xin cấp lại, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ về vấn đề này, bởi rất khó phát hiện các trường hợp cầm cố bằng lái. Đây cũng được coi là một trong những thiếu sót của pháp luật, cần phải có những quy định mới để rõ ràng hơn.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn