Sự nhiệt huyết của nghề giáo và tình yêu tiếng Việt đã đưa chị Nguyễn Thị Liên, người Việt sinh sống tại Malaysia, đến với hành trình “sứ giả tiếng Việt” đầy ý nghĩa.
Lời đề nghị đặc biệt
Năm 2021, trong thời điểm vẫn còn đang diễn ra dịch COVID-19, phía Malaysia liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam đề nghị hỗ trợ tìm giáo viên để mở một lớp tiếng Việt cho cảnh sát biển Malaysia. Mục đích là để những người cảnh sát này có thể giao tiếp được với ngư dân Việt Nam ở trên biển.
Lớp học tiếng Việt online của cô giáo Liên với cảnh sát biển Malaysia. (Ảnh: Chị Nguyễn Thị Liên)
Thông qua kết nối của Đại sứ quán với Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia, chị Nguyễn Thị Liên – chủ nhiệm câu lạc bộ, giáo viên dạy tiếng Việt nhiều năm nay tại Malaysia – đã tổ chức lớp học và đồng thời cũng là giáo viên đứng lớp chính. Khóa học được thực hiện vào giai đoạn COVID-19 nên diễn ra theo hình thức online (học trực tuyến), với khoảng 50 học viên.
“Họ học rất nghiêm túc, mặc dù hoàn cảnh nhiều khi không thuận lợi như đang trực, đang ở trên biển nên tín hiệu không ổn định, phải ra vào Zoom nhiều lần... Đó là một trải nghiệm ý nghĩa đối với tôi”, chị Liên nói.
Theo chị Liên, trong điều kiện đánh bắt xa bờ ở các vùng biển tiếp giáp nhau thì ngư dân Việt Nam cũng có những khi tiếp xúc với lực lượng chức năng của Malaysia. Nếu ngư dân không biết tiếng Anh hoặc tiếng Mã Lai thì việc giao tiếp có thể trở nên khó khăn, và chỉ ra hiệu là không đủ. Vì vậy mục tiêu lớp học đặt ra là để học viên có thể giao tiếp tiếng Việt.
Cô giáo Liên kể, dù là lớp học ngắn hạn (khoảng 3 tuần) nhưng với sự tập trung và cường độ cao, các học viên nghiêm túc thực hành bài tập và thể hiện sự tiến bộ đáng kể, sau đó đã có thể giao tiếp cơ bản được.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên và bài tập của thành viên lớp tiếng Việt cho cảnh sát biển Malaysia. (Ảnh: Chị Nguyễn Thị Liên)
Bài tập của thành viên lớp tiếng Việt cho cảnh sát biển Malaysia. (Nguồn: Chị Nguyễn Thị Liên)
“Nhất định phải biết tiếng Việt”
Chị Liên đến với công việc dạy tiếng Việt một cách tình cờ từ đề nghị của bạn bè. Năm 2016, nhận lời đề nghị từ Chủ tịch Hội Phụ nữ và sự tín nhiệm của cộng đồng người Việt tại Malaysia, chị Liên trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt. Tính đến nay, các lớp học của CLB đã hoạt động đều đặn, liên tục suốt 8 năm. Đối tượng học tiếng Việt đa dạng bao gồm từ trẻ em đến người lớn, gắn với nhu cầu trong đời sống hàng ngày và nhu cầu cá nhân của mỗi người trong cộng đồng. Chị Liên chia sẻ việc người Việt ngày càng coi trọng tiếng Việt, dù sống ở nước ngoài, là một “cái may mắn” đối với câu lạc bộ của chị.
“Các em nhỏ thường có hai mục đích. Một là khi bố mẹ sang công tác ngắn hạn, đưa các bạn nhỏ theo, các gia đình vẫn muốn duy trì tiếng Việt cho con để sau này con có thể về tiếp tục học tập ở Việt Nam. Hai là những người Việt kết hôn với người bản xứ, họ muốn duy trì tiếng Việt cho con để giao tiếp với họ hàng, gia đình ở Việt Nam.
Người lớn thì thường có nhu cầu phục vụ công việc. Vì Việt Nam và Malaysia rất gần nhau và có nhiều cơ hội kinh doanh, hợp tác nên việc biết tiếng Việt sẽ giúp họ tiếp cận với nhiều cơ hội hơn”.
Theo chị Liên, thời gian đầu mới mở lớp, người Việt ở Malaysia trong cộng đồng của chị cũng có nhiều hoàn cảnh và điều kiện, mà không phải lúc nào tiếng Việt cũng được ưu tiên.
“Các gia đình có vợ/chồng gốc Mã Lai hay gốc Hoa thường sẽ đặt ưu tiên trước hết cho tiếng Anh rồi tiếng Mã Lai, tiếng Hoa... Các gia đình thuần Việt cũng sẽ ưu tiên tiếng Anh vì mục đích hòa nhập trước. Tiếng Việt luôn ít được ưu tiên nhất và vì thế quỹ thời gian dành cho tiếng Việt của các cháu cũng hạn hẹp”.
Cũng có những trường hợp người mẹ (người Việt) muốn con học tiếng Việt để nói chuyện với gia đình họ hàng, nhưng người bố và gia đình bên nội không đồng tình. Trong trường hợp này chị Liên và câu lạc bộ cũng phải cố gắng vận động, thuyết phục.
Trong lớp học tiếng Việt của cô giáo Liên. (Nguồn: Chị Nguyễn Thị Liên)
Tuy nhiên, khi các lớp học đã phát triển hơn và nhiều người tìm đến câu lạc bộ, cũng có những trường hợp sự nhiệt tình của phụ huynh khiến chị cảm động, càng thấy mình phải cố gắng hơn nữa.
Một người bố đưa con gái đến gặp chị khi bé chỉ mới hai tuổi rưỡi. Dù chị khuyên rằng nên chờ đến khi em lớn hơn để vào lớp học cùng các bạn, người bố vẫn tha thiết thuyết phục cô giáo dạy riêng con mình vì lớn hơn cháu sẽ qua độ tuổi vàng và sẽ rất bận rộn.
Dù đã có kinh nghiệm sư phạm, nhưng với lứa tuổi đặc biệt này, chị Liên vẫn không khỏi lo lắng. “Bây giờ một cháu bé hai tuổi rưỡi được đưa đến nhà mình thì không biết là cháu có vui vẻ học không không? Nên tôi quyết định hẹn đến nhà bé nói chuyện, làm quen, tìm hiểu xem sở thích… Khi bé bắt đầu quen với tôi, giao tiếp vui vẻ, tôi mới để bố mẹ bé mang con đến học”.
Khi bắt đầu lớp học ở nhà cô giáo, hai bố con đều đặn buổi nào cũng như buổi nào, “cứ đúng giờ là có mặt và không bao giờ hủy lớp”, cô Liên kể. Người bố dù công việc bận rộn nhưng sẵn sàng mang theo máy tính đến sảnh toà nhà ngồi làm việc đợi con, thậm chí hẹn đối tác đến nói chuyện, trao đổi công việc.
Cô giáo Liên cho biết thêm, bản thân người bố là người Việt, ông bà cũng là người Việt nhưng sinh sống ở nước ngoài. Người bố nói tiếng Việt không sõi và chủ yếu trao đổi với cô giáo bằng tiếng Anh. Anh tâm sự với cô giáo là từ trải nghiệm của bản thân, anh muốn con gái “nhất định phải biết tiếng Việt”.
Chị Liên luôn cảm thấy ý nghĩa đặc biệt từ công việc mình đang làm. Một trong những kỉ niệm khiến chị “xúc động đến bủn rủn cả người” là khoảnh khắc thấy học sinh của mình khóc khi nghe bài hát “Nhật ký của mẹ” (St. Nguyễn Văn Chung). “Bài hát rất cảm động nhưng mình không xúc động vì bài hát như mọi lần nữa, mà xúc động vì thấy học sinh mình dạy đã có thể cảm nhận, rung động vì một bài hát tiếng Việt”.
Từ 2 lớp học đầu tiên học tạm phòng khách của một gia đình người Việt, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và các cơ quan, tổ chức cộng đồng, đến nay các lớp học tiếng Việt ở Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia đã có phòng học khang trang, với nhiều lớp học và nhiều lứa học sinh tham gia hơn. Với các lớp học online, chị Liên cho biết Câu lạc bộ cũng có thể mở rộng việc dạy và học tiếng Việt đến nhiều bang khác chứ không chỉ giới hạn ở thủ đô Kuala Lumpur, nơi chị đang sinh sống. Cô giáo Liên cũng sẵn sàng chia sẻ nghiệp vụ để nhiều người khác có thể tham gia vào việc giảng dạy.
Chị Nguyễn Thị Liên được vinh danh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023.
Bình luận