Không có thực, lấy gì vực đạo?
“Một số giáo viên chia sẻ với tôi, đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5 - 6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ để đi chợ chừng nửa tháng. Ngoài giờ lên lớp, nhiều giáo viên lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo, đặc biệt là ở thành phố lớn”, ông Sơn bắt đầu câu chuyện.
Theo ông Sơn, chỉ 10 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì 1 người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh. Một số tỉnh đưa ra chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn, hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn.
Bộ GD&ĐT xác định giải pháp đầu tiên khắc phục tình trạng trên là phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học. Ông cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm giáo viên hiện nay chưa được quan tâm, đó là những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn hỏi thăm học sinh, giáo viên.
- Giải pháp tăng lương và tăng phụ cấp liệu có ngăn được giáo viên nghỉ việc và thu hút người tài vào ngành Sư phạm, thưa ông?
Như tôi đã nói, đây là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực mới vực được đạo.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng giáo viên nghỉ việc vừa qua tập trung tại các thành phố, khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, nơi có mức sống bình quân của người dân cao. Giáo viên với đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, không thể yên bình trong cái nghèo. Ở những khu vực này, giáo viên nếu bỏ việc cũng dễ dàng kiếm được việc khác vì lợi thế được đào tạo, có trình độ văn hóa.
Tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, để những người thầy không còn phải tính toán chi ly, co kéo đồng lương eo hẹp cho hàng chục khoản chi mỗi tháng, toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh.
Cùng với đó, việc lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, khi khối công lập tăng lương, sẽ là đòn bẩy, kích thích khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người.
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy.
Bộ GD&ĐT sẽ rà soát các chế độ chính sách khác như quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên. Chúng tôi cũng rất cần được chia sẻ, đồng hành, tôn trọng từ phía xã hội và phụ huynh.
Giáo viên không ngừng đổi mới bài giảng thêm phong phú, thu hút học sinh.
Giáo viên quyết định thành bại của giáo dục
- Đổi mới giáo dục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Ngành Giáo dục cần tập trung vào vấn đề gì để thực hiện nhiệm vụ trên, thưa ông?
Đổi mới căn bản, toàn diện thể hiện rất nhiều nội dung, nhiều tầng thứ, nhiều khâu, nhưng thể hiện bằng một số việc lớn mà ngành Giáo dục đang triển khai trong thực tế. Đó là chuyển đổi nền giáo dục từ nặng về trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, tạo dựng cho người học những kỹ năng cần thiết để có thể có lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, và xa hơn là tạo dựng thế hệ người Việt Nam mới với phẩm chất mà chúng ta mong muốn.
Bộ GD&ĐT xác định cần đổi mới từ giáo dục mầm non đến đại học, từ triết lý giáo dục đến các phương diện quản trị giáo dục… Ngành Giáo dục xác định dứt khoát rằng, sẽ lấy việc phát triển, đổi mới, chăm lo, xây dựng đội ngũ thầy cô giáo là yếu tố mang tính nền tảng, trụ cột, có tính chất quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Như vậy, chưa bao giờ nhà giáo đứng trước trách nhiệm, sức mạnh và yêu cầu cao, thách thức lớn, khó khăn nhiều như thời điểm hiện nay.
- Vậy theo Bộ trưởng, các thầy cô giáo cần làm gì để đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay?
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là: Triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới (2018); Thầy cô phải chuyển phương pháp dạy học từ lấy sách giáo khoa làm chuẩn sang lấy chương trình làm chuẩn; Những phương pháp kiểm tra, đánh giá, những yếu tố mới có rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi thầy cô phải có được những kỹ năng; các cơ sở giáo dục phải năng động, chủ động và sáng tạo hơn.
Với giảng viên đại học, cần đội ngũ không chỉ tinh thông trình độ chuyên môn mà còn có năng lực hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo, có nhiều công trình khoa học giải quyết được những vấn đề kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
- Như Bộ trưởng đã chia sẻ, đội ngũ nhà giáo là yếu tố có tính chất quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, số lượng giáo viên hiện nay thiếu trầm trọng ở nhiều nơi, liệu có làm chậm mục tiêu đổi mới toàn ngành?
Bộ GD&ĐT đang đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, càng sớm càng tốt, có giải pháp tình thế, cho tuyển đủ số giáo viên dạy học tiểu học. Ngành Giáo dục sẽ tổ chức đào tạo, bảo đảm đạt trình độ đại học theo chuẩn quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và theo đúng lộ trình hoàn thành trước năm 2030.
Một giải pháp nữa trong việc giải quyết vấn đề đội ngũ là linh hoạt trong các phương pháp dạy học.
Theo ước tính của Bộ GD&ĐT, từ nay đến năm 2026 thiếu ít nhất khoảng 26.000 giáo viên các môn tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, 100% cơ sở giáo dục và tất cả các lớp trong cả nước đã được bố trí học môn tin học, ngoại ngữ với các hình thức khác nhau như trực tiếp, trực tuyến.
Thí dụ, tại tỉnh Yên Bái có những khu vực bố trí giáo viên dạy ngoại ngữ cho một cụm trường khác nhau; hoặc một số trường lớp có sự kết nối, hỗ trợ từ giáo viên của Hà Nội dạy trực tuyến cho lớp học ở Yên Bái.
Như vậy, sự linh hoạt trong dạy học trực tiếp, trực tuyến, bài giảng điện tử... sẽ bảo đảm tối thiểu cho học sinh quyền được học theo chương trình giáo dục phổ thông. Dù chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng việc triển khai dạy tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật… ở tất cả các trường sẽ tạo điều kiện để các tỉnh có căn cứ chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin… cho việc đổi mới.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận