Nguyên nhân trên được ông Hồ Minh Tấn, trưởng phòng An toàn Cục Hàng không Việt Nam tiết lộ tại buổi họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải chiều tối 27/9.
Theo ông Tấn, việc tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không T’way (Hàn Quốc) gặp sự cố khi phát hiện tiếng động lớn ở mũi máy bay và phải xin hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất là do tác động bên ngoài. Cụ thể là do va chạm với vật thể lạ chứ không phải chim trời vì không để lại dấu vết của chim.
"Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà chức trách hàng không Hàn Quốc về vụ việc. Ngoài ra, có sự tham gia của Bộ Quốc phòng vì đây là cơ quan chủ trì quản lý các phương tiện bay không người lái”, ông Tấn nói.
Ngày 19/9, vào lúc 0h06 ngày 19/9, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhận được thông tin từ Đài kiểm soát không lưu: máy bay Boeing 737 thực hiện chuyến bay TW 123 của Hãng T’way từ Seoul (Hàn Quốc) đến TP.HCM thông báo máy bay bị trục trặc kỹ thuật và xin trợ giúp mặt đất lúc hạ cánh.
Sở dĩ cơ trưởng chuyến bay xin trợ giúp vì trong quá trình tiếp cận hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất ở độ cao hơn 609m, tổ bay thấy có tiếng động lớn ở mũi máy bay.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai khẩn nguy đến các đơn vị liên quan và cho xe cứu hỏa trực tại các vị trí chờ ở cửa đường băng 25R/07L.
Đến 0h09, máy bay hạ cánh tại đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất, lăn vào bến đỗ số 72, không phải trợ giúp.
Thợ máy kiểm tra thấy mũi máy bay có vết móp lớn. Đại diện Hãng hàng không T’way Air (một hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc) đã cho máy bay nằm lại sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra kỹ thuật, khắc phục sự cố.
Cũng tại buổi họp báo chiều qua, trả lời về sự cố chuyến bay Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Melbourne (Australia) ngày 18/9 suýt hạ cánh nhưng chưa bung càng (bánh xe của máy bay), ông Tấn chỉ rõ nguyên nhân tiếp cận sân bay Melbourne không ổn định.
“Vụ việc đang được Cục Hàng không Australia tải dữ liệu, phân tích, lập công tác điều tra do phía nước bạn thực hiện và Cục Hàng không Việt Nam đã cử đại diện sang Australia để phối hợp, làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân sơ bộ đánh giá là do yếu tố con người về việc tiếp cận không ổn định, nhưng rất may đã có cảnh báo của cơ quan kiểm soát không lưu Australia nên tàu bay đã tiếp cận lần 2 và hạ cánh an toàn", ông Tấn nói.
Liên quan đến việc các hãng hàng không mới và đang xin giấy phép để mở đường bay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đưa ra quan điểm chung ủng hộ, thị trường hàng không tăng trưởng sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng khi giá cả tốt cho hành khách.
Ông Đông cũng cho rằng, việc cấp phép cho hãng bay mới là ngành kinh doanh có điều kiện nên phải xem xét kỹ, trong đó có yếu tố dự phòng mở hãng đó với nhu cầu thị trường đánh giá trên cơ sở tăng trưởng để đáp ứng tốt hơn, xem xét phù hợp lộ trình năng lực Cảng hàng không (đặc biệt hãng mới mở phải xem xét kỹ về tính cạnh trạnh, lộ trình đầu tư, điểm đến…).
Bình luận