• Zalo

Liên Xô đã có động thái gì khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979?

Thế giớiThứ Năm, 14/02/2019 13:56:00 +07:00Google News

Nhà báo Phan Việt Hùng lược dịch những tài liệu quý giá về tuyên bố của chính phủ Liên Xô cảnh cáo chính quyền Bắc Kinh khi đưa quân xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979.

Ngay sau khi Trung Quốc đưa hơn 60 vạn quân đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam ngày 17/2/1979, Chính phủ Liên Xô đã ra tuyên bố đầu tiên, in trên báo Sự thật (Pravda) hôm 19/2, trong đó có đoạn:

"Sự xâm lược của quân đội Trung Quốc vào Việt Nam không thể không làm bất cứ một người nào trung thực trên thế giới, không một quốc gia có chủ quyền nào thờ ơ. Hành động xâm lược đó đi ngược lại các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đã cho toàn thế giới thấy được bản chất thực sự của chính sách bá quyền của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.

...Nhân dân Việt Nam anh hùng, nạn nhân của cuộc xâm lược mới, sẽ đứng vững, và thêm nữa, bên họ luôn có những người bạn tin cậy. Liên Xô sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và CHXHCN Việt Nam.

Những ai đang thực thi chính sách ở Bắc Kinh hãy dừng lại khi chưa muộn. Nhân dân Trung Quốc cũng như các dân tộc khác cần hòa bình, chứ không phải là chiến tranh. Lãnh đạo Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tiếp tục xâm lược nước CHXHCN Việt Nam.

Liên Xô kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay cuộc xâm lược và khẩn trương rút quân Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.

Không được đụng đến nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

50067390_10211773268521134_6734395255681974272_n

 Bài đăng trên báo Sự thật (Pravda) ngày 19/2/1979. (Nguồn ảnh: Phan Việt Hùng)

Cũng trong ngày 19/2, Liên Xô đã cử ngay Đại tướng Ghenady Obaturov cùng 20 sĩ quan cao cấp Liên Xô sang giúp Việt Nam. Một cầu hàng không cấp tập được thành lập. Cảng Hải Phòng tấp nập các chuyến tàu chở vũ khí từ Liên Xô cập cảng. Một cuộc tập trận áp sát biên giới Trung Quốc  từ phía Mông Cổ quy mô lớn đã diễn ra.

Đồng thời, các tàu mặt nước, tàu ngầm Liên Xô cũng được điều tới Biển Đông, sẵn sàng hành động.

vi-dai-tuong-lien-xo-da-sat-canh-cung-viet-nam-nam-1979-la-ai 4

 Đại tướng Obaturov tại Việt Nam, tháng 2/1979. (Nguồn ảnh: Soha)

Ngày 2/3/1979, Chính phủ Liên Xô ra tiếp tuyên bố thứ hai, như một tối hậu thư, trong đó có đoạn:

Sự xâm lược của Trung Quốc chống lại CHXHCN Việt Nam tiếp tục gia tăng... Liên Xô cho rằng cần phải tuyên bố một cách chắc chắn: Các hành động của Trung Quốc khiến cho những ai thực sự quan tâm đến việc đảm bảo an ninh của các dân tộc, trong việc giữ gìn hòa bình không thể thờ ơ.

Quân đội Trung Quốc cần rút ngay lập tức khỏi lãnh thổ Việt Nam".

50-1 7

 Nhân dân Liên Xô tại thủ đô Matxcơva trong một cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam năm 1965.

Trong ngày 2/3/1979, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev tại cuộc tiếp xúc với cử tri khu vực bầu cử quận Bauman, thủ đô Matxcơva đã nói:

"Với cuộc tấn công trơ trẽn chưa từng thấy của họ (Trung Quốc) vào một quốc gia láng giềng nhỏ bé - nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - những người cầm quyền Bắc Kinh hiện nay cuối cùng thì cũng đã lộ cho cả thế giới thấy dã tâm và bản chất hung hăng của chính sách bá quyền của chúng.

Và hôm nay, trong giờ phút khó khăn này đối với người dân Việt Nam, chúng ta thể hiện tình đoàn kết trọn vẹn trước sau như một với họ. Và đây là điều không ai có thể nghi ngờ: Liên Xô sẽ trung thành với Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ràng buộc giữa 2 nước chúng ta.

tbt-lienxo 3

 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev. (Nguồn ảnh: Imgur)

Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Đứng về phía họ là những người trung thực và yêu chuộng hòa bình của toàn thế giới.

Vì vậy, cuộc đấu tranh của (nhân dân) Việt Nam là bất khả chiến bại, các âm mưu của quân xâm lược sẽ phải chịu thất bại”.

Phan Việt Hùng
Bình luận
vtcnews.vn