• Zalo

Lãi lao dốc 53%, chi phí quản lý ‘đội’ 136%, Than Hà Lầm nói gì?

Kinh tếThứ Tư, 18/09/2019 09:04:00 +07:00Google News

Lợi nhuận sau thuế của Than Hà Lầm 6 tháng đầu năm 2019 lao dốc 53%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến hơn 136%.

Báo cáo tài chính giữa niên độ 2019 đã soát xét của Công ty Cổ phần Than Hà Lầm (Than Hà Lầm, mã chứng khoán HLC) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.586,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,1%.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HLC bất ngờ giảm hơn 53%, chỉ còn 15,3 tỷ đồng so với 23,5 tỷ đồng cùng kỳ 2018, tức giảm hơn 8,1 tỷ đồng.

Than Ha Lam

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu 2019 Than Hà Lầm giảm sâu 53,3% so cùng kỳ 2018.  

Yếu tố chủ yếu kéo lùi lãi ròng Than Hà Lầm là do chi phí quản lý doanh nghiệp và thuế thu nhập tăng đột biến, lần lượt 136% và 601,7%.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của HLC bất ngờ vọt lên 103,6 tỷ đồng, tức tăng hơn 48 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc khoản chi phí khác tăng từ 12,3 tỷ đồng lên 64,3 tỷ đồng.

Chi phí thuế thu nhập HLC cũng tăng từ hơn 5,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên gần 40,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Than Hà Lầm hiện đang gánh khoản nợ hơn 3.094 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 496,5 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 2.597 tỷ đồng. Vay nợ lớn khiến HLC phải trả 129,7 tỷ đồng lãi vay kể từ đầu năm, tương đương doanh nghiệp phải trả gần 1,4 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày.

Trong khi đó tổng tài sản tại thời điểm 30/6 là hơn 3.435 tỷ đồng, giảm 12,5% so hồi đầu năm. Vốn sở hữu HLC hiện đạt hơn 341 tỷ đồng, như vậy nợ phải trả gấp 9,07 lần vốn.

Giải trình về việc giảm lợi nhuận sau thuế tới 53,3%, ông Trần Mạnh Cường – Giám đốc Than Hà Lầm - cho biết do 6 tháng đầu năm, HLC tập trung vật tư, nhân lực để chuyển diện khai thác lò chợ cơ giới hóa 600.000 tấn/năm.

Chia sẻ về việc tăng đột biến khoản chi phí khác tới 136%, bà Vũ Thị Minh Thanh, Kế toán trưởng HLC cho hay, nửa đầu năm, HLC phải nộp cho Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) các khoản chi phí tập trung hơn 45 tỷ đồng, gồm chi phí thăm dò gần 23,7 tỷ đồng, chi phí môi trường gần 15,8 tỷ đồng, chi phí cấp cứu mỏ hơn 2,3 tỷ đồng và cho hỗ trợ đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng hơn 3,1 tỷ đồng.

Được biết, năm 2018, TKV không thực hiện trích lập các quỹ tập trung. Các đề án thăm dò khảo sát, các công việc môi trường, hoạt động đào tạo, y tế, cấp cứu mỏ, đổi mới cơ cấu lao động trước đây thực hiện bằng nguồn quỹ tập trung TKV được chuyển sang hình thức chi trực tiếp từ chi phí quản lý điều hành của TKV và chi phí sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

Tại Than Hà Lầm, TKV nắm giữ hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương 74,21% vốn.

Trên sàn chứng khoán, mã HLC của Than Hà Lầm đang giao dịch dưới mệnh giá 7.100 đồng/cổ phiếu với thanh khoản rất yếu, hầu như không có giao dịch.

Than Hà Lầm là công ty con của TKV. Doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 254 tỷ đồng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác than hầm lò, với sản lượng than khai thác khoảng 3 triệu tấn mỗi năm.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn