Phóng sự - Khám phá

Lạc vào miền gái đẹp

Thứ Hai, 30/01/2023 06:57:00 +07:00

(VTC News) - Có người bảo con gái xứ ấy đẹp một phần vì khí hậu, một phần vì được tắm nước Nậm Thia.

Vào “lò” gái xinh

"Muốn ăn gạo trắng nước trong,

Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”.

Đèo Ách thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái), cách thị xã Nghĩa Lộ chừng 20 km. Đường ngoằn ngoèo hiểm trở, nhưng cảnh thì không chê vào đâu được.

Hết đèo Ách, đi một đoạn đèo núi thấp hơn, bỗng một vùng bình nguyên bao la mở ra dưới chân dốc. Đó là thị xã Nghĩa Lộ hay cánh đồng Mường Lò, một trong bốn cánh đồng lớn nhất miền Tây Bắc (Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc). Cánh đồng Mường Lò bao gồm toàn bộ thị xã Nghĩa Lộ và một số xã của huyện Văn Chấn.

Người ta kể rằng, cuối thế kỷ thứ X, có một tộc người Thái Đen do Lò Lạng Trượng dẫn đầu từ phương bắc đi qua châu Mai Sơn, châu Phù Yên, dừng chân bên dòng Nậm Thia khai phá miền đất rộng lớn này, rồi lập mường. Vì thế, nơi đây mới có tên là Mường Lò (mường của họ Lò). Rồi Mường Lò ngày thêm đông đúc, ngoài người Thái còn có thêm người Tày, người Nùng, người Mông, người Khơ Mú, người Dao.

Trong những ngày “lạc lối” ở Mường Lò, điều tôi dễ dàng nhận thấy là phụ nữ dân tộc Thái nơi đây ai cũng da trắng, tóc dài, thắt đáy lưng ong, dáng đi uyển chuyển... Có người bảo ấy là do khí hậu Mường Lò, nhưng truyền tích của người Thái thì nói rằng, bí mật ấy thuộc về dòng Nậm Thia.

Người ta nói ăn nước dòng Thia, tắm suối Thia giúp con gái Thái trắng da, mượt tóc, dáng người chuẩn, cộng thêm bộ áo váy “vừa bó chỗ cần bó, vừa thoáng chỗ cần thoáng” nên các cô càng xinh đẹp, dáng đi càng uyển chuyển.

Lạc vào miền gái đẹp - 1

Con gái Thái rất thích tắm suối

Hãy thử ngắm cô gái Thái xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống: chiếc váy đen ôm sát đùi từ eo đến gần mắt cá chân, chiếc áo cóm cộc tay bó sát cơ thể để lộ đôi cánh tay trắng nuột nà, kết hợp với chiếc thắt lưng xanh tôn lên những đường cong tuyệt mỹ. Váy bó sát cơ thể khiến người con gái Thái không thể và cũng chẳng cần phải đi nhanh, cứ nhẹ nhàng, uyển chuyển...

Không biết nước dòng Nậm Thia có chất gì giúp dưỡng da hay làm mượt tóc hay không, nhưng những câu chuyện mà dân trong vùng kể cho nhau nghe từ đời này qua đời khác đã cho thấy bóng dáng cái đẹp, cái yêu kiều của phụ nữ Thái Mường Lò thấp thoáng dưới làn nước Nậm Thia.

Người Thái Mường Lò kể lại rằng: Từ xa xưa, dưới chân núi Trạm Tấu (nay thuộc xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn) có một bản Thái. Nơi đó có một chàng trai vạm vỡ,  tài săn bắn, giỏi thổi khèn. Chàng yêu cô gái đẹp nhất vùng. Cô khéo dệt vải, hát múa hay và có mái tóc dài mượt óng như tơ lụa, lúc nào cũng tỏa hương thơm. Mỗi lần chàng trai thổi khèn, cô gái cất lên giọng hát là mọi người kéo đến đông nghịt chân núi để được tận mắt chiêm ngưỡng đôi trai tài gái sắc, tận tai nghe những âm thanh kỳ diệu từ những khúc tình ca của họ.

Nhưng rồi tên chúa đất tìm mọi cách để phá vỡ cuộc tình duyên ấy. Cậy có quyền, hắn cho người bắt cô gái đẹp về nhà làm nàng hầu và đuổi chàng trai đi nơi khác. Nhờ dân bản giúp đỡ, che chở, cô gái trốn được khỏi nhà chúa đất, tìm được người yêu. Thế rồi, đôi bạn tình dắt tay nhau chạy miết vào rừng. Họ chạy mãi, chạy mãi, đêm tối mịt mùng cũng không dừng lại. Đến khi đôi trai gái trèo lên được ngọn núi cao nhất thì trời hửng sáng. Cả hai đều đói lả và kiệt sức. Họ dựa lưng vào nhau than khóc. Cô gái khóc nhiều đến nỗi nước mắt ướt bảy cánh rừng rộng, chín đỉnh núi cao. Nước mắt biến thành dòng nước to, đổ xuống chân đèo thành suối lớn.

Thương cảm tấm lòng của người yêu, sau những lời thề nguyền sống không lấy được nhau thì sẽ chết ở bên nhau, chàng trai nhảy xuống dòng nước xanh biếc ấy trẫm mình. Thân thể chàng khi vừa chạm vào dòng nước đã vỡ tan, hóa thành trăm ngàn mảnh đá nằm sâu trong lòng nước. Cô gái cũng trẫm mình xuống dòng nước ấy, mái tóc dài bung ra. Những sợi tóc gắn vào hòn đá tạo thành thứ rêu óng ả, lấp lánh dưới ánh nắng, xao động tựa như ngàn vạn bàn tay vẫy gọi. Thứ rêu này người Thái gọi là Cay Hin và lấy về làm thành món ăn thơm ngon, đậm đà trong những bữa rượu hứa hôn.

Từ đó, dòng suối chảy qua vùng lòng chảo Mường Lò được gọi là Nậm Xia (nước mắt đôi bạn tình). Trải qua thời gian, qua những câu chuyện truyền miệng dân gian, lâu dần Nậm Xia bị gọi chệch thành Nậm Thia, suối Thia hay ngòi Thia như bây giờ...

Vẻ đẹp của lao động

Tôi hỏi thăm đường vào bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, nằm ngay bên dòng Nậm Thia. Đây là một phụ lưu cấp 1 của sông Hồng, chảy qua các huyện phía tây tỉnh Yên Bái. Sông dài chừng 165 km, lưu vực rộng 1.563 km². Độ cao bình quân của lưu vực Ngòi Thia lên tới 907 m, độ chênh lệch lưu lượng giữa mùa lũ và mùa cạn lên tới 480 lần. Dòng sông uốn khúc quanh co qua nhiều xã, đến khu vực Coóng Kéng thì đổ ra sông Hồng theo một cửa ngầm dưới lòng núi.

Tôi đi dọc Nậm Thia, ngang qua bản Sang Đốm, hướng về bản Sà Rèn. Đi ngược chiều là một phụ nữ đã luống tuổi, mặc bộ đồ đen của dân tộc Thái. Nước da trắng, khuôn mặt trái xoan, kết hợp với “tằng cẩu” (búi tóc vấn cao trên đỉnh đầu, dấu hiệu của người phụ nữ đã có chồng) làm tôn lên vẻ đẹp vừa kiêu sa vừa bình dị của chị. “Bản Sà Rèn chỉ cách đây chưa đến một cây số. Tôi cũng là người bản ấy”, chị bảo. Tôi chưa kịp nghĩ ra cách hỏi tên tuổi sao cho đối phương không e ngại thì “chị đẹp” đã rảo bước đi luôn.

Lạc vào miền gái đẹp - 2

Dòng Nậm Thia

Sà Rèn là bản Thái vẫn còn giữ nguyên được vẻ đẹp thuần khiết của lối kiến trúc dân tộc Thái, với những ngôi nhà sàn bằng gỗ lấp ló bên rặng tre già, cánh đồng lúa vàng ươm. Bản có đủ bốn họ lớn của người Thái là họ Lò, họ Lường, họ Điêu và họ Hà.

Bà Lường Thị Là - 76 tuổi bảo rằng, ngay từ tuổi lên 10, các cô gái Thái đã được mẹ dạy quấn xài ẻo (thắt lưng) dệt bằng vải tơ, trẻ thì màu xanh, có tuổi đổi qua màu tím. Xài ẻo vừa để giữ váy, vừa khiến đám con trai khó mà không bị thu hút bởi cái eo và dáng đi uyển chuyển của người con gái Thái.

Bà Là bảo ngoài chăm sóc tóc bằng những phương pháp cổ truyền, như gội đầu bằng nước vo gạo để chua, cỏ mần trầu, con gái Thái còn thường xuyên ngâm mình trong nước suối Nậm Thia. Phải chăng vì vậy mà da dẻ các cô trong vùng luôn trắng sáng?

Lạc vào miền gái đẹp - 3

Vẻ đẹp vừa dịu dàng vừa pha chút kiêu sa

Đi dạo trong bản Sà Rèn và bản Sang Đốm cả buổi, tôi nhận thấy các bà, các cô ai cũng giữ được sự cân đối của cơ thể, không có người béo, cũng không có người quá gầy.

Lò Thị Thùy - 23 tuổi, ở bản Sang Đốm, giải thích: “Phụ nữ vùng cao chúng em lao động luôn tay luôn chân cả ngày, có lúc nào ngơi. Hết ngoài nương lại đến ruộng vườn, cấy hái, thêu đan, nên làm gì có cơ hội cho mỡ thừa”. Cô gái cười, mắt tít lá răm.

Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, vẻ đẹp trong lao động. Chẳng thế mà người Thái khắp nơi vẫn thường ca ngợi cô gái trẻ Biết làm nương, đi xúc, dệt thêu/ Tung nắm tấm hóa ra đàn gà/ Khua cái chày hóa ra gạo trắng/ Đụng vào cỏ là cỏ chết nắng/ Vuốt bụi lúa bụi lúa trổ bông/ Êm ái ru con ngủ đêm khuya/ Thủ thỉ làm hiền khi chồng đang giận…Thích gội đầu lá sả tóc như rêu... (Còn nữa)

Nguyễn Xuân Thủy(Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn