VinUni là trường đại học trẻ nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận được xếp hạng QS 5 sao ở 7 hạng mục chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động. VinUni cũng là cơ sở đào tạo y khoa đầu tiên của Việt Nam và thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Đại học Quốc gia Singapore) đạt chứng nhận kiểm định ACGME - I, chứng nhận kiểm định với đòi hỏi vô cùng khắt khe của Hội đồng kiểm định chất lượng Quốc tế các chương trình Giáo dục Y khoa sau đại học.
Từ khi chưa chính thức tốt nghiệp nhưng 32% tân khoa của trường đã được mời làm việc tại các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới và trong khu vực, 25% nhận được thư mời học sau đại học tại các trường đại học danh giá hàng đầu thế giới như Harvard, Cornell, Pennsylvania.
Năm nay, cả 3 sinh viên được McKinsey - công ty tư vấn quản trị hàng đầu thế giới, tuyển dụng đều là sinh viên VinUni, hai sinh viên được Google Việt Nam mời làm việc cũng đều là sinh viên VinUni… Đặc biệt, sinh viên Trần Tuấn Minh của trường vừa xuất sắc trở thành người Việt trẻ nhất trong lịch sử được Forbes vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 ảnh hưởng nhất châu Á năm 2024.
“Chúng tôi mong muốn nhanh chóng đưa VinUni trở thành đại học xuất sắc với đẳng cấp thế giới. Tràn ngập quyết tâm như một công ty khởi nghiệp, tất cả đội ngũ của VinUni đã đồng lòng nhất trí triển khai mọi việc tốc độ, chuẩn chỉ và hiệu quả”, giáo sư David Bangsberg, nhà khoa học y khoa hàng đầu thế giới, Hiệu trưởng trường Đại học VinUni, tự hào nói.
VinUni phải phấn đấu trở thành trường đại học xuất sắc, đẳng cấp thế giới ở Việt Nam nhanh nhất. Đó là khát vọng lớn lao được lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đặt ra ngay từ đầu. Khát vọng vươn tới sự xuất sắc là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của trường, là thỏi nam châm thu hút những cá nhân ưu tú trong và ngoài nước cùng chung lý tưởng. Mọi người đều hiểu lý do họ có mặt ở VinUni để vượt qua mọi giới hạn, để tạo ra kỳ tích mới.
“Với khát vọng đó, chúng tôi xác định phải học hỏi từ những người giỏi nhất, phải đứng trên vai ‘người khổng lồ’, những trường đại học đẳng cấp Ivy. Vì vậy, trong thời gian đầu mới ‘lập nghiệp’, dù liên tục bị từ chối, chúng tôi vẫn không bỏ cuộc. Sự kiên trì đó được đền đáp khi đại học Đại học Pennsylavania và Cornell đã nhiệt tình hỗ trợ”, tiến sĩ Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni nói.
Chia sẻ về sự hỗ trợ hết mình này, giáo sư Max Pfeffer, Đại học Cornell nói: “Với lịch sử hơn 150 năm, chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều đại học trên thế giới nhưng với VinUni rất khác biệt. Đây là việc kiến tạo một trường đại học mới hoàn toàn, họ chưa có truyền thống, chưa có di sản. Mọi mô hình đều mang tính tiên phong, chưa được kiểm chứng, cũng đồng nghĩa là có khả năng đột phá rất lớn. Khát vọng lớn lao này ngay lập tức chinh phục chúng tôi”.
Giáo sư Rohit Verma, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ Đối ngoại của trường Kinh doanh đại, Đại học Cornell, sau này được Cornell biệt phái làm Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học VinUni thì ngay lập tức nhận ra "đề xuất của VinUni thực sự là cơ hội chỉ có một lần trong đời”.
Sự hỗ trợ của hai trong số 8 đại học khối Ivy đã chắp cánh cho quyết tâm của VinUni, tạo ra bảo chứng với hiệu ứng đồng vọng đến rất nhiều nhà khoa học tâm huyết trong và ngoài nước.
PGS.TS Phạm Ngọc Nam khi đó đang là Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có quyết định bất ngờ khi gia nhập “ngôi trường 0 tuổi”. “Tôi yêu Bách khoa và chưa từng nghĩ sẽ rời đi cho đến một ngày vô tình mở email do đồng nghiệp chuyển tiếp và vô cùng bất ngờ khi biết Vingroup muốn xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam.
Đó là tham vọng rất lớn, nhưng xây dựng mô hình đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam như kỳ vọng mà VinUni đặt ra cũng chính là lý tưởng tôi mong đợi. Không đắn đo, tôi quyết định xin nghỉ việc ở Đại học Bách khoa để cùng VinUni hợp sức dựng trường dù gần như tất cả đồng nghiệp, người thân đều khuyên tôi không nên mạo hiểm vì VinUni khi đó mới chỉ là ngôi trường trên… giấy”, PGS.TS Phạm Ngọc Nam chia sẻ.
Cùng thời điểm đó, cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất, tiến sỹ Đỗ Thọ Trường đang ở Mỹ cũng nhận được email mời tham gia dự án VinUni. “Mô hình liên kết đại học Việt Nam hợp tác với quốc tế hoặc trường quốc tế mở cơ sở ở Việt Nam đã có nhiều nhưng xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam, do người Việt Nam thì chưa từng có. Là người làm trong lĩnh vực giáo dục, tôi hiểu đây là cơ hội lớn lao nên đã lập tức gửi CV dù lúc đó tôi và cả gia đình đang có cuộc sống ổn định ở Mỹ”, tiến sỹ Đỗ Thọ Trường, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Cơ khí, Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, Đại học VinUni nhớ lại.
Khát vọng về một đại học tinh hoa ngay tại Việt Nam, của Việt Nam của VinUni cũng chinh phục cả những phụ huynh, học sinh tài năng quyết định từ bỏ cơ hội du học, trở thành lứa sinh viên đầu tiên cùng kiến tạo ngôi trường đẳng cấp thế giới.
“Việc du học không khó nhưng được là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng xây dựng nên văn hóa học tập ở một trường đại học tinh hoa trong nước là cơ hội không có lần thứ hai trong đời”, Giáp Vũ Nam Dương, sinh viên năm 4 tân khoa ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học VinUni nói về lý do gia nhập VinUni 4 năm trước, mặc dù với thành tích top 1% điểm SAT cao nhất thế giới, em có cơ hội ở rất nhiều đại học quốc tế.
“Rất nhiều người bạn mà em biết rất giỏi đều đã từ nước ngoài trở về chọn học ở VinUni, điều này đã ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của em. VinUni xác định xây dựng đại học tinh hoa nên về mặt chất lượng rất đáng để thử, em quyết định ‘đặt cược’ vào đây”, Dương Bảo Tiên chia sẻ về quyết định từ chối 15 trường đại học ở Mỹ đề trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của VinUni.
“Tất cả chúng tôi đều làm việc đến 200% sức lực”, nhớ lại những ngày đầu tiên đặt nền móng cho Đại học VinUni, Phó giáo sư Phạm Ngọc Nam cho biết tất cả đều làm việc đến 200% sức lực chia sẻ. Áp lực công việc lớn, có hôm 2-3 giờ chiều ông còn chưa được ăn trưa, đến mức bao giờ trong ngăn bàn của ông cũng có sẵn bánh quy để có thể lót dạ ngay khi cần, rồi lại tiếp tục làm việc. Vì chênh lệch múi giờ, việc dậy sớm hay thức đêm để trao đổi với các giáo sư Đại học Cornell trở thành bình thường vì tiến độ công việc tính từng ngày.
“Tôi cũng không hiểu khi đó mình lấy đâu sức lực để có thể làm việc nhiều và hiệu quả đến thế. Có lẽ chính nhiệt huyết và sự quyết tâm rất lớn đã tạo động lực cho tôi và mọi người đều hăng say như vậy”, PGS Phạm Ngọc Nam chia sẻ.
Còn với tiến sỹ Đỗ Thọ Trường, ông không thể quên những ngày xây dựng chương trình để trình lên Bộ GD&ĐT xin mở ngành đào tạo. Tài liệu rất dày, nhân sự rất mỏng, vị tiến sỹ không những phải lo nội dung mà còn phải tự căn chỉnh sao cho thật chuẩn mực từ cỡ chữ, giãn dòng, rồi 8h tối vẫn đi xe máy ra phố Tạ Quang Bửu in, photo, đóng gáy để sáng hôm sau kịp mang đến Bộ GD&ĐT nộp.
“Mọi người đều làm tất cả các công việc mà mình có thể làm được, sẵn sàng lăn xả để hoàn thành tốt. Cái gì cũng đòi hỏi phải tốc độ, phải chuẩn chỉ: xây dựng chương trình nhanh, xin giấy phép nhanh, xây trường nhanh, ai cũng phải cố gắng hết sức", tiến sỹ Đỗ Thọ Trường kể.
Chia sẻ về hành trình 6 năm qua của VinUni, giáo sư David Bangsberg, Hiệu trưởng yrường Đại học VinUni, tự hào nói: “Với khát vọng ghi tên Việt Nam trên bản đồ đại học đẳng cấp thế giới, ở VinUni, sự tận hiến cho công việc phải gấp đôi, gấp ba các đồng nghiệp Harvard. Harvard là môi trường đầy khát vọng và nội lực, nhưng VinUni còn nỗ lực nhiều hơn thế nữa”.
Với tốc độ thần kỳ, chỉ trong hơn một năm từ ngày khởi công, trên cánh đồng lúa làng Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) đã sừng sững mọc lên ngôi trường đại học rộng 23ha, mang đậm phong cách châu Âu, với hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, chương trình học chuẩn quốc tế được xây dựng và đảm bảo bởi Cornell và Pennsylavania.
“Tuyển sinh khóa đầu tiên thực sự là thách thức vì chúng tôi là trường đại học vừa mới khai sinh, không có gì để bảo chứng ngoài khát vọng mãnh liệt, trong. Trong khi đối tượng tuyển chọn là những học sinh tài năng, và vì tài năng, các em có rất nhiều lựa chọn khác, đặc biệt là các học bổng du học nước ngoài. Tôi đã đề nghị phụ huynh và học sinh hãy ‘tạm ứng’ lòng tin và chúng tôi nhất định sẽ không phụ lòng tin đó”, PGS Phạm Ngọc Nam kể.
Với tiến sỹ Lê Mai Lan, ngày đón những sinh viên đầu tiên nhập học vào tháng 10/2020 với các cán bộ, giảng viên VinUni vô cùng cảm xúc như đón những đứa con tinh thần.
Trường dành cho những đứa con tinh thần một chiến lược đào tạo hoàn toàn khác biệt: Một nền giáo dục toàn cầu - thực chiến - phụng sự.
Để có chương trình giáo dục toàn cầu, VinUni đã có nền tảng chương trình chuẩn quốc tế và phương pháp giảng dạy quốc tế từ hai đối tác Cornell và U PennUPenn. Trường chủ động kết nối với các giáo sư đầu ngành của các đại học quốc tế xuất sắc, tạo ra các học kỳ trao đổi, cơ hội nghiên cứu và đào tạo chuyển tiếp cho sinh viên.
Để có nền giáo dục thực chiến, VinUni chủ đích hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội uy tín, mời các doanh nhân, nhà quản lý tới trường làm cố vấn thực tập, truyền cảm hứng sự nghiệp cho sinh viên. Học kỳ thực tập là điều bắt buộc tại VinUni, nơi sinh viên được thực sự “cài nhúng” vào thực tế doanh nghiệp. Các môn học đều có dự án ở các quy mô khác nhau, sinh viên phải học cách quản trị thời gian, làm việc nhóm, cách thuyết trình, cách chấp nhận thất bại và tiếp tục đứng lên.
Để có thể được tốt nghiệp, mỗi sinh viên phải có ít nhất 40 giờ thực hiện dự án thiện nguyện, phụng sự xã hội. Nhờ đó, sinh viên có sự thấu cảm với các hoàn cảnh khó khăn hơn mình và ý thức phải gánh vác trách nhiệm tạo ra sự thay đổi.
“Khi mới nhập học, trường muốn đào tạo các em ba chữ tự: tự tôn, tự chủ, tự học. Sau 4 năm, có thêm ba chữ tự mới đã được hình thành là: tự tin, tự hào, tự lập. Các em tự tin vào chính mình vì qua quá trình đi thực tế với nhiều va đập, trải nghiệm, các em hiểu bản thân, biết mình có thể làm gì và mong muốn gì, không ảo tưởng nhưng cũng không tự ti. Các em tự hào vì 4 năm qua, các em chứng kiến sự kiên cường của Việt namNam cũng như sự phát triển đột phá của Tập đoàn Vingroup, vươn lên mạnh mẽ chính trong áp lực tàn phá của đại dịch Covid. Và chặng tới đây, ở tuổi 22, các em sẵn sàng tự lập, tự khởi sự con đường của mình”, tiến sỹ Lê Mai Lan chia sẻ.
Tiến sỹ Lê Mai Lan thể hiện sự xúc động khi nghĩ về những ngày đầu tiên, nhiều cô, cậu học trò 18 tuổi vẫn còn ôm gấu bông đến trường nhập học. “Bây giờ, các em đã thực sự trưởng thành, bạn nào cũng có trăn trở, mong muốn đóng góp cho xã hội chứ không chỉ mơ về một công việc ổn định, lương cao. Những khát vọng đó cũng không còn là suy nghĩ viển vông mà là điều các em đã nghiên cứu, đã trải nghiệm và tin tưởng. Một điểm đặc biệt nữa là sinh viên VinUni rất thương quý nhau, thế hệ đi trước giúp thế hệ đi sau, luôn có có tinh thần “pay it forward" - “cho đi không chờ nhận lại” rất cao. Đó là những điều tôi rất tự hào”, tiến sỹ Lê Mai Lan cười nói.
Nhìn lại hành trình 4 năm gắn bó và thay đổi bản thân tại VinUni, Cao Gia Bảo, tân cử nhân khoa Viện Kỹ thuật Khoa học máy tính, thấy mình đặt niềm tin đúng chỗ khi 4 năm trước đã quyết định đầu quân vào một ngôi trường 0 tuổi, vừa mới khai sinh. Cậu cảm thấy biết ơn vì nhờ VinUni. Bảo hôm nay đã khác rất nhiều so với cậu học trò trường Quốc học Huế ngày nào mới chập chững bước đến giảng đường, từ lý tưởng sống cống hiến đến nội lực mạnh mẽ hơn, kỹ năng tốt hơn và trưởng thành hơn.
Nếu năm thứ nhất, cậu không dám mơ đến một ngày mình có khả năng bước ra thế giới, có chăng chỉ mơ sẽ đầu quân cho một công ty lớn thì bây giờ sau khi tốt nghiệp, mục tiêu của Bảo là trở thành cá nhân có tác động đến xã hội, cụ thể là góp phần phát triển kinh tế cho quê hương Huế và rất sẵn sàng để nói ra điều đó, sống và làm việc vì mục tiêu đó. Từ một sinh viên từng bị đè nặng áp lực đồng trang lứa, khó khăn trong diễn đạt, Bảo đã được trau dồi các kỹ năng cơ bản để có thể thích ứng và vươn lên mạnh mẽ ở bất kỳ môi trường nào. Cậu cũng biết yêu thương bố mẹ nhiều hơn để trân trọng hơn mỗi phút giây bên gia đình.
“Em vô cùng biết ơn thầy cô, bạn bè ở VinUni vì đã luôn yêu thương, khích lệ, động viên, sẵn sàng trao cho em những cơ hội mà em không nghĩ mình có thể có được, cho em được thất bại và dạy em biết đứng lên, ‘nhào nặn’ em thành con người như hôm nay: tự tin, đầy nội lực và khát khao cống hiến”, Bảo nói. Ngay từ khi chưa tốt nghiệp nhưng Bảo được nhận vào vị trí kỹ sư nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore.
Theo tiến sỹ Lê Mai Lan, sự trưởng thành và những thành công bước đầu của các sinh viên như Gia Bảo cũng chính là niềm hạnh phúc của đội ngũ cán bộ, giảng viên VinUni. “Sau 4 năm, với lứa sinh viên đầu tiên tự tin giao lưu học thuật với các trường đại học đẳng cấp quốc tế, vị thế của VinUni đã khác nhiều so với ngày chúng tôi đi gõ cửa từng trường đại học thuộc khối Ivy”, tiến sỹ Lê Mai Lan chia sẻ.
Chia sẻ về định hướng phát triển của trường giai đoạn tới, tiến sĩ Lê Mai Lan cho hay trường vẫn kiên định với định hướng trở thành trường đại học xuất sắc, đào tạo tinh hoa, đẳng cấp quốc tế. “Trọng tâm tương lai là mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu, tạo ra giá trị cho xã hội và phát triển bền vững”, nữ Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni khẳng định.
Bình luận